Kim chỉ nam để thực hiện tốt nhiệm vụ năm học mới

GD&TĐ - Nhận định của các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, bên cạnh tính bao quát, cụ thể, Chỉ thị về thực hiện nhiệm vụ năm học 2021 - 2022 còn mang hướng mở để các tỉnh thành, cũng như nhà trường linh hoạt thực hiện.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Các nhiệm vụ cấp thiết, chiến lược, toàn diện

Dưới góc nhìn chuyên gia, TS Nguyễn Văn Cường (ĐH Potsdam, CHLB Đức) nhận định: Chỉ thị số 800/CT-BGDĐT về thực hiện nhiệm vụ năm học 2021 - 2022 đề cập đến các nhiệm vụ trọng tâm, vừa mang tính cấp thiết, vừa mang tính chiến lược và toàn diện của ngành Giáo dục. Nhiệm vụ mang tính cấp thiết là triển khai nhiệm vụ năm học đồng thời với ứng phó dịch Covid-19.

Các nhiệm vụ mang tính chiến lược là tiếp tục thực hiện đổi mới, kiên trì mục tiêu chất lượng giáo dục. Các nhiệm vụ được đề cập toàn diện từ giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên và giáo dục đại học. Chỉ thị không chỉ đưa ra các nhiệm vụ trọng tâm mà còn đồng thời bao gồm định hướng cơ bản cho việc thực hiện.

Còn theo đánh giá của thầy Nguyễn Đức Hồng, Hiệu trưởng Trường THPT Minh Châu (Hưng Yên), Chỉ thị sát, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Đó là các vấn đề xã hội, phụ huynh quan tâm: Vừa phòng chống dịch bệnh bảo đảm an toàn trường học, vừa khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ năm học đáp ứng yêu cầu đổi mới và bảo đảm chất lượng giáo dục.

Chỉ thị đồng thời có tính toàn diện cao: Quan tâm chỉ đạo các vấn đề trọng tâm, cốt lõi, thiết thực; như quan tâm đến phụ huynh là người lao động ảnh hưởng đại dịch Covid-19, giáo dục lý tưởng sống, kỹ năng sống cho HSSV, sửa đổi bổ sung thay thế các văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp.... Chỉ thị là kim chỉ nam cho các cơ sở giáo dục thực hiện tốt nhiệm vụ năm học 2021 - 2022.

Qua nghiên cứu Chỉ thị năm học, ông Phùng Quốc Lập, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ nhận thấy Bộ GD&ĐT đã nhìn nhận, đánh giá sâu sát về những thuận lợi, khó khăn thách thức trong triển khai và nhiệm vụ năm học 2021 - 2022.

Cụ thể là tình hình dịch bệnh Covid-19; kết quả đạt được trong năm học 2020 - 2021; về kinh phí đầu tư cho giáo dục; cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ cho việc dạy và học; đội ngũ; thực hiện Chương trình GDPT 2018; sự kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và xã hội đối với chất lượng giáo dục… Trên cơ sở đó, Chỉ thị xác định rõ mục tiêu năm học là: Tiếp tục thực hiện đổi mới, kiên trì mục tiêu chất lượng giáo dục và đào tạo.

“Căn cứ tình hình thực tiễn, để đạt được mục tiêu đề ra, Chỉ thị đề cập tới 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm; trong đó tôi tâm đắc nhất là 5 nhóm nhiệm vụ. Chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch năm học 2021 - 2022 linh hoạt, sáng tạo và phù hợp với tình hình dịch Covid-19 tại địa phương; Chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục;

Triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; Ưu tiên cân đối ngân sách để đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu bảo đảm thực hiện chương trình mới đối với lớp 1, lớp 2, lớp 6 và Chương trình GDPT 2018;

Tiếp tục hoàn thiện thể chế, rà soát sửa đổi, bổ sung, thay thế các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý không còn phù hợp, chồng chéo; tăng cường phân cấp cho cơ sở, đi đôi với việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Trên cơ sở Chỉ thị này, căn cứ tình hình thực tế của địa phương, Sở GD&ĐT Phú Thọ sẽ chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo; đồng thời tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, an toàn, hiệu quả” - ông Phùng Quốc Lập cho hay.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Xác định giải pháp từ nhận diện thách thức

Theo thầy Hà Đình Sơn, Hiệu trưởng Trường tiểu học, THCS, THPT ICOSchool, Bắc Giang, Chỉ thị năm học năm nay bám sát tình hình thực tế. Vừa nêu rõ nhiệm vụ cụ thể của từng cấp học, toàn diện trên phương diện đường lối, chủ trương, triển khai thực hiện và tổ chức kiểm tra đánh giá.

Chỉ thị đồng thời có giải pháp định hướng ứng phó với đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Bên cạnh tính bao quát, cụ thể, Chỉ thị còn mang hướng mở để các tỉnh thành, cũng như nhà trường linh hoạt trong thực hiện nhiệm vụ của mình sao cho tối ưu nhất.

Theo đó, Bộ đã trao quyền chủ động cho các địa phương, sở GD&ĐT trong việc chỉ đạo thực hiện các hoạt động dạy học. Ưu tiên, tận dụng tối đa thời gian để dạy học trực tiếp nhưng cũng mở ra hướng linh hoạt cho từng địa phương có thể chuyển sang dạy học trực tuyến bất kể thời điểm nào nếu tình hình dịch bệnh bùng phát.

“Tôi rất mong các nhà trường, địa phương quan tâm đến giải pháp khi tổ chức học trực tuyến. Vì nhiều gia đình HS chưa đủ điều kiện trang bị thiết bị công nghệ; đồng thời, kiểm soát chất lượng dạy học thực chất, tránh làm cho xong trách nhiệm, chung chung, chiếu lệ” - thầy Hà Đình Sơn chia sẻ.

Chia sẻ về triển khai thực hiện Chỉ thị, TS Nguyễn Văn Cường nhận định chắc chắn có những thách thức, đòi hỏi các giải pháp phù hợp. Một số thách thức lớn như: Dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương là thách thức lớn đối với việc triển khai nhiệm vụ năm học.

Chỉ thị số 800/CT-BGDĐT đã đưa ra định hướng quan trọng là “tận dụng tối đa thời gian học trực tiếp khi dịch bệnh được kiểm soát”. Tuy nhiên, việc quyết định khi nào HS có thể học trực tiếp ở trường sẽ luôn là vấn đề cần được xem xét thấu đáo, là quyết định khó khăn của các địa phương.

Trong bối cảnh hiện nay, không thể chờ đợi đến khi toàn tỉnh hay toàn quốc kiểm soát được bệnh dịch, HS mới được đến trường. Cần hiểu khái niệm vùng kiểm soát được dịch bệnh ở phạm vi hẹp và linh hoạt theo diễn biến của dịch bệnh.

Khi triển khai học trực tuyến, thách thức tiếp theo là vấn đề bảo đảm chất lượng của hình thức dạy học này; trong đó có chuẩn bị cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và bồi dưỡng giáo viên. TS Nguyễn Văn Cường cho rằng cần có giải pháp phù hợp cho các vùng với điều kiện cơ sở hạ tầng khác nhau và đối tượng HS khác nhau, đối với HS càng nhỏ, việc triển khai học trực tuyến có nhiều khó khăn hơn. Đồng thời, cần có sự phối hợp tốt giữa nhà trường và gia đình.

“Triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 bảo đảm chất lượng, hiệu quả, thách thức lớn chính là bồi dưỡng để đội ngũ giáo viên thực sự làm chủ được Chương trình GDPT mới. Hiện nay các chương trình bồi dưỡng giáo viên cấp trung ương, địa phương đã và đang được triển khai rộng khắp. Tuy nhiên vẫn còn thiếu đồng bộ, đôi khi thiếu thống nhất giữa các chương trình bồi dưỡng. Giải pháp mang tính chiến lược là giáo viên cần được đào tạo, bồi dưỡng sâu hơn về cơ sở lý luận dạy học để có thể thực hiện tốt Chương trình GDPT mới, bao gồm các cơ sở lý thuyết, phương pháp, kỹ thuật dạy học và đánh giá theo các quan điểm lý luận dạy học hiện đại” - TS Nguyễn Văn Cường nêu quan điểm. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ