Trong nội san Giáo dục - Đào tạo Hưng Yên tháng 11/2013, chúng tôi đã giới thiệu với bạn đọc về một số tiêu chí đánh giá tiết dạy học có ứng dụng Công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT&TT), bài viết này xin trình bày một số yêu cầu về kiến thức và kỹ năng đối với GV trong ứng dụng CNTT&TT vào bài giảng.
Trước tiên, người GV phải có ý thức, nhiệt huyết, sáng tạo và kiên trì ứng dụng CNTT trong triển khai dạy học môn mình phụ trách. Không những thế, GV phải biết truyền cho học sinh (HS) nhiệt huyết đó, biết tổ chức cho HS cách thức ứng dụng CNTT trong quá trình học tập.
Một điểm hết sức quan trọng là: thông qua tổ chức hoạt động ứng dụng CNTT, giáo viên sẽ giúp HS có những kiến thức và kỹ năng về CNTT, có phương pháp học trong điều kiện mới.
Muốn thế, GV phải có những kiến thức, kỹ năng về CNTT&TT cơ bản. Một số yêu cầu dưới đây được coi là quan trọng đối với hoạt động nghề nghiệp của người GV trong giai đoạn hiện nay.
1. Kiến thức CNTT cơ bản
Muốn sử dụng được CNTT để phục vụ công việc của mình, trước hết người GV cần có những kiến thức cơ bản về tin học, các kỹ năng sử dụng hiệu quả máy tính và các thiết bị CNTT để hoàn thành nhiệm vụ cụ thể.
Chẳng hạn, cần biết sơ bộ về cấu tạo máy tính, một số kiến thức ban đầu về tin học như: khái niệm về hệ điều hành, tập tin, thư mục, đường dẫn, ổ đĩa...
GV cần có kỹ năng sử dụng các lệnh của một số hệ điều hành cụ thể (như hệ điều hành windows) để điều khiển máy tính phục vụ công việc của mình: các lệnh xem thư mục, tạo lập thư mục mới, chép và xóa tệp, chép và xóa thư mục, lệnh duyệt đĩa;
Các kỹ năng sử dụng một vài phần mềm tiện tích trợ giúp xử lý đĩa và các thông tin trên đĩa, tổ chức và lưu dữ liệu an toàn và bảo mật trên các bộ nhớ khác nhau và với những định dạng khác nhau, biết sử dụng các chương trình chống virus để bảo vệ máy tính.
Máy tính sẽ thực sự là một người trợ giúp hoàn hảo, nếu người GV biết sử dụng nó để thực hiện một số công việc thường nhật như tính toán, thống kê số liệu, soạn thảo văn bản, lập kế hoạch và kiểm soát kết quả thực hiện kế hoạch...
Muốn vậy, giáo viên cần có kỹ năng sử dụng các phần mềm cơ bản như: soạn thảo văn bản, phần mềm trình diễn PowerPoint, bảng tính điện tử, phần mềm quản lý công việc...
Trong thế giới hiện đại, Internet đã trở thành một công cụ không thể thiếu trong hoạt động nghề nghiệp của người GV.
Người GV cần hiểu được thành phần của hệ thống mạng để kết nối, điều khiển và khai thác các dịch vụ trên mạng; xác định được thông tin cần thiết và xây dựng được tiêu chí lựa chọn; sử dụng kỹ thuật để tìm kiếm, tổ chức, lưu trữ, hỗ trợ nghiên cứu kiến thức mới;
Đánh giá được độ tin cậy của các thông tin, dữ liệu đã tìm được; xử lý thông tin hỗ trợ giải quyết vấn đề; sử dụng ICT (Information and Communication Technologies - Công nghệ thông tin và truyền thông) để hỗ trợ quá trình tư duy, hình thành ý tưởng mới cũng như lập kế hoạch giải quyết vấn đề;
Các kỹ năng sử dụng ICT để chia sẻ, trao đổi thông tin và hợp tác với HS, đồng nghiệp... một cách an toàn, hiệu quả; thông hiểu các quy định về đạo đức, luật pháp trong quá trình ứng dụng CNTT nói chung như sở hữu trí tuệ, luật bản quyền...
2. Kỹ năng diễn đạt ý tưởng bằng công cụ CNTT
Năng lực trình bày, diễn đạt tư tưởng là hết sức quan trọng. Muốn giao tiếp với bạn bè, đồng nghiệp, bạn cần biết cách diễn đạt dễ hiểu, hấp dẫn, biết trình bày ý tưởng của mình một cách rõ ràng và thuyết phục.
Trong thời kỳ hiện đại, không những chỉ diễn đạt bằng lời, mà còn phải trình bày, diễn đạt ý tưởng bằng công cụ CNTT. Vì thế, GV cần có kỹ năng trình bày ý tưởng dưới dạng một tài liệu điện tử - một tài liệu tích hợp các thành phần khác nhau như: văn bản, ảnh đồ họa, âm thanh, video...
3. Kỹ năng tạo ra các sản phẩm tích hợp Multimedia (đa phương tiện)
Các tài liệu văn bản và các sản phẩm khác như đồ thị, hình ảnh, đoạn phim, âm thanh thường được tích hợp trong một tài liệu. Các sản phẩm này thường là kết quả nghiên cứu trong quá trình dạy học hoặc trong sinh hoạt nhóm chuyên môn.
Như vậy, ngoài khả năng tạo ra văn bản, GV cần biết cách thu thập dữ liệu cần thiết như các đoạn phim video, các đoạn âm thanh, hình ảnh và tích hợp nó trong một sản phẩm trình diễn.
4. Khả năng sử dụng các PMDH trong chuyên môn
Theo quan điểm sử dụng phần mềm như phương tiện dạy học, căn cứ vào chức năng của phần mềm mà có thể phân loại PMDH thành hai dạng:
Phần mềm công cụ hỗ trợ dạy học môn học là những phần mềm tiện ích dùng để hỗ trợ GV thiết kế nội dung bài giảng nhằm truyền tải kiến thức một cách thuận lợi đến HS như sử dụng phần mềm Concept Draw MindMap để thiết kế một bản đồ tư duy nhằm giảng dạy một bài học cụ thể;
Phần mềm LectureMaker để thiết kế một bài giảng điện tử; phần mềm Violet giúp giáo viên soạn giảng được các bài giảng điện tử sinh động, hấp dẫn, hỗ trợ việc trình chiếu trên lớp và giảng dạy E-learning qua mạng,...
PMDH theo môn học là những phần mềm chuyên dùng để dạy học những kiến thức môn học đó. Hiện nay có một số phần mềm được sử dụng trong dạy học môn Toán: Maple, Cabri, Graph, Geogebra...; môn Vật lý: Galileo, Crocodile Phisics...; môn Hoá học: PL Table, Crocodile Chemistry...; môn Tiếng Anh: Home4English, Grammar, English Study...; môn Ngữ văn: Photostory, Webquest..; môn Địa lý: PC Fact, DB Map, Mapinfo, Google Earth...
PMDH tạo ra môi trường học tập mới cho HS, giúp HS khám phá, giải quyết vấn đề, sáng tạo. Có nhiều PMDH khác nhau được bán trên thị trường, GV cần biết được PMDH nào là tốt, cần thiết cho môn học của mình.
Với từng PMDH, cần biết lựa chọn tình huống sử dụng phần mềm dạy học có hiệu quả. Hiện nay, nhiều PMDH bị lạm dụng quá nhiều do GV chưa am hiểu về các yêu cầu sư phạm khi sử dụng phần mềm đó vào tổ chức hoạt động nhận thức trong dạy học ở trường phổ thông.
Mặt khác, GV cần biết cách thức tổ chức hoạt động học tập cho HS trong môi trường CNTT. GV từng môn học cũng cần có kỹ năng sử dụng CNTT trong các tình huống sư phạm điển hình của môn học.
Chẳng hạn, với môn Toán, do đặc thù riêng của mình có các tình huống điển hình cần quan tâm như: sử dụng PMDH để dạy học định nghĩa, định lý toán, sử dụng PMDH để dạy học giải toán... Với các môn như Vật lý và Hóa học, cần lưu ý đến tình huống sử dụng các phần mềm mô phỏng, sử dụng các thí nghiệm ảo trong dạy học,...
Giáo viên cũng cần biết kết hợp tối ưu các thiết bị dạy học truyền thống với CNTT trong dạy học, khả năng sử dụng CNTT để đánh giá kết quả học tập của HS.
5. Kỹ năng sử dụng các công cụ trợ giúp để tạo ra các sản phẩm PMDH cá nhân
Các PMDH dù có chất lượng cao đến đâu cũng không thể thích ứng hết với mọi trường hợp riêng lẻ trong quá trình dạy học. Trong môi trường dạy học đa dạng, với các đối tượng HS rất khác nhau, GV có thể tự tạo ra các PMDH của riêng mình. Hiện nay, có nhiều phần mềm công cụ dành cho GV nhằm hỗ trợ tạo ra các PMDH cá nhân (như phần mềm công cụ Violet).
Các phần mềm công cụ này dễ sử dụng vì thế chỉ cần một vài ngày tự học hoặc được hướng dẫn, GV có thể làm chủ công cụ đó trong công tác chuyên môn. GV cần có kỹ năng sử dụng một phần mềm công cụ nào đó và có khả năng tạo ra các PMDH cá nhân phục vụ việc dạy học một số chương, bài thuộc bộ môn mình phụ trách.
6. Kỹ năng ứng dụng CNTT khi giao tiếp trong chuyên môn dành cho GV
Người GV cần có thói quen làm việc với đồng nghiệp thông qua các trang Web. Nhiều chủ đề dạy học khó, các PPDH mới có thể được thảo luận trên diễn đàn điện tử.
GV cần biết cách tạo ra các tài liệu trao đổi với nội dung, hình thức phù hợp, trong đó có thể tích hợp các yếu tố văn bản, âm thanh, hình ảnh... vào một sản phẩm thông tin đăng tải trên các diễn đàn dạy học.
GV cần có ý thức và cách thức làm việc với HS thông qua hộp thư điện tử: ra bài tập về nhà, nhắc nhở công việc, giải đáp thắc mắc cá nhân... Ngoài ra, GV cũng cần sử dụng
Internet trong hoạt động giao tiếp với các đối tác quan trọng khác như phụ huynh HS, các nhà quản lý giáo dục và các lực lượng xã hội liên quan khác.
Hiện nay, đã có một số GV sử dụng trang web của trường học hoặc tự tạo ra trang web riêng để trao đổi với đồng nghiệp, với HS và phụ huynh.
Những yêu cầu đặt ra về kiến thức và kỹ năng CNTT với người GV phổ thông không nhiều; để thực hiện tốt, bước đầu nên đặt ra các yêu cầu tối thiểu, sau đó từng bước bổ sung, nâng cao yêu cầu.