Sinh viên khởi nghiệp:

Từ ý tưởng đến hành động khởi nghiệp

GD&TĐ - Những dự án xuất sắc tại Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” năm 2023 đã ghi nhận nhiều ý tưởng tốt đến từ học trò miền núi.

Cô giáo Nguyễn Thị Oanh và nhóm học sinh Trường THPT Trần Nhật Duật, Yên Bái.
Cô giáo Nguyễn Thị Oanh và nhóm học sinh Trường THPT Trần Nhật Duật, Yên Bái.

Các em đều mong muốn đem đặc sản địa phương làm “lợi thế” trong quá trình khởi nghiệp.

Khởi nghiệp từ cây râu mèo

Một trong những dự án xuất sắc của Cuộc thi là kinh doanh trà râu mèo của nhóm học sinh Trường PTDTBT TH & THCS Bản Liền (Bắc Hà, Lào Cai). Ý tưởng dự án xuất phát từ niềm đam mê, ước mơ khởi nghiệp từ địa phương với trà dâu mèo.

Trưởng nhóm Sùng Thị Kiều Trang chia sẻ: Ở vùng Bản Liền quê em, cây râu mèo được trồng khá phổ biến và mọi người hay dùng để chữa bệnh. Cây râu mèo thích nghi với nhiều loại đất, có thể trồng xen canh dưới tán vườn cây ăn quả. Các hộ dân có đất vườn, đất sản xuất kém hiệu quả đều có thể chuyển sang trồng cây râu mèo.

Được sự hỗ trợ của các thầy cô, chúng em đã tận dụng khoảng đất xung quanh trường để trồng câu râu mèo. Sau khi cây được thu hoạch, nhóm tự nhân giống, sản xuất, đóng gói tại trường. Đây là những sản phẩm hoàn thiện, có thể bán trên thị trường.

Thầy Thèn Hải Âu - Trường PTDTBT TH & THCS Bản Liền trao đổi: Từ nhiều năm nay, giáo dục STEM đã phát triển mạnh ở Lào Cai, tạo cơ hội cho học sinh vận dụng kiến thức đã học vào thực tế. Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” cũng có sức lan toả rộng, giúp học sinh thêm hào hứng với nhiều ý tưởng, dự định. Để khởi nghiệp thành công cần có nhiều yếu tố, nhưng có được ý tưởng độc đáo, chắc chắn sẽ mang đến lợi thế.

Bước đầu triển khai đề tài khởi nghiệp, chúng em lập ra một trang thông tin trên Facebook để quảng bá sản phẩm. Đó là những thông tin liên quan đến lợi ích, tác dụng chữa bệnh của trà râu mèo (như điều trị bệnh thận và phù thũng, hạ huyết áp, giảm tần số hô hấp, hạ đường huyết, bảo vệ gan, tăng sức đề kháng…), cùng đó là những hình ảnh của sản phẩm, quy trình tạo ra sản phẩm.

Về giá trị giải pháp của dự án, Vàng Anh Đức - thành viên trong nhóm cho biết: “Việc sử dụng 100% dược liệu từ thiên nhiên, sản phẩm chắc chắn sẽ nhận được sự ủng hộ của nhiều người. Công dụng dược liệu cây râu mèo cũng được công chúng cập nhật, biết đến.

Việc tự trồng sản phẩm với chi phí thấp trở thành lợi thế của nhóm. Nhưng quan trọng, khách hàng có thể trải nghiệm để thấy được tác dụng, từ đó có lòng tin và sử dụng trà râu mèo lâu dài. Nhóm cũng đồng thời nghĩ đặt ra việc thương mại hoá, giới thiệu sản phẩm đến mọi miền đất nước. Điều đó là khả thi với sự phát triển của Internet ngày nay”.

Đưa táo mèo Mù Cang Chải bay xa

Không chỉ mong muốn giới thiệu sản phẩm táo mèo Mù Cang Chải đến khách hàng cả nước, nhóm học sinh Trường THPT Trần Nhật Duật (Yên Bái) còn kì vọng thông qua đặc sản địa phương để phát triển du lịch. Trên cơ sở đó, dự án: Sản xuất sản phẩm từ quả táo mèo gắn với truyền thông du lịch Mù Cang Chải đã hình thành.

Học sinh La Quốc Việt trưởng nhóm dự án giới thiệu: Mù Cang Chải là vùng đất xinh đẹp của tỉnh Yên Bái. Với cảnh sắc thiên nhiên quyến rũ đã gieo vào tâm hồn người đam mê du lịch những ấn tượng khó quên. Ở đây có giống Sơn Tra, còn gọi là quả táo mèo mang hương vị đặc trưng riêng. Do đó, chúng em hình thành ý tưởng kinh doanh các sản phẩm chế biến từ táo mèo Mù Cang Chải, gắn với du lịch của địa phương, tạo ra thương hiệu nông sản táo mèo độc quyền, đồng thời giới thiệu và quảng bá các sản phẩm đặc trưng của vùng đất.

Nhóm học sinh Trường PTDTBT TH&THCS Bản Liền, Lào Cai.

Nhóm học sinh Trường PTDTBT TH&THCS Bản Liền, Lào Cai.

Cụ thể, nhóm dự án đã nghiên cứu bảo tồn và chế biến để thương mại hóa táo mèo thành các sản phẩm mứt, ô mai, trà, rượu. Việc này không chỉ hỗ trợ bà con dân tộc Mông, Nùng, Dao, Tày trên địa bàn huyện Mù Cang Chải tiêu thụ sản phẩm mà còn góp phần nâng cao giá trị sản vật địa phương, quảng bá du lịch.

Bước đầu đưa các sản phẩm ra thị trường, nhóm dự án đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ khách hàng. Đa số “thượng đế” đánh giá các sản phẩm đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lí, giữ được hương vị đặc trưng của quả táo mèo Mù Cang Chải. Bốn dòng sản phẩm chính tạo ra từ quả táo mèo nhờ bí quyết riêng đã tạo nên sự khác biệt so với các sản phẩm, thương hiệu khác.

Trần Phi Hùng, thành viên của nhóm lại chia sẻ về ước mơ thu hút khách du lịch qua đặc sản địa phương: Ngoài táo mèo, Mù Cang Chải còn nhiều đặc sản. Khi đến đây, du khách và người tiêu dùng được trải nghiệm sản phẩm từ quả táo mèo cùng các món ăn đặc trưng mang hương vị vùng Tây Bắc.

“Dự án sẽ cùng người dân Mù Cang Chải thu hút du khách bằng cách đính kèm các tua du lịch trải nghiệm với sông nước mênh mông thơ mộng của hồ Thác Bà, thưởng thức hương vị chè cổ thụ Suối Giàng từ 200 - 500 tuổi, ngắm ruộng bậc thang, bay trên mùa vàng tại một trong tứ đại đỉnh đèo Khau Phạ, hòa mình trong các lễ hội của người Mông và sắc màu Mù Cang Chải...”, Hùng nói.

Với đề tài “Sản xuất sản phẩm từ quả táo mèo gắn với truyền thông du lịch Mù Cang Chải” của học trò, cô giáo hướng dẫn Nguyễn Thị Oanh cho biết thêm: Cây táo mèo phát triển ở xứ lạnh có độ cao từ 900m, đây chính là yếu tố giúp dự án có thêm lợi thế vì ít đối thủ cạnh tranh và có thị trường tiềm năng quyết định sự thành công.

Mặt khác, nguồn nguyên liệu tại địa phương lại dễ kiếm, có thể sản xuất đại trà, số lượng lớn. Với chiến lược kinh doanh kết hợp du lịch tốt sẽ giúp tận dụng nguồn tài nguyên có sẵn tại địa phương. Đây là dự án rất tâm huyết của cô và trò nhà trường, hy vọng sẽ góp phần vào phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội Mù Cang Chải nói riêng và quê hương Yên Bái nói chung.

Nguyễn Phương Linh, thành viên dự án “Sản xuất sản phẩm từ quả táo mèo gắn với truyền thông du lịch Mù Cang Chải”, Trường THPT Trần Nhật Duật khẳng định: Dự án xây dựng thương hiệu riêng, mở rộng thị trường và thúc đẩy sản lượng, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, vẽ thêm những nét đặc sắc trên bức tranh đặc sản vùng cao, giúp bà con dân tộc khâu tiêu thụ sản vật.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.