Các địa phương chủ động kịch bản triển khai nhiệm vụ năm học mới

GD&TĐ - Tại hội nghị tổng kết năm học 2020-2021, triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 với giáo dục tiểu học, trung học, nhiều địa phương cho biết đã lên kịch bản triển khai năm học mới trong bối cảnh Covid-19.

Hội nghị tổng kết năm học 2020-2021, triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 với giáo dục trung học chiều 12/8, điểm cầu Bộ GD&ĐT. Ảnh: Thế Đại
Hội nghị tổng kết năm học 2020-2021, triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 với giáo dục trung học chiều 12/8, điểm cầu Bộ GD&ĐT. Ảnh: Thế Đại

Bảo đảm chất lượng 

Năm học 2020-2021 là năm đặc biệt với ngành Giáo dục nói chung và giáo dục Tiểu học nói riêng, khi lần đầu tiên cả nước thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới (CT GDPT 2018) đối với lớp 1 và chuẩn bị để triển khai chương trình mới với lớp 2, lớp 6 từ năm học 2021-2022.

Triển khai nhiệm vụ năm học trong bối cảnh khó khăn và khác biệt, ngành Giáo dục cả nước đã nỗ lực thực hiện nhiệm vụ kép: vừa tích cực phòng chống dịch Covid-19, vừa triển khai hiệu quả chương trình GDPT 2018 đối với lớp 1 và Chương trình GDPT 2006 đối với các khối lớp còn lại của tiểu học và trung học.

Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học cho biết: Tổng hợp kết quả đánh giá cuối năm học 2020-2021 của các địa phương cho thấy, tất cả trường tiểu học đã hoàn thành chương trình theo đúng kế hoạch, chất lượng học sinh đáp ứng chuẩn đầu ra theo quy định.

Trong đó, học sinh lớp 1 có một số mặt nổi trội hơn các lứa học sinh đã học chương trình 2006. Cụ thể, học sinh lớp 1 năm nay mạnh dạn, tự tin hơn, biết nêu quan điểm cá nhân và cơ bản là đọc thông, viết thạo ngay trong học kỳ 1, sau đó được củng cố tăng cường bền vững ở học kỳ 2.

Với giáo dục trung học, theo vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành, các cơ sở giáo dục đã tổ chức dạy học qua Internet, trên truyền hình phù hợp với điều kiện triển khai của nhà trường, giúp cho việc tiếp tục thực hiện chương trình trong thời gian phải tạm dừng đến trường vì dịch Covid-19.

Nhờ đó, chất lượng giáo dục đại trà được giữ vững trước ảnh hưởng rất lớn của dịch Covid-19, nhất là trong những tháng cuối năm học 2020-2021 vừa qua. Kết quả giáo dục mũi nhọn của học sinh trung học cũng tăng đáng kể. 

Chia sẻ của Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An Đào Công Lợi cho thấy, công tác chuẩn bị cho việc triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 được làm sớm. Do đó, khi thực hiện chương trình mới, giáo viên Nghệ An hoàn toàn chủ động xử lý các vấn đề mới phát sinh, không bỡ ngỡ, lúng túng.

“Chương trình GDPT2018 có nhiều điểm ưu việt so với các chương trình trước đây. Ngoài sách giáo khoa, các học liệu điện tử đi kèm đa dạng, phong phú, dễ khai thác, sử dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên xây dựng được các bài học hấp dẫn, thu hút, lôi cuốn học sinh.

Học sinh dễ hiểu, hứng thú hơn với các tiết học, không gây nhàm chán. Các em được tham gia nhiều hoạt động, trải nghiệm từ đó hình thành được nhiều kỹ năng quan trọng.

Kết thúc năm học, học sinh đạt được nhiều kỹ năng vượt trội như: kỹ năng đọc, giao tiếp, tự chủ, tự học, tư duy phản biện; học sinh năng động, tự tin hơn so với chương trình cũ”, ông Đào Công Lợi nhận định.

Đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Tĩnh khẳng định quan điểm: Chương trình tốt, SGK hay, nhưng nếu giáo viên yếu cũng không thể triển khai tốt.

Với quan điểm đó, địa phương đã ban hành kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện chương trình mới, tập trung vào các nội dung căn cơ: chuẩn bị đội ngũ đủ cơ cấu, chất lượng; bảo đảm cơ sở vật chất; đẩy mạnh các hoạt động đổi mới giáo dục theo tinh thần Nghị quyết 29; thực hiện một số chính sách đặc thù của Hà Tĩnh.

“Sau 1 năm thực hiện chương trình mới với lớp 1, Hà Tĩnh khẳng định đã triển khai rất tốt”, đại diện Sở GD&ĐT Hà Tĩnh khẳng định.

Một số địa phương đã có những cách làm sáng tạo, khắc phục khó khăn để triển khai hiệu quả nhiệm vụ năm học.

Đơn cử, ở TP Hồ Chí Minh, một số trường không đủ điều kiện dạy học 2 buổi/ngày, đã có phương án dạy buổi 2 qua hình thức trực tuyến. Cà Mau, dù không có dịch, nhưng vẫn triển khai phối hợp dạy học trực tuyến và trực tiếp, tỷ lệ 70%-30% với các lớp 3, 4, 5...

Ảnh minh họa/ITN
Ảnh minh họa/ITN

Sẵn sàng kịch bản cho năm học mới

Là một trong những địa phương chịu tác động lớn của dịch Covid-19, ông Trịnh Khôi, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Ninh cho hay: Với sự nỗ lực và quyết tâm của cả hệ thống chính trị, tỉnh đã hoàn thành được nhiều nhiệm vụ đặt ra, thi tốt nghiệp THPT đạt kết quả tốt.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Bắc Ninh vẫn chưa có số liệu đánh giá kết quả học tập của năm học. Tỉnh đang xây dựng để có kế hoạch linh hoạt cho năm học mới phù hợp với diễn biến dịch bệnh. Ngoài ra, tỉnh cũng dành sự quan tâm đặc biệt cho việc chuẩn bị tốt nhất các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên để triển khai chương trình lớp 6.

Khẳng định Quảng Ninh đã sẵn sàng cho năm học mới trên cả diện rộng và diện đặc biệt là thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới đối với lớp 6, ông Nguyễn Văn Tuế, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ninh cho biết, tỉnh đã rà soát, tập huấn, chuẩn bị kịch bản sẵn sàng nếu dịch bệnh xảy ra vẫn có thể triển khai được chương trình.

Tiền Giang là địa phương đang nằm trong vùng tâm dịch Covid-19, với số ca nhiễm mới vẫn lên tới hàng nghìn mỗi ngày.

Chuẩn bị cho năm học mới, đại diện Sở GD&ĐT tỉnh này cho biết, từ khung kế hoạch thời gian năm học của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành khung kế hoạch năm học của địa phương. Lo lắng của địa phương hiện nay là do ảnh hưởng của dịch nên một số công việc như sửa chữa trường lớp, cải tạo cơ sở vật chất, tập huấn giáo viên… bị ảnh hưởng.

Nhiều địa phương đã dự kiến các kịch bản năm học mới trong điều kiện dịch bệnh. Như tại Bình Dương, Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Thị Nhật Hằng thông tin, ngành Giáo dục tham mưu UBND tỉnh dạy học trực tuyến trong 2 tháng đầu năm học.

Cà Mau, theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, sở GD&ĐT đã xây dựng kịch bản kịch bản năm học 2021-2022 với 3 tình huống: không có dịch, có dịch và dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Lâm Đồng tùy điều kiện để triển khai dạy học trực tuyến (với vùng xanh) và dạy học trực tuyến, hướng dẫn học sinh tự học với nơi dịch bệnh phức tạp.

Hà Nội xây dựng phương án khai giảng và dạy học trực tuyến để bảo đảm tiến độ chương trình.

Để thực hiện tốt nhất nhiệm vụ năm học, các địa phương đã đưa ra các kiến nghị, đề xuất, trong đó tập trung vào các vấn đề bảo đảm đội ngũ; cơ sở vật chất, thiết bị dạy học…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.