Đó là ý kiến của ông Vũ Minh Đức – Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) khi phát biểu tại Hội thảo “Giáo dục mầm non đương đại Việt Nam: Tái định nghĩa và chuyển mình thay đổi” được khai mạc sáng 25/3, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Hội thảo diễn ra từ ngày 25 đến ngày 26/3/2023.
Tăng cường khả năng sẵn sàng đi học cho trẻ
"Những vấn đề được thảo luận trong Hội thảo này góp phần làm sáng tỏ những vấn đề đang đặt ra đối với giáo dục mầm non Việt Nam và tìm kiếm giải pháp kiến tạo nền giáo dục mầm non chất lượng, sáng tạo vì sự phát triển lành mạnh và hạnh phúc của trẻ em" - ông Vũ Minh Đức.
Phát biểu tại hội thảo, ông Vũ Minh Đức - nhấn mạnh, giáo dục mầm non là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân. Cấp học này đặt nền móng cho sự phát triển về thể chất, nhận thức, tình cảm xã hội và thẩm mỹ cho trẻ em. Những kỹ năng mà trẻ được tiếp thu qua chương trình chăm sóc giáo dục mầm non sẽ là nền tảng cho học tập và thành công sau này của trẻ.
Do vậy, phát triển giáo dục mầm non, tăng cường khả năng sẵn sàng đi học cho trẻ là yếu tố quan trọng trong việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.
Hội thảo nằm trong chuỗi những nhiệm vụ của đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục mầm non giai đoạn 2018 – 2025 (Đề án 33) năm 2023 do Trường ĐH Sư phạm Hà Nội chủ trì. Những nội dung được chia sẻ và thảo luận trong Hội thảo sẽ đáp ứng một phần mục tiêu của Đề án 33.
Đồng thời, tạo cơ hội cho giảng viên, nghiên cứu viên, cán bộ quản lý, giáo viên mầm non, các trường ĐH, CĐ trong và ngoài nước chia sẻ thành tựu nghiên cứu khoa học; chỉ ra những thách thức và kinh nghiệm vượt qua những thách thức đó. Qua đó để phát triển giáo dục mầm non đáp ứng đòi hỏi của xã hội và yêu cầu nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ.
Theo ông Vũ Minh Đức, trong bối cảnh toàn cầu hoá, việc chia sẻ thành tựu nghiên cứu và kinh nghiệm phát triển giáo dục mầm non giữa các quốc gia là đòi hỏi tất yếu, mạnh mẽ của xã hội và thời đại.
Các đơn vị đào tạo, nghiên cứu đóng vai trò quan trọng, cần là những đơn vị đi đầu trong nắm bắt yêu cầu mới của xã hội và xu hướng đổi mới trong giáo dục mầm non. Đồng thời, khởi động và vận hành quá trình đào tạo theo yêu cầu thực tiễn và xu hướng phát triển trên thế giới.
GS.TS Nguyễn Văn Minh trao giải cho các tác giả có báo cáo xuất sắc tại Hội thảo. |
Nội dung các bài trình bày tại hội thảo này đã đề cập đến các vấn đề quan trọng của giáo dục mầm non đương đại Việt Nam. Đó là các khía cạnh đa chiều trong nghiên cứu về sức khoẻ thể chất, tinh thần của trẻ em và giáo viên; đổi mới sáng tạo trong giáo dục mầm non; cơ hội và thách thức đối với giáo dục mầm non.
Đổi mới sáng tạo cho giáo dục mầm non
Báo cáo đề dẫn, PGS.TS Bùi Thị Lâm – Trưởng Khoa Giáo dục mầm non, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội – cho biết, hội thảo nhận được 42 bài tham luận của các tác giả đến từ các nước như: Anh, Mỹ, Pháp, New Zealand, Australia, Nhật Bản, Ấn Độ, Indonesia… và các tác giả trong nước.
Các bài viết xoay quanh những vấn đề khác nhau của giáo dục mầm non đương đại sống động. Các bài viết tập trung vào các chủ đề cốt yếu của hội thảo, gồm:
Nhóm thứ nhất, bàn về sức khỏe thể chất và tinh thần của giáo viên và trẻ em. Nhóm thứ hai, đi sâu bàn về đổi mới sáng tạo trong giáo dục mầm non gồm: ngôn ngữ, trò chơi, nghệ thuật, công nghệ…
Nhóm thứ ba là các bài viết về giáo dục mầm non của Việt Nam và các quốc gia đang phát triển: Một thị trường kinh doanh màu mỡ. Nhóm thứ tư, bàn về đổi mới trong đào tạo giáo viên mầm non.
Các chuyên gia, nhà khoa học tham dự hội thảo. |
Hội thảo khoa học quốc tế “Diễn đàn giáo dục Việt Nam – Vietnam Education Symposium (VES)” được tổ chức thường niên từ năm 2020 với mục đích tạo diễn đàn học thuật và đối thoại chính sách giữa các nhà khoa học, nhà làm chính sách trong và ngoài nước, bàn về các vấn đề quan trọng trong giáo dục.
Hội thảo VES lần thứ ba được tổ chức với sự phối hợp của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Tổ chức các nhà khoa học Việt Nam toàn cầu (AVSE Global), Tổ chức tư vấn giáo dục FAROS dự kiến diễn ra vào tháng 3 năm 2023 với chủ đề về giáo dục mầm non.
Giáo dục Mầm non (GDMN) đã và đang dần chiếm một vị trí nổi bật trong các nghiên cứu toàn cầu và các kế hoạch giáo dục quốc gia. Khu vực Châu Á Thái Bình Dương, với các nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới, đã chứng kiến những xu hướng mới và cải cách đáng kể trong các chính sách và thực tiễn về GDMN.
Việt Nam, một quốc gia đang phát triển ở Đông Nam Á, cũng nằm trong xu hướng này, đã chứng kiến sự thay đổi nhanh chóng về tăng trưởng kinh tế, đô thị hóa, phát triển công nghệ và chuyển đổi văn hóa trong ba thập kỷ gần đây. GDMN đã trở thành một thị trường thương mại với cam kết tài chính từ khu vực nhà nước và tư nhân.
Tuy nhiên, GDMN ở Việt Nam là câu chuyện sống động với nhiều quỹ đạo, những làn sóng biến đổi, những thách thức và tiềm năng mà chưa có nhiều nghiên cứu được thực hiện.
Diễn đàn giáo dục Việt Nam năm 2023 hướng tới việc xây dựng một không gian học thuật và đối thoại chính sách dành cho các nhà khoa học, các nhà chính sách, giới thực hành giáo dục mầm non công lập, tư thục của Việt Nam và quốc tế chia sẻ và trao đổi về luật bảo vệ trẻ em, sức khoẻ thể chất và tinh thần cho giáo viên và trẻ nhỏ, đổi mới sáng tạo cho giáo dục mầm non...