Kiev muốn dùng siêu tên lửa chiến lược Mỹ: Mơ ước quá xa?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Ukraine muốn nhận các tên lửa AGM-86 ALCM, AGM-129 ACM, BGM-109 Tomahawk của Mỹ, đều được phóng từ các phương tiện mang phóng chiến lược.

Kiev muốn dùng siêu tên lửa chiến lược Mỹ: Mơ ước quá xa?

Kiev đã yêu cầu phương Tây cung cấp các loại tên lửa hành trình tương tự X-101 (Kh-101) và Kalibr của Nga.

Quân đội Ukraine được cho là cần những vũ khí này để phá hủy các nhà máy sản xuất máy bay không người lái ở Iran, Syria và ở Nga. Tuy nhiên, giới chuyên gia khẳng định rằng, điều này là bất khả thi.

Tờ The Economist dẫn lời của một nguồn giấu tên từ Bộ Tổng tham mưu Lực lượng Vũ trang Ukraine cho biết, nước này cần các mẫu tương tự của các mẫu Kalibr và X-101 của Nga.

Ông nhấn mạnh rằng những tên lửa như vậy rất khó bị đánh chặn do có kích thước lớn và khả năng cơ động cao.

Lực lượng vũ trang Ukraine biện minh cho sự cần thiết của tên lửa có khả năng bao phủ khoảng cách 5.000 km bởi thực tế là việc tấn công các cơ sở sản xuất máy bay không người lái của Tehran ở Iran, Syria là nhằm ngăn chặn nguồn cung UAV cho Nga.

The Guardian đưa tin, hiện Kiev có tên lửa Storm Shadow/SCALP phóng từ trên không của Anh và Pháp, có tầm bay hơn 250 km, có thể được phóng từ các chiến đấu cơ Su-24 của Ukraine, còn tên lửa do Mỹ cung cấp cho hệ thống HIMARS chỉ bay được khoảng 80 km.

Tuy nhiên, giới chuyên gia Nga cho rằng, việc Kiev muốn nhận tên lửa hành trình tầm xa từ các nước phương Tây là điều viển vông bởi để phóng những tên lửa như vậy cần có máy bay ném bom và tàu ngầm chiến lược.

Lực lượng Vũ trang Ukraine (APU) lấy đâu ra những phương tiện đó?

Kh-101 là loại tên lửa hành trình của Nga phóng từ trên không, có khả năng tấn công ở khoảng cách lên tới 5 nghìn km.

Mỹ có tên lửa AGM-86 ALCM và các biến thể của nó, cũng như phiên bản AGM-129 ACM được coi là có đặc điểm tương đương với mẫu của Nga.

Tên lửa hành trình trên biển và trên đất liền BGM-109 Tomahawk của Mỹ được coi là phiên bản tương tự của Kalibr của Nga.

Những loại vũ khí này là một tài sản cực kỳ có giá trị và uy lực mạnh mẽ đối với bất kỳ quân đội phương Tây nào và do đó việc chuyển chúng sang Ukraine dường như là không thể.

Hơn nữa, các vấn đề thuần túy về mặt kỹ thuật sẽ không cho phép APU có được những tên lửa mà họ mong muốn.

Các mẫu AGM yêu cầu được phóng từ máy bay ném bom chiến lược B-52 Stratofortress, còn Tomahawk thường được phóng từ bệ phóng Mk41 trên chiến hạm hoặc từ hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore trên mặt đất và cả tàu ngầm hạt nhân tấn công của Mỹ, Anh...

Với các phương tiện mang phóng hiện đại nhất, đắt đỏ nhất và là một trong những cột trụ cốt lõi trong sức mạnh răn đe hạt nhân của Mỹ và đồng minh NATO, có lẽ không một quốc gia phương Tây nào dám cung cấp các nền tảng phóng như vậy cho Ukraine.

Ngoài ra, việc cung cấp những loại vũ khí mạnh mẽ như vậy gắn bó chặt chẽ không chỉ với rủi ro tài chính mà còn với những nguy cơ tiềm tàng khác.

Việc chuyển giao những loại vũ khí như vậy sẽ khiến cuộc xung đột hiện tại leo thang lên một cấp độ mới. Bị tấn công bằng những vũ khí tiên tiến nhất của phương Tây có thể kích hoạt Nga sử dụng tới vũ khí hạt nhân chiến thuật, điều mà cả Brussels và Washington đều rất lo ngại.

Ngoài ra, việc gửi các vũ khí chiến lược cho Ukraine tấn công vào lãnh thổ Nga hoàn toàn có thể biến thành nguyên nhân làm bùng nổ xung đột trực tiếp giữa hai cường quốc hạt nhân hàng đầu thế giới, vì những hành động như vậy sẽ được coi là “mối đe dọa cao nhất đối với an ninh của Liên bang Nga”.

Thêm nữa, lý do chính khiến Ukraine muốn có tên lửa chiến lược là nhằm mục đích phá hủy các cơ sở sản xuất máy bay không người lái ở Iran, mà họ cho là đã xuất khẩu sang Nga.

Những cuộc tấn công “xuyên lục địa” như vậy sẽ bị cộng đồng quốc tế coi là sự leo thang xung đột ở cấp độ toàn cầu.

Vấn đề tiếp theo là các hệ thống phòng không của Lực lượng Vũ trang Ukraine hoạt động không tốt, vì vậy khó có thể bảo vệ được những mẫu kỹ thuật quân sự phương Tây có giá trị cao, nên Washington không thể để uy tín của những vũ khí chiến lược của mình bị phá hủy trong tay Kiev.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ