Yếu tố then chốt để triển khai Chương trình giáo dục mầm non mới

GD&TĐ -  Theo các chuyên gia, để triển khai thực hiện Chương trình giáo dục mầm non mới, đội ngũ giáo viên mầm non là yếu tố then chốt.

Cán bộ quản lý, giáo viên mầm non cốt cán tham gia một khóa tập huấn, bồi dưỡng do Bộ GD&ĐT tổ chức năm 2022.
Cán bộ quản lý, giáo viên mầm non cốt cán tham gia một khóa tập huấn, bồi dưỡng do Bộ GD&ĐT tổ chức năm 2022.

Giáo viên sẵn sàng thay đổi

Bộ GD&ĐT đã ban hành số 175/KH-BGDĐT “Tập huấn, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cốt cán mầm non dựa trên tiếp cận mới về chức năng và nhiệm vụ của đội ngũ cốt cán”. Kế hoạch được ban hành nhằm tăng cường năng lực cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cốt cán mầm non dựa trên tiếp cận mới về chức năng và nhiệm vụ của đội ngũ cốt cán, đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác chăm sóc và giáo dục trẻ em giai đoạn hiện nay.

Bà Hoàng Thúy Hằng – Nhà sáng lập - Tổng Giám đốc Hệ thống Giáo dục Happytime (Hà Nội) – nhìn nhận, tâm thế sẵn sàng đón nhận và thay đổi của các giáo viên mầm non. Họ tưởng vào chủ trương đổi mới giáo dục, trong đó có chương trình giáo dục mầm non mới. Do đó, giáo viên tự tin tham gia tập huấn, bồi dưỡng Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục mầm non giai đoạn 2018 – 2025”.

Tất cả các thầy, cô giáo đều xác định, mình sẽ là người trao truyền động lực, nhiệt huyết và lòng yêu nghề với các đồng nghiệp ở địa phương. Đó là tâm thế mở, rất đáng trân quý.

Trưởng thành từ một giáo viên mầm non nên Tổng Giám đốc Hệ thống Giáo dục Happytime (Hà Nội) luôn sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ cùng các học viên, giáo viên mầm non. “Tôi tâm niệm, cái chúng ta biết chỉ là một giọt nước, cái chúng ta không biết là một đại dương” – bà Hằng bộc bạch.

Cô - trò Trường Mầm non Nhân Mỹ (Lý Nhân, Hà Nam).

Cô - trò Trường Mầm non Nhân Mỹ (Lý Nhân, Hà Nam).

Theo TS Đặng Lan Phương - Phó trưởng Khoa Sư phạm, Trường đại học Thủ đô Hà Nội, để triển khai thực hiện Chương trình giáo dục mầm non mới, đội ngũ giáo viên mầm non là yếu tố then chốt, tạo sự khởi đầu để phát triển ở trẻ những chức năng tâm sinh lý, năng lực và phẩm chất mang tính bền vững.

Cùng với đó là những kỹ năng sống cần thiết, phù hợp với lứa tuổi, khơi dậy những khả năng tiềm ẩn, chuẩn bị tốt cho trẻ vào tiểu học và sự phát triển của trẻ trong các giai đoạn sau.

Chính vì vậy, đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ giáo viên mầm non ở các cơ sở giáo dục và giảng viên chủ chốt ở trường sư phạm là một trong những nhiệm vụ hàng đầu. Đề án 33 về đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục mầm non giai đoạn 2018-2025 (Đề án 33) với mục tiêu là bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý ở các cơ sở đào tạo, có tác động quan trọng đến các cơ sở đào tạo giáo viên mầm non.

Đây là cơ hội để nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở đào tạo giáo viên mầm non, góp phần thực hiện thành công đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Phát triển đội ngũ giáo viên

Theo TS Đặng Lan Phương, những năm qua, các cơ sở đào tạo giáo viên mầm non đã chú trọng việc đổi mới và hoàn thiện Chương trình, phương pháp đào tạo. Qua đó, nhằm bảo đảm phù hợp với yêu cầu thực tiễn đổi mới của giáo dục, hội nhập quốc tế, gắn đào tạo với nhu cầu xã hội và nhu cầu của người học.

Nội dung chương trình đào tạo được cập nhật, bổ sung kịp thời các xu thế giáo dục mới trong khu vực và trên thế giới. Các văn bản chỉ đạo của ngành học, đặc biệt là bám sát những đổi mới của thực tiễn giáo dục mầm non.

Ngoài ra, các nhà trường thường xuyên đổi mới và cập nhật phương pháp và hình thức giảng dạy tiên tiến, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học.

Chất lượng giáo dục được quyết định bởi chất lượng của đội ngũ các nhà sư phạm.

Chất lượng giáo dục được quyết định bởi chất lượng của đội ngũ các nhà sư phạm.

Nhấn mạnh, không có giảng viên tốt sẽ không có giáo viên tốt; TS Trần Thị Minh Huế - Trưởng khoa Khoa Giáo dục Mầm non, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên) – cho rằng, chất lượng giáo dục được quyết định bởi chất lượng của đội ngũ các nhà sư phạm.

Để đảm bảo cho chất lượng giáo dục trẻ em cần quan tâm đến phát triển đội ngũ giáo viên, giáo viên cốt cán và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non.

Để đảm bảo chất lượng trong đào tạo bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục mầm non cần quan tâm đến phát triển đội ngũ giảng viên giúp họ trở thành những “giảng viên tốt”.

Đề án 33 về đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục mầm non giai đoạn 2018-2025 đã thể hiện rõ sự quan tâm của Nhà nước và Chính phủ trong phát triển giáo dục mầm non trước yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

“Tham gia vào quá trình xây dựng và thực hiện Đề án 33, cá nhân tôi mong muốn có được sự thay đổi căn bản về chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất nghề nghiệp của đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở đào tạo. Vì vậy, việc bồi dưỡng giáo viên mầm non và đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các cơ sở giáo dục mầm non nhằm bảo đảm cho chất lượng giáo dục mầm non Việt Nam trong bối cảnh thực tiễn” - TS Trần Thị Minh Huế nhìn nhận.

Bộ GD&ĐT đã tham mưu Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục mầm non giai đoạn 2018 - 2025” kèm theo Quyết định số 33/QĐ-TTg ngày 8/1/2019 với Mục tiêu chung “Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non bảo đảm chuẩn hóa về chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục mầm non”.

Tại Quyết định số 437/QĐ-BGDĐT ban hành Kế hoạch triển khai các hoạt động xây dựng, ban hành Chương trình giáo dục mầm non mới sau năm 2020, Bộ đã có Kế hoạch tổ chức tập huấn hướng dẫn cán bộ quản lý, giáo dục mầm non triển khai Chương trình giáo dục mầm non mới. Những hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý ở các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục mầm non đều nhằm mục đích đảm bảo chất lượng theo yêu cầu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ