Cần thay đổi cách nhìn nhận giữa GV và HS
Việc trao đổi qua lại giữa GV và HS trong giờ học rất ít, vì vậy HS dễ bị thụ động trong quá trình học. Còn đối với PPDH lấy HS làm trung tâm, HS tiếp thu kiến thức không chỉ thông qua kênh nghe, kênh nhìn mà còn phải được tham gia thực hành trên lớp hoặc được trao đổi thể hiện suy nghĩ, chính kiến của mình.
TS. Nguyễn Ánh Hồng - Chủ nhiệm Khoa Giáo dục học (Trường Đại học KHXH-NV) chia sẻ: “Tri thức người học có được sau dạy học được ví như chiếc bánh. Nếu ở PPDH truyền thống, cái bánh đó do thầy làm ra hoàn toàn và áp đặt buộc HS phải ăn chiếc bánh. Chiếc bánh đó có thể sẽ rất ngon và rất dễ nuốt nhưng HS sẽ không nắm được rõ các thao tác làm bánh.
Còn PPDH mới, người thầy sẽ cung cấp cho HS các nguyên liệu và công thức chế biến, người học phải tự tay nhào nặn bột và làm các công đoạn khác để hình thành nên chiếc bánh thì mới nắm được chìa khóa của sự thành công.
Các thao tác đều do HS làm, chắc chắn các em sẽ có được kỹ năng cần thiết. Nếu chiếc bánh có bị hư hỏng, người học cũng sẽ nhận biết được trong quá trình làm có những công đoạn nào sai.
Từ đó, họ sẽ nhớ rõ, nhớ kĩ những sai sót để rút kinh nghiệm cho lần nhào nặn những chiếc bánh tiếp theo và tự chủ động tìm kiếm cách thực hiện tốt nhất”.
Trước đây GV là trung tâm của dạy học thì họ “độc quyền” đánh giá kết quả học tập của HS. Còn ở PPDH hiện đại “tiếng nói” của HS được đề cập nhiều hơn.
HS không chỉ tự tìm kiếm tri thức mà theo như TS Nguyễn Ánh Hồng, họ còn được tham gia đánh giá, tự xác định các giá trị đạt được và tự chịu trách nhiệm về kết quả của mình.
Rất nhiều ý kiến khác của các nhà giáo cũng cho rằng để đổi mới PPDH cần đi kèm theo đổi mới trong cách thức thi cử, đánh giá, chấm điểm.
Hiện nay, Bộ GD&ĐT đã cho biên soạn nhiều tài liệu đổi mới PPDH. Ông Trần Đình Châu - Giám đốc Điều hành Ban Dự án phát triển THCS (Bộ GD&ĐT) - cho biết: “Hiện nay, đã có 16 tài liệu được phát hành trên toàn quốc, bao gồm đổi mới PPDH và đổi mới đánh giá kết quả học tập của HS”.
Việc phát huy tính tích cực, chủ động không chỉ có ý nghĩa trong học tập ở nhà trường mà còn chuẩn bị hành trang cho các em đóng góp vào sự nghiệp xây dựng đất nước.
Để PPDH lấy HS làm trung tâm thực sự phát huy tác dụng thì cần có những điều kiện giáo dục nhất định như: GV có năng lực khơi gợi và tạo tình huống, ý thức tự giác học tập của HS cao, cơ sở vật chất cho dạy học đầy đủ và phù hợp với môi trường giảng dạy.
GV vẫn giữ vai trò chủ đạo
Việc xác định HS làm trung tâm của dạy học không phải coi nhẹ vai trò của GV mà trái lại đòi hỏi GV phải có trình độ cao hơn nhiều về phẩm chất và năng lực nghề nghiệp.
Dù ở PPDH truyền thống hay PPDH hiện đại thì vai trò của người thầy trong việc truyền thụ kiến thức cho người học cũng hết sức quan trọng.
GV là người chủ đạo trong việc lựa chọn nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức dạy học giúp HS tìm kiếm con đường ngắn nhất để làm chủ tri thức.
Theo TS Nguyễn Ánh Hồng, quá trình tìm kiếm tri thức của HS về bản chất cũng giống như quá trình phát minh, sáng chế của nhà khoa học.
Tuy nhiên, để tìm ra một tri thức khoa học, các nhà khoa học phải trải qua một quá trình nghiên cứu lâu dài. Đối với HS, trong quá trình khám phá của họ đã có người thầy giúp đỡ, hỗ trợ, tổ chức nên sẽ tìm ra với con đường ngắn nhất, khoa học nhất mà không bị thất bại hay sai lầm.
GV là người hướng dẫn cho người học tìm đến tri thức thì GV phải căn cứ vào kiến thức chuẩn, kỹ năng để dạy học. Đổi mới PPDH phụ thuộc vào đối tượng, điều kiện, môi trường.
Vì vậy, GV cần chủ động và có những sáng kiến trong giờ giảng của mình để cho HS biết tự vận dụng kiến thức và liên hệ với thực tiễn. Đồng thời, tổ chức giảng dạy theo nhóm để HS biết hợp tác và chia sẻ kiến thức lẫn nhau.
Điều cốt lõi để đổi mới PPDH có đạt hiệu quả cao hay không đều nằm ở trách nhiệm của GV. Nếu GV có niềm đam mê nghề nghiệp, yêu thương học trò, luôn trăn trở con đường ngắn nhất để giờ học đạt hiệu quả cao thì họ sẽ tìm ra nhiều phương pháp mới có hiệu quả trong dạy và học.
“Dạy học là quá trình mà GV và HS luôn có mối tác động qua lại, quy định lẫn nhau. Nếu GV dạy học không theo hướng tích cực thì HS sẽ nhận thức thụ động và ngược lại, nếu được hướng dẫn với một phương pháp tốt, HS sẽ phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo của mình”- TS Nguyễn Ánh Hồng nhận xét.