Sinh viên khởi nghiệp:

Điểm tựa khởi nghiệp

GD&TĐ - Đề án 1665 “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy khởi nghiệp...

Trường ĐH Mở Hà Nội tổng kết và trao giải Cuộc thi Sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp năm 2022. Ảnh: NTCC
Trường ĐH Mở Hà Nội tổng kết và trao giải Cuộc thi Sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp năm 2022. Ảnh: NTCC

Sau 5 năm triển khai, Đề án 1665 “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” đã thực sự khơi dậy, thúc đẩy tinh thần, trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên trong thời gian học tập tại các cơ sở đào tạo trên toàn quốc.

Sớm hình thành tư duy đổi mới sáng tạo

Là sinh viên lớp K22C, Khoa Điện - Điện tử, Trường ĐH Mở Hà Nội, Vũ Văn Toàn có khá nhiều thành tích trong đổi mới, sáng tạo với giải Khuyến khích Eruka năm 2020 do Thành đoàn TPHCM tổ chức; giải Nhất Sáng kiến trẻ Việt Nam toàn cầu năm 2021 (Innocity2021); giải Nhất Cuộc thi Thiết kế sản phẩm công nghệ dành cho người khuyết tật năm 2022. Kết quả này có dấu ấn từ những hỗ trợ của Đề án 1665.

“Đề án 1665 của Chính phủ đã cung cấp cho sinh viên các khóa học, đào tạo, tài liệu và tạo cơ hội được tham gia các hoạt động giáo dục nhằm trang bị kiến thức khởi nghiệp. Sinh viên còn có thể được hỗ trợ vốn thông qua tài trợ từ nhà đầu tư, tổ chức, quỹ đầu tư khởi nghiệp với những dự án có tiềm năng; được hỗ trợ kiến thức về quản lý và phát triển doanh nghiệp.

Đây là những hỗ trợ vô cùng quan trọng, nhất là với sinh viên, những người đang ở giai đoạn tìm kiếm định hướng sự nghiệp và tìm cách thể hiện bản thân”, Vũ Văn Toàn chia sẻ.

Nhận định tác động từ việc triển khai Đề án 1665 trong nhà trường, ThS Lương Tuấn Long, Trưởng phòng Công tác chính trị và sinh viên, Trường ĐH Mở Hà Nội, đánh giá: Được triển khai đồng bộ, Đề án giúp tạo sân chơi khoa học bổ ích cho học viên, sinh viên; gắn khởi nghiệp với quá trình học tập, nghiên cứu nhằm tạo động lực và hình thành ý tưởng, tư duy đổi mới sáng tạo ngay trên ghế nhà trường.

Theo khảo sát việc làm sau ra trường 2 năm gần đây, sinh viên tốt nghiệp trong 12 tháng đầu tiên của Trường ĐH Mở Hà Nội có thể tự tạo việc làm (khởi nghiệp) và có thu nhập trên 15 triệu/tháng có chiều hướng gia tăng.

Tìm hiểu thông tin khởi nghiệp. Ảnh minh họa/ INT

Tìm hiểu thông tin khởi nghiệp. Ảnh minh họa/ INT

Trong quá trình triển khai Đề án, nhà trường nhận được sự quan tâm hỗ trợ của Bộ GD&ĐT. Thời gian đầu, việc kết nối các chuyên gia khởi nghiệp và doanh nghiệp đầu tư còn hạn chế, nhưng với mạng lưới cựu sinh viên trên toàn quốc, trường đã nhanh chóng xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, hỗ trợ tích cực cho sinh viên trong xây dựng ý tưởng và dự án. Hiện nay, trường có mối quan hệ tin cậy với hơn 100 doanh nghiệp lớn và gần 50 chuyên gia hàng đầu trong quản trị doanh nghiệp, khởi nghiệp.

Hơn 4 năm xây dựng phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, ĐH Huế đã đạt được một số kết quả nhất định. Thông tin từ Giám đốc, PGS.TS Lê Anh Phương, hệ thống hỗ trợ khởi nghiệp trong toàn ĐH Huế đã được thiết lập. Phát triển được hệ sinh thái với đầy đủ các cấu phần, từ mạng lưới chuyên gia giảng dạy, mạng lưới và chương trình cố vấn khởi nghiệp, các nhà đầu tư thiên thần, thiết lập mối quan hệ hợp tác với các quỹ hỗ trợ khởi nghiệp, đầu tư mạo hiểm…

Toàn bộ sinh viên được nâng cao nhận thức về khởi nghiệp trong quá trình học. Đặc biệt, một số dự án khởi nghiệp của sinh viên và giảng viên đã nhận được các khoản đầu tư ban đầu. ĐH Huế cũng cho xây dựng và đưa vào vận hành cơ sở vật chất hạ tầng phục vụ hệ sinh thái khởi nghiệp, trong đó có khu làm việc chung với diện tích 2.000 m2.

“Có thể nói, ĐH Huế đã bước qua giai đoạn đầu trong việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”, PGS.TS Lê Anh Phương chia sẻ.

ThS Lương Tuấn Long trong một buổi tập huấn kỹ năng khởi nghiệp cho sinh viên. Ảnh: NTCC

ThS Lương Tuấn Long trong một buổi tập huấn kỹ năng khởi nghiệp cho sinh viên. Ảnh: NTCC

Đưa nội dung khởi nghiệp vào chương trình đào tạo

Trong định hướng sắp tới, PGS.TS Lê Anh Phương cho biết, ĐH Huế sẽ đưa học phần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vào tất cả các chương trình đào tạo trình độ đại học. Đồng thời, ban hành quy định về hoạt động, trong đó bao gồm các cơ chế hỗ trợ sinh viên thực hiện; hỗ trợ giảng viên, viên chức, người lao động tham gia làm cố vấn, hỗ trợ tổ chức các hoạt động về khởi nghiệp.

Cũng theo PGS.TS Lê Anh Phương, việc tổ chức ươm tạo các ý tưởng và doanh nghiệp khởi nghiệp; tăng cường hợp tác với doanh nghiệp nhằm thương mại hóa công trình nghiên cứu khoa học, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ giữa trường đại học với doanh nghiệp cũng được chú trọng trong định hướng sắp tới.

Cùng đó, chỉ đạo các đơn vị sử dụng hiệu quả, đảm bảo tỷ lệ chi từ nguồn kinh phí nghiên cứu khoa học của sinh viên cho các hoạt động khởi nghiệp. Tăng cường liên kết giữa sinh viên với doanh nghiệp để đưa tri thức, dự án nghiên cứu vào đời sống xã hội, sản xuất, kinh doanh, kết nối các nguồn lực hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp.

ĐH Huế sẽ thành lập doanh nghiệp trực thuộc để đầu tư nghiên cứu, thí điểm, sản xuất thử các kết quả nghiên cứu của cán bộ, giảng viên và sinh viên. Thành lập quỹ hỗ trợ khởi nghiệp ĐH Huế từ nguồn tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, các nguồn vốn xã hội hóa khác.

Mặc dù còn non trẻ, nhưng Trường PTLC Phenikaa (Hà Nội) đã quan tâm triển khai Đề án 1665. Cô Đoàn Hà, Phó hiệu trưởng, chia sẻ, nhà trường xác định tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợ học sinh có tư duy, định hướng và hiện thực hóa ý tưởng, dự án khởi nghiệp là mục tiêu quan trọng cần đề ra và thực hiện. Trong khung chương trình và đề cương chi tiết môn Kỹ năng sống, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, trường đưa hướng nghiệp - khởi nghiệp thành cấu phần quan trọng trong chương trình, với phân phối số tiết khác nhau và chiếm thời lượng tăng dần ở các khối.

Trường đồng thời đưa nội dung và mục tiêu của Đề án 1665 chia sẻ và lan tỏa trong các hoạt động; kết nối với trường đại học và các doanh nghiệp trong hệ sinh thái của Tập đoàn Phenikaa để đưa học sinh đi trải nghiệm, thực địa, nói chuyện với các doanh nhân, những người truyền cảm hứng trong lĩnh vực khởi nghiệp.

“Thời gian qua, Trường PTLC Phenikaa đã tổ chức các hội thảo với thành phần khách mời là trường trung học, đại học, doanh nghiệp để học sinh hiểu về tam giác hướng nghiệp, có động lực khởi nghiệp. Nhà trường cũng tìm nguồn liên hệ và kết nối với các doanh nghiệp, quỹ đầu tư, nhà đầu tư và các tổ chức để có nguồn lực ủng hộ, hỗ trợ dự án của học sinh”, cô Đoàn Hà chia sẻ.

ThS Lương Tuấn Long cho rằng, các cơ sở đào tạo cần chủ động nghiên cứu, đưa nội dung khởi nghiệp vào chương trình đào tạo dưới dạng chính khóa hoặc ngoại khóa (tùy theo ngành đào tạo), giúp sinh viên có góc nhìn toàn diện hơn về khởi nghiệp. Về phía Bộ GD&ĐT, với vai trò quản lý, cần hoàn thiện thêm cơ chế, chính sách hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp. Có thể nghiên cứu xây dựng các quỹ đầu tư khởi nghiệp theo từng lĩnh vực, khuyến khích các cá nhân, doanh nghiệp đầu tư “mạo hiểm”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.