Phổ cập giáo dục mầm non trẻ 3-4 tuổi đối mặt với khó khăn nào?

GD&TĐ - Ngành GD mầm non nhiều địa phương đã phát triển toàn diện về quy mô, mạng lưới trường lớp, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đưa trẻ đến trường.

Tiết học của trẻ lớp Lá, Trường Mầm non Hoa Đào (quận 12, TPHCM).
Tiết học của trẻ lớp Lá, Trường Mầm non Hoa Đào (quận 12, TPHCM).

Dù vậy, đối với việc phổ cập giáo dục mầm non (GDMN) trẻ 3, 4 tuổi, nhiều địa bàn vẫn còn gặp khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên giảng dạy.

Chú trọng nâng cao chất lượng

Phát huy kết quả đã đạt được, ngành giáo dục TP Long Xuyên (An Giang) tiếp tục triển khai, duy trì các hoạt động đổi mới phương pháp giáo dục, không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, đặc biệt là trẻ 5 tuổi.

Ông Dương Kiếm Anh, Trưởng phòng GD&ĐT TP Long Xuyên cho biết, địa phương có 546 giáo viên mầm non công lập và ngoài công lập. Cơ sở vật chất, trang thiết bị các trường mẫu giáo được Ủy ban nhân dân TP Long Xuyên xây dựng, bổ sung đầy đủ và ngày càng khang trang, đảm bảo cho việc chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ. Năm 2023, thành phố có 14/18 trường mầm non đạt kiểm định chất lượng và công nhận đạt chuẩn quốc gia, tỉ lệ 77,77%.

Trong những năm qua, địa phương luôn duy trì và giữ vững chuẩn phổ cập GDMN trẻ 5 tuổi. Tất cả trẻ 5 tuổi đều được đến trường, lớp; được học chương trình giáo dục mầm non và học 2 buổi/ngày. 13/13 xã, phường đạt các tiêu chuẩn phổ cập GDMN trẻ 5 tuổi hằng năm.

Tại TP Cần Thơ, trong những năm qua, mạng lưới trường lớp mầm non được đầu tư phát triển, mua sắm thiết bị, đồ chơi trong lớp, ngoài trời phù hợp đặc điểm tâm sinh lý, lứa tuổi.Từ đó, tạo được lòng tin cho người dân khi gửi con đến trường. Vì vậy, 100% trẻ 5 tuổi đến trường theo quy định, được học 2 buổi/ngày, đảm bảo các điều kiện chăm sóc nuôi dạy trẻ.

Theo chia sẻ của bà Lê Thị Hường, Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Bình Thuỷ (TP Cần Thơ), công tác phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi trên địa bàn trong những năm qua đều đạt tỉ lệ cao. Mạng lưới trường lớp đáp ứng đủ nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh. Cơ sở vật chất, đồ dùng đồ chơi đầy đủ phục vụ công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ. Tỉ lệ đạt chuẩn giáo viên mầm non công lập trên 99%, trong đó trên chuẩn 77%.

Trẻ Trường mầm non Hồng Hà (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) trong một hoạt động ngoại khóa.

Trẻ Trường mầm non Hồng Hà (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) trong một hoạt động ngoại khóa.

Nhiều thách thức

Trẻ đến trường sớm là tạo cơ hội để tiếp cận làm việc nhóm, tập thể, tiếp nhận những kiến thức sơ đẳng theo hệ thống. Tuy nhiên, theo chia sẻ của nhiều địa phương, việc phổ cập GDMN trẻ 3-4 tuổi gặp không ít khó khăn.

Ông Dương Kiếm Anh cho biết, đối với việc thực hiện phổ cập GDMN cho trẻ 3 đến 4 tuổi, TP Long Xuyên có những thuận lợi. Nhiều năm qua nhiệm vụ nâng cao dân trí và phổ cập giáo dục-xoá mù chữ tiếp tục được sự quan tâm của toàn Đảng bộ, thể hiện bằng sự chỉ đạo sâu sát của các cấp lãnh đạo Đảng và chính quyền địa phương từ TP đến phường, xã. Đây được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của địa phương. Chính vì thế, kết quả phổ cập giáo dục-xoá mù chữ được duy trì và nâng chuẩn hằng năm.

“Ngoài ra, sự phối hợp giữa các ban ngành, đoàn thể trong việc huy động học sinh đến trường ngày càng chặt chẽ và có hiệu quả. Mạng lưới trường lớp từng bước được UBND TP đầu tư xây dựng đảm bảo cho công tác phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi.

Tuy nhiên do điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên TP Long Xuyên đang thực hiện theo lộ trình, giai đoạn nên còn khó khăn trong việc phổ cập GDMN trẻ dưới 5 tuổi (3-4 tuổi); thiếu phòng học, thiếu giáo viên do biên chế ngày càng giảm”, ông Anh cho hay.

Tương tự, khó khăn về cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập chưa đạt về diện tích phòng lớp, thiết bị đồ chơi chưa đáp ứng kịp yêu cầu,... là những thách thức của ngành giáo dục mầm non quận Bình Thủy khi triển khai thực hiện phổ cập GDMN cho trẻ 3-4 tuổi trên địa bàn.

Trong khi đó, thời gian qua TPHCM cũng từng bước chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện để có thể thực hiện đạt kết quả tốt nhất về phổ cập GDMN cho trẻ 3-4 tuổi, trên cơ sở đó có thể triển khai đại trà. Về vấn đề chuyên môn và đội ngũ, địa phương này có thể đảm bảo đáp ứng yêu cầu, tuy nhiên về cơ sở vật chất trường lớp vẫn là vấn đề cần quan tâm, bởi tình hình trường lớp luôn quá tải.

Bà Lương Thị Hồng Điệp, Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở GD&ĐT TPHCM thông tin: “Phổ cập GDMN cho trẻ em mẫu giáo (3-4 tuổi), nâng cao chất lượng phổ cập cho trẻ em 5 tuổi, giai đoạn 2023-2030 rất nhân văn với trẻ mầm non. Qua đó, TPHCM có thêm cơ chế để nâng cao chất lượng giáo dục mầm non. Tuy nhiên, việc dự kiến chỉ tiêu về trường mầm non đạt chuẩn quốc gia sẽ rất khó cho địa bàn đô thị như TPHCM do khó khăn về quỹ đất xây dựng trường, nhất là trường mầm non”.

“Việc đảm bảo tỉ lệ huy động trẻ 3-4 tuổi vẫn còn khó khăn, do tâm lý phụ huynh trên một số địa bàn chưa muốn con ra lớp. Đơn cử như địa phương ngoại thành mặc dù cơ sở vật chất của nhà trường luôn đảm bảo cho công tác dạy và học cho trẻ trong các độ tuổi, nhưng tâm lý của phụ huynh chưa muốn cho trẻ đến trường do phần lớn có người trông giữ và nhà lại xa trường”, bà Điệp cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ