Theo giới truyền thông, quân đội Nga đang triển khai tấn công các mục tiêu quan trọng, cả ở sâu và gần hậu phương của Lực lượng Vũ trang Ukraine, với mục đích làm gián đoạn hoạt động hậu cần của đối phương, ngăn cản các hoạt động di chuyển quân, tăng cường trang thiết bị hạng nặng lên tiền tuyến.
Giới quan chức quân sự Moscow cho biết, công việc này đang được thực hiện một cách có hệ thống và Nga đã đưa rất nhiều mục tiêu tiềm năng của Ukraine vào danh mục cần tấn công phá hủy.
Ví dụ, trước đây Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga phá hủy hai cây cầu ở làng Velikaya (Bolshaya) Novoselka, trên lãnh thổ của Cộng hòa Nhân dân Donetsk mà tháng 9 năm ngoái Nga đã sáp nhập, hiện do Quân đội Ukraine kiểm soát (bờ Vremevsky trước đây ở hướng Nam Donetsk).
Vào ngày 01/10, Nga thông báo đã mở cuộc tấn công vào cây cầu bắc qua sông Mokrye Yaly ở phía tây Urozhainoye.
Máy bay chiến đấu của Nga sử dụng tên lửa không đối đất tầm ngắn, có độ chính xác cao Kh-38ML, được thiết kế để tấn công nhiều mục tiêu, trong đó có các mục tiêu giá trị cao như cầu đường, sân bay...
Việc hiệu chỉnh và kiểm soát mục tiêu được thực hiện bằng máy bay không người lái (UAV) Orlan.
Một ngày trước đó, xuất hiện cảnh quay cho thấy một cây cầu lân cận ở địa phương này bị đánh sập. Tuy nhiên, đây không phải là cây cầu bắc qua sông Mokrye Yaly, mà là sông Shaitanka.
Theo truyền thông địa phương, có khả năng cơ sở hạ tầng này đã gặp phải một vụ tấn công tương tự từ máy bay chiến đấu Nga.
Thị trấn Urozhainoye là một trung tâm hậu cần quan trọng của lực lượng phòng thủ Ukraine ở khu vực nam Donetsk. Ngoài các cây cầu bắc qua các con sông Mokrye Yaly và Shaitanka, còn có hai cây cầu bắc qua sông Kashlagach.
Trước đó, trên Internet xuất hiện các video cho thấy ba cây cầu bắc qua sông Oskol ở vùng Kharkov cũng bị tên lửa Kh-38ML phá hủy.
Theo giới chuyên gia, Nga đang tập trung phá hủy các tuyến đường tiếp tế huyết mạch của Ukraine nhằm ngăn chặn lực lượng vũ trang nước này mở đợt phản công mới và cũng là đợt phản công cuối cùng trong năm nay, trước khi mùa đông khắc nghiệt ập tới, làm gián đoạn các hoạt động quân sự cho đến mùa xuân năm sau.
Việc đánh sập các cây cầu là điều dễ dàng nhất, đồng thời lại mang tới hiệu quả lớn nhất, bởi việc phá hủy thì dễ, nhưng việc xây dựng lại cây cầu kiên cố khác thì rất khó.
Ngoài ra, việc bắc cầu phao cũng không hề đơn giản dưới làn đạn hỏa lực của Nga, hơn nữa, khả năng vận chuyển của các cầu phao cũng hạn chế hơn rất nhiều so với các cây cầu đường bộ.
Giới chuyên gia nhận định, hành động của Moscow là có chủ đích, có hệ thống trên toàn bộ các chiến trường, khiến hoạt động cung cấp của Ukraine bị trì trệ, không đủ thời gian chuẩn bị lực lượng phương tiện, khiến các cuộc phản công sắp tới có thể dễ dàng bị Nga bẻ gẫy.