Kết quả và việc cần làm
Nghiên cứu dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng sư phạm Tp Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Nguyên Bình, cho biết: Nhìn lại 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục (2011-2020), cho thấy giáo dục mầm non (GDMN) đã có bước phát triển mạnh mẽ. Chúng ta đã hoàn thành mục tiêu phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi, tiến tới mục đích phổ cập GDMN cho trẻ mầm non 3-4 tuổi và đẩy mạnh triển khai xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm.
Thực tế cho thấy, chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam giai đoạn 2021-2030, trong đó GDMN với mục tiêu củng cố, phát triển mạng lưới trường, lớp mầm non phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, đáp ứng nhu cầu đến trường của trẻ em, theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế, chúng ta đã đạt được. Cùng với đó là việc củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi, chuẩn bị tốt cho trẻ em vào học lớp 1, nhiều địa phương đã thực hiện tốt. Về định hướng đến năm 2030 phổ cập GDMN cho trẻ em mẫu giáo.
Trẻ mầm non ở lứa tuổi này được coi là giai đoạn vàng, trẻ cần được phát triển đầy đủ về thể chất, nhận thức, tình cảm xã hội. |
Từ thắng lợi thực hiện các nhiệm vụ này, GDMN cần phải tiếp tục hoàn thành các nhiệm vụ quan trọng. Đó là xây dựng Bộ chỉ số phát triển giáo dục cơ bản để phục vụ quản lý ngành với 3 nhóm chỉ tiêu/chỉ số. Nhóm chỉ tiêu/chỉ số về tiếp cận giáo dục (tỷ lệ huy động trẻ em mầm non đến trường). Nhóm chỉ tiêu/chỉ số về điều kiện bảo đảm chất lượng (số giáo viên/nhóm, lớp, tỷ lệ giáo viên mầm non có bằng cao đẳng trở lên, tỷ lệ trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ chi ngân sách nhà nước cho GDMN). Nhóm chỉ tiêu/chỉ số về chất lượng giáo dục (tỷ lệ trẻ 5 tuổi hoàn thành chương trình GDMN, tỷ lệ trẻ mầm non suy dinh dưỡng).
Đặc biệt là các chỉ số về: Tỷ lệ trường mầm non đạt chuẩn quốc gia; Tỷ lệ chi ngân sách nhà nước cho GDMN; Tỷ lệ trẻ 5 tuổi hoàn thành chương trình GDMN; Tỷ lệ trẻ mầm non suy dinh dưỡng. Trong đó, cần quan tâm đến chương trình giáo dục, mục tiêu giáo dục và cách thức đánh giá học sinh phù hợp, thực chất. Đây là những việc cần làm trước mắt, đưa ra các chỉ số đánh giá và hoàn thành các nhiệm vụ đặt ra, góp phần quan trọng vào việc chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ chất lượng. Điều này cũng là mục tiêu đặt ra đối với GDMN trong Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.- Hiệu trưởng Nguyễn Nguyên Bình nhấn mạnh.
Mong muốn từ cơ sở
Hiệu trưởng Nguyễn Nguyên Bình cho biết: Trường Cao đẳng sư phạm Trung ương Tp Hồ Chí Minh là 1 trong 3 trường cao đẳng trực thuộc Bộ GD&ĐT, được giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên, thực hành và nghiên cứu các nội dung, phương pháp giảng dạy, hướng dẫn chuyên môn cũng như triển khai hoạt động GDMN liên quan đáp ứng yêu cầu nuôi dạy, chăm sóc và giáo dục trẻ chất lượng. Thời gian qua hệ thống các trường này đã phần nào đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên vẫn cần có những đổi thay để thích nghi với yêu cầu mới, đặc biệt là hiện thực hóa Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, đối với GDMN sau này.
Các sinh viên Trường Cao đẳng sư phạm Trung ương TPHCM đi thực tế tại lớp học. |
Theo yêu cầu của Luật Giáo dục năm 2019 về trình độ chuẩn được đào tạo của GVMN phải có bằng tốt nghiệp CĐSP trở lên, cũng như lộ trình được Chính phủ đưa ra. Bộ GD&ĐT đã ban hành Kế hoạch số 105/KH-BGDĐT, về việc đề xuất và triển khai mô hình đào tạo, bồi dưỡng khắc phục vấn đề thiếu GVMN; tìm giải pháp đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng hợp lý đội ngũ GVMN đã tốt nghiệp trung cấp ngành Sư phạm mầm non. Tôi cho rằng, việc xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình đào tạo liên thông đạt chuẩn GVMN từ trung cấp lên cao đẳng có tính cấp thiết trong giai đoạn hiện nay sẽ góp phần khắc phục vấn đề thiếu GVMN đạt trình độ chuẩn.
Từ thực tế trên, kiến nghị Bộ GD&ĐT giao nhiệm vụ cho các Trường Cao đẳng sư phạm có kinh nghiệm trong đào tạo GVMN đào tạo liên thông từ trung cấp lên cao đẳng ngành GDMN hình thức vừa làm vừa học theo nhu cầu xã hội. Bộ GD&ĐT cần lưu ý đến các đơn vị đã có bề dày kinh nghiệm trong đào tạo GVMN khi xác định, phê duyệt chỉ tiêu tuyển sinh ngành GDMN. Bộ Tăng cường sự chỉ đạo và phối hợp giữa Vụ GDMN, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục với các trường sư phạm đào tạo ngành GDMN trong công tác bồi dưỡng chuyên môn cho GVMN, xây dựng chương trình GDMN, tập huấn công tác chăm sóc – giáo dục trẻ MN.v.v…
Dự thảo “Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045” đang được hoàn thiện trong đó nhiệm vụ của GDMN có vai trò và ý nghĩa hết sức quan trọng, khi trẻ mầm non ở lứa tuổi này được coi là giai đoạn vàng, trẻ cần được phát triển đầy đủ về thể chất, nhận thức, tình cảm xã hội và thẩm mỹ ngay từ những bước chân chập chững đầu đời. Thế nên, Bộ GD&ĐT cần tạo điều kiện cho đội ngũ giảng viên của các trường sư phạm có cơ hội nâng cao kiến thức kỹ năng, tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng đa dạng tại các cơ sở có uy tín của nước ngoài; tham gia các hội thảo khoa học chuyên môn; trao đổi chuyên môn cùng các đơn vị đào tạo GVMN trong và ngoài nước. - Hiệu trưởng Nguyễn Nguyên Bình bày tỏ mong muốn