Triển khai nhiệm vụ năm học mới: Thay đổi tư duy, sẵn sàng hành động

GD&TĐ - Năm học mới đã cận kề trong khi tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Do đó, các nhà trường đã chủ động thay đổi tư du, sẵn sàng những giải pháp mới để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Giáo viên Trường Tiểu học Kim Ngọc soạn bài giảng trực tuyến
Giáo viên Trường Tiểu học Kim Ngọc soạn bài giảng trực tuyến

Thay đổi tư duy

Năm học 2021 – 2022 là năm học thứ hai cả nước triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Đây là một nội dung quan trọng đối với các nhà trường và toàn ngành giáo dục. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 khiến các nhà trường và giáo viên cần có sự thay đổi mạnh mẽ về tư duy để hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Đào Chí Mạnh – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Ngọc (TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) cho biết: "Chúng ta cần hiểu thật rõ ràng sự thay đổi lớn nhất của chương trình mới là chuyển dạy học từ việc chú trọng tới phát triển kiến thức kỹ năng sang việc dạy học chú trọng phát triển năng lực phẩm chất người học.

Tôi nghĩ mọi thay đổi bắt đầu từ nhà quản lý và các thầy cô giáo. Do đó công tác đội ngũ theo tôi là then chốt của then chốt, là yếu tố quyết định tới việc đổi mới có thành công hoặc thành công tới mức nào? Chúng ta không thể thay đổi sản phẩm nếu người tạo ra nó không thay đổi tư duy, từ mục tiêu đến phương pháp.

Ông Đào Chí Mạnh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Ngọc tham gia giao lưu trực tuyến cùng Báo GD&TĐ
Ông Đào Chí Mạnh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Ngọc tham gia giao lưu trực tuyến cùng Báo GD&TĐ

Đối với phụ huynh và học sinh thì theo tôi trước tiên chúng ta cần chuẩn bị một tâm lý vững vàng và tư duy tích cực. Có thể việc thay đổi cũng đem lại những giá trị mà dạy học truyền thống trước đây chưa đem lại.

Ở Tiểu học Kim Ngọc, mặc dù có khó khăn là đội ngũ giáo viên còn thiếu về số lượng tuy nhiên ngay từ những ngày đầu hè công tác tập huấn từ chương trình đến sách giáo khoa đã được triển khai.

Tôi vẫn thường nhắc các thầy cô rằng thay đổi cần được thực hiện ngay từ khâu tập huấn mà trước hết là việc tiếp cận với tập huấn. Tập huấn cần được triển theo hình thức nhằm phát huy năng lực của giáo viên. Những hoạt động nhằm phát triển các năng lực như: Tự chủ, tự học; giao tiếp hợp tác; Giải quyết vấn đề và sáng tạo cần được thực hiện ngay khi các thầy cô học. Có như thế thì khi triển khai vào giảng dạy thực tế các thầy cô sẽ dễ dàng hơn từ tư duy đến hành động".

“Tôi nghĩ sẽ là muộn nếu bây giờ ai đó vẫn nghĩ dạy học trực tuyến chỉ là giải pháp tình thế để “chờ học sinh tới trường”. Chúng ta cần thay tư duy đối phó bằng tư duy có kế hoạch. Nghĩa là kể cả sau này Covid-19 có bị đẩy lui thì dạy học trực tuyến vẫn là một hình thức dạy học hữu hiệu bổ trợ cho dạy học trực tiếp” – ông Đào Chí Mạnh chia sẻ thêm.

Cộng đồng trách nhiệm

Dạy học trực tuyến sẽ tăng cơ hội để kết hợp giữa nhà trường và phụ huỵnh cùng giáo dục học sinh. Do đó, những ưu điểm của dạy học trực tuyến cần được phát huy mạnh mẽ nhất là khi tình hình dịch bệnh còn có thể diễn biến phức tạp, kéo dài.

Trường TH Kim Ngọc triển khai nhiệm vụ dạy học trực tuyến đến các giáo viên
Trường TH Kim Ngọc triển khai nhiệm vụ dạy học trực tuyến đến các giáo viên

Theo chia sẻ của ông Đào Chí Mạnh, dạy học trực tuyến có rất nhiều ưu điểm, nó có thể phát triển nhiều năng lực của học sinh (tự học; giao tiếp; sáng tạo...). Vai trò của các nhà quản lý rất quan trọng trong việc nhìn ra và khơi dậy tiềm năng của các thầy cô giáo trong dạy trực tuyến.

Chúng ta có thể chuyên môn hóa dạy trực tuyến. Chẳng hạn, cô thì làm videos, cô thì làm đề kiểm tra, cô thì làm giáo án PPT.... Từ một sản phẩm trực tuyến có thể sử dụng nhiều lần cho nhiều học sinh. Tránh để một thầy cô làm tất cả các công đoạn vừa áp lực, vừa không hiệu quả. Thậm chí, các nhà trường có thể tạo thành các nhóm để cùng xây dựng cơ sở dữ liệu cho dạy trực tuyến phù hợp với địa phương.

Trong trường hợp phải dạy học trực tuyến ngay từ đầu năm học, ông Đào Chí Mạnh khuyên phụ huynh: Trước tiên tôi mong phụ huynh cùng hiểu rằng các em học sinh tới trường không chỉ để học kiến thức trong sách vở, không chỉ để đạt điểm số này hay điểm số kia mà các con tới trường là để thay đổi về chất bên trong con người, tâm hồn các em...

Dạy trực tuyến thực ra ở đây có lẽ ta cũng nên hướng tới việc kết nối trực tuyến để phát triển năng lực chứ không chỉ là dạy học và nữa là nếu phụ huynh chỉ nghĩ rằng học để đạt được kiến thức của bài toán, bài văn ngay sau buổi học thì áp lực sẽ dồn lên các con rấtt lớn.

Vậy, đầu tiên tôi mong muốn phụ huynh thay đổi mong cầu của mình và bình tĩnh quan sát con học, chấp nhận những vấp váp của con... (lần này là quan sát trực tiếp – không qua lời kể của cô thầy nên rất chân thực) do vậy phụ huynh cần tự giảm áp lực từ chính mình.

Giáo viên và học sinh Trường TH Kim Ngọc tham gia giải chạy Happy Race. Ảnh tư liệu
Giáo viên và học sinh Trường TH Kim Ngọc tham gia giải chạy Happy Race. Ảnh tư liệu

Tiếp theo phụ huynh cần không nên có tâm lý so sánh con mình với bạn cùng phòng học mà thay vào đó hãy so sánh con với chính con qua từng buổi học và đồng hành cùng con khi có thể (đồng hành chú ý là không làm thay mà là người động viên, khích lệ và hỗ trợ con khi cần) – Khi con học trực tuyến hãy xem là cơ hội để ta được hạnh phúc khi cùng con học (kết nối dù ít thời gian nhưng sẽ rất thú vị nếu thực sự dành trọn vẹn cho con trong khoảnh khắc ấy).

Hãy cùng giáo viên rèn con những năng lực như: tự học, giao tiếp, đặc biệt là học trong giai đoạn này. Cùng với đó là để ý tới sức khỏe đặc biệt là sức khỏe tinh thần của con khi học trực tuyến.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.