Sinh viên khởi nghiệp:

Kinh nghiệm khởi nghiệp thành công

GD&TĐ - Với niềm đam mê cùng sự tự tin, sáng tạo, nhiều sinh viên ấp ủ ý tưởng khởi nghiệp từ khi ngồi trên ghế nhà trường.

Ảnh minh họa Internet.
Ảnh minh họa Internet.

Tuy nhiên, trong quá trình khởi nghiệp, đam mê thôi là chưa đủ.

Trở thành người giỏi nhất trong lĩnh vực yêu thích

Evan Spiegel, 32 tuổi, là Giám đốc điều hành và đồng sáng lập ứng dụng nhắn tin bằng hình ảnh Snapchat. Năm 2015, ở tuổi 24, Evan được vinh danh là tỷ phú trẻ nhất thế giới với tổng tài sản lên tới 1,5 tỷ USD, theo tạp chí Forbes. Hành trình khởi nghiệp của Evan bắt đầu từ năm 2 đại học, khi anh là sinh viên ngành Thiết kế sản phẩm tại Đại học Stanford, Mỹ - trường thành viên của khối Ivy League.

Cùng bạn đồng môn Robert Murphy và Reggie Brown, Evan Spiegel đã đề xuất ý tưởng về ứng dụng nhắn tin bằng hình ảnh với tên gọi ban đầu là Picaboo trong một lớp học về thiết kế. Nhóm sáng lập kỳ vọng ý tưởng này có thể áp dụng trong thực tế bởi mọi người sử dụng điện thoại thông minh ngày càng nhiều.

Say sưa với ý tưởng này, Evan Spiegel thậm chí quyết định nghỉ học đại học để tập trung phát triển phần mềm. Tuy nhiên, trong lần ra mắt đầu tiên, ứng dụng đã thất bại. Chàng trai trẻ cùng các cộng sự phải nỗ lực thêm hàng chục lần nữa để hoàn thiện ứng dụng, đổi tên thành Snapchat và công bố ra thế giới. Từ năm 2011, ứng dụng này nổi lên như một hiện tượng.

Evan Spiegel.

Evan Spiegel.

Snapchat thành công đến mức Meta, công ty mẹ của Facebook, từng chào mua ứng dụng với giá 3 tỷ USD nhưng bị từ chối. Đến nay, Snapchat luôn nằm trong tốp những ứng dụng phổ biến thế giới. Kể từ đó, Evan Spiegel được xem là một trong những start-up (khởi nghiệp) thành công nhất thế giới. Câu chuyện về quá trình Evan nhen nhóm ý tưởng và biến Picaboo thành Snapchat như hiện nay được nhiều người quan tâm, đặc biệt là sinh viên trẻ.

Điều đầu tiên, khi nói về hành trình khởi nghiệp, Evan cho rằng, mọi người cần tìm ra một lĩnh vực yêu thích và chuyên môn hóa. Đó phải là lĩnh vực bạn làm rất tốt và trở thành người giỏi nhất. Với Evan, đó là thiết kế đồ họa, nguồn cảm hứng cho ý tưởng về những tấm ảnh “biết nhắn tin”.

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Entrepreneur, Evan kể: “Tôi thực sự may mắn bởi khi là sinh viên đã được tham gia lớp học “Khởi nghiệp và đầu tư mạo hiểm”. Trong môn học này, tôi được gặp gỡ, trò chuyện và kết nối với nhiều doanh nhân, CEO nổi tiếng tại Mỹ. Họ không chỉ cho chúng tôi lời khuyên, mà còn giúp chúng tôi được trải nghiệm thực tế”.

Tuy nhiên, trở thành người giỏi nhất trong lĩnh vực mình yêu thích là chưa đủ. Bản thân Evan cũng thất bại ở lần đầu tiên với Picaboo bởi kỹ năng khởi nghiệp, kinh doanh còn có phần hạn chế. Đó cũng là bài học thứ 2, tìm hiểu về kinh doanh và xây dựng mối quan hệ với các nhà khởi nghiệp hoặc kinh doanh khác.

Tại đây, Evan đã làm quen với tỷ phú Scott Cook, người đồng sáng lập Intuit, Giám đốc eBay và Procter & Gamble, và được ông Scott giới thiệu vào làm cho một công ty công nghệ. Điều này giúp chàng sinh viên hình dung rõ ràng hơn về cơ chế hoạt động, văn hóa của một công ty công nghệ trước khi tự mình đứng ra làm chủ.

Sau này, khoản đầu tư đầu tiên mà Snapchat nhận được cũng là từ Scott Cook, khi ấy đã trở thành người bạn, người cố vấn và nhà đầu tư cho Evan. Qua trải nghiệm này, Evan nhìn nhận: “Điều quan trọng khi bắt đầu khởi nghiệp là tiếp xúc với thế giới kinh doanh và những nhà khởi nghiệp khác”. Như vậy, với một start-up bắt đầu trên ghế nhà trường, kinh nghiệm của Evan Spiegel gồm: Khởi nghiệp từ lĩnh vực bạn giỏi nhất, học cách kinh doanh và tìm được những nhà cố vấn tuyệt vời.

Nguyễn Việt Hùng.

Nguyễn Việt Hùng.

Mở rộng kiến thức đa lĩnh vực

Tìm hiểu về kinh doanh cũng là chia sẻ của Nguyễn Việt Hùng, cựu sinh viên Trường Đại học FPT, Giám đốc điều hành và sáng lập Trung tâm đào tạo thiết kế đồ họa ColorME. Thời sinh viên, Việt Hùng nhận thấy nhiều bạn trẻ tại Hà Nội muốn học thiết kế đồ họa nhưng học phí tại các trung tâm đào tạo thường khá cao. Sẵn có niềm đam mê với mỹ thuật và biết về thiết kế, Hùng mở khóa học đầu tiên với khoảng 45 học viên. Sau đó, anh mở khóa tiếp theo và nhận được hơn 100 đăng ký.

Vậy là thay vì mở một lớp học, chàng trai trẻ quyết định thành lập một trung tâm chuyên đào tạo về thiết kế đồ họa và nhiếp ảnh. Thời điểm đó, Hùng đang học năm 3 đại học.

Nhận định khởi nghiệp là quá trình yêu cầu kiến thức đa ngành và tổng quan, Việt Hùng cho rằng, người khởi nghiệp cũng cần trau dồi những kiến thức liên quan đến kinh doanh, marketing, quản lý nhân sự, hành chính, pháp lý... Bên cạnh đó, người khởi nghiệp có thể học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước hoặc từ cố vấn (mentor), sách báo, thậm chí đi làm cho các doanh nghiệp để tích luỹ kỹ năng và kinh nghiệm.

Nhấn mạnh đến yếu tố kinh doanh, Hùng chia sẻ: Để khởi nghiệp, kiến thức kinh doanh là yếu tố quan trọng bởi chỉ giỏi chuyên môn, biết làm sản phẩm thôi chưa đủ. Người khởi nghiệp nếu muốn đưa doanh nghiệp của mình phát triển cần rất nhiều kiến thức về quản trị kinh doanh.

“Tôi hy vọng các bạn sinh viên đang hoặc dự định khởi nghiệp có thể chuẩn bị tốt ba thứ: Sức khỏe, kiến thức và một giấc mơ đủ lớn. Những yếu tố này sẽ góp phần giúp các bạn gặt hái những thành công trên hành trình này”, anh Việt Hùng bày tỏ.

Là doanh nhân tiêu biểu châu Á, bà Võ Thị Phương Lan, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn và Hỗ trợ khởi nghiệp phía Nam, nhìn nhận phong trào khởi nghiệp đang phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ, nhất là nhóm sinh viên. Nhiều bạn trẻ, với niềm đam mê và những ý tưởng sáng tạo, không ngần ngại khởi nghiệp ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Bà Phương Lan lưu ý, khởi nghiệp là quá trình chuẩn bị bài bản cả về kiến thức lẫn kỹ năng và tinh thần kiên trì. Một dự án khởi nghiệp khả thi cần nắm bắt được xu thế của kinh tế thị trường, xây dựng được “thương hiệu cá nhân”. Ngoài ra, trong quá trình hiện thực hóa, người khởi nghiệp cần có kế hoạch, mục tiêu rõ ràng, có chiến lược phát triển, khả năng quản trị nhân lực, kỹ năng tiếp thị, sử dụng vốn...

Còn Nguyễn Hồng Sơn, sinh viên ngành Công nghệ thông tin, Đại học Bách khoa Hà Nội, chia sẻ: Khởi nghiệp là một quá trình gian nan, vất vả. Chúng em có thể trau dồi kiến thức qua sách vở, Internet nhưng chúng em cũng cần sự giúp đỡ của nhà tư vấn, những người có chuyên môn kinh doanh hoặc khởi nghiệp. Em hi vọng các trường đại học có thể tăng cường đồng hành cùng sinh viên trong quá trình khởi nghiệp.

Trong những năm gần đây, khởi nghiệp là đề tài được nhiều người trẻ Việt Nam, đặc biệt là sinh viên, quan tâm. Năm 2022, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có môi trường khởi nghiệp non trẻ và năng động bậc nhất châu Á, theo báo cáo của Ngân hàng HSBC và Công ty KPMG.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ