Đa số các ý kiến từ tọa đàm đồng thuận với đề nghị chưa xem xét thông qua Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi.
Dự thảo Luật sửa đổi là “bước lùi” của luật cũ
Tham gia tọa đàm có Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA); Nhóm Hành động vì Công lý, Môi trường và Sức khỏe (JEH), Liên minh Phòng chống các bệnh không lây nhiễm (NCDs-VN), Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) (sau đây gọi tắt là Nhóm).
Tọa đàm đã ghi nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ các chuyên gia tâm huyết. Sau tọa đàm, các nhóm đồng thuận “Đề nghị xem xét chưa thông qua Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường(BVMT) sửa đổi” đã được công bố.
Bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh GreenID cho biết, từ tháng 12/2019, nhóm đã nhiều lần gửi những góp ý cho dự thảo Luật BVMT sửa đổi để hoàn thiện. Và đến thời điểm hiện tại, đã hết thời gian chỉnh lý dự thảo luật và Quốc hội sẽ xem xét thông qua Dự luật này trong buổi họp ngày 11/11/2020 tới đây.
“Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy bản dự thảo hiện tại của Luật BVMT sửa đổi vẫn còn nhiều vấn đề bất cập. Những quy định liên quan tới sự tham gia của cộng đồng, công khai thông tin đang thụt lùi so với những bản dự luật trước. Đặc biệt, Dự thảo Luật BVMT sửa đổi hiện nay chưa đảm bảo nguyên tắc là “bộ luật gác cổng” cho môi trường thiên nhiên và sinh mệnh người dân”.
TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam (VCAP), nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Môi trường cho biết: “Đánh giá chung của tôi và nhiều người quan tâm đến Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi lần này rằng đây là bước lùi so với Luật Bảo vệ môi trường năm 2014.
Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 có Điều 131 về công khai thông tin về môi trường là sự tiến bộ (công khai về đánh giá môi trường chiến lược; công khai ĐTM; kết quả thanh tra…) trong khi dự thảo luật lần này bỏ.
Tôi cho rằng, cần quy định công khai và thời điểm công khai. Nếu không quy định rõ, doanh nghiệp có thể cãi cùn rằng là tôi chưa công khai, 10 năm nữa tôi mới công khai cũng không sai luật.
Đặc biệt, quá trình thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, kết quả thanh kiểm tra cũng cần được công khai để cộng đồng, xã hội và các chuyên gia có dữ liệu giám sát, phản biện với những dự án tác động lớn về môi trường”.
Bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) nhận định, ô nhiễm môi trường là không có ranh giới, dự án nằm ở một địa phương có thể có tác động tới những khu vực lân cận. Vì vậy, hoạt động tham vấn không chỉ giới hạn đối với cộng đồng nơi có dự án. Mà cần mở rộng tới các cộng đồng cũng chịu ảnh hưởng bởi dự án và các cá nhân, tổ chức có quan tâm.
Theo GS.TS Lê Vân Trình, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật An toàn và Vệ sinh lao động Việt Nam, môi trường là của cộng đồng. Nó cần sự tham gia của các tổ chức chính trị, xã hội. Dự thảo luật này tạm thời không thể thông qua được – chúng ta cần nghĩ kĩ hơn bởi đây là cuộc sống của hơn 100 triệu dân.
Theo ông Đặng Đình Bách, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật và Chính sách Phát triển Bền vững (LPSD): “Sứ mệnh của luật này là để canh gác bảo vệ môi trường nhưng dường như chưa đạt được.
Hiện nay, các điều luật trong dự thảo luật này có khoảng cách quá xa so với những cam kết của Việt Nam với quốc tế, với chủ trương của Đảng và chỉ đạo của Chính phủ. Nó không giải quyết được các vấn đề môi trường đang đặt ra trong thực tiễn.
Quy định “có ý đồ” của người soạn luật
Ông Nguyễn Trọng An, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển môi trường sức khỏe (CHERAD) theo sát việc sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường. Ông nhận thấy dự thảo đăng trên cổng thông tin online của Quốc hội và dự thảo lần thứ 7 gửi cho các đại biểu Quốc hội có nhiều điểm khác nhau.
Điều đó thể hiện ở kết cấu, số lượng điều, khoản, một số quy định của dự luật. Cụ thể, dự thảo công bố trên cổng thông tin của Quốc hội là 152 điều, trong khi bản gửi cho các đại biểu Quốc hội là 175 điều.
“Nhiều quy định trong dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi đang còn chung chung. Nó thể hiện ẩn dấu ý đồ khá tinh vi của người soạn luật. Đơn cử, trong dự thảo luật này không thấy thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm bảo vệ môi trường của ngành y tế.
Nói cách khác là vô hiệu hóa vai trò của y tế dự phòng. Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường dự kiến trình Quốc hội thông qua đang hạn chế quyền giám sát chất lượng, thông tin bảo vệ môi trường của người dân, giới chuyên gia, nhà khoa học…”, ông An nhận xét.
Theo TS Hoàng Dương Tùng, việc “tránh, né” công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường với các dự án, đặc biệt là những dự án có tác động lớn về môi trường, khiến cộng đồng, các chuyên gia và xã hội thiếu thông tin để giám sát. Do vậy, dự thảo luật cần được bổ sung 4 nội dung thông tin về môi trường mà cơ quan Nhà nước phải công khai.
Đó là công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường với bản trình thẩm định và bản đã bổ sung được phê duyệt, các hồ sơ xin giấy phép môi trường. Công khai hội đồng thẩm định, gồm tên tuổi thành viên, chuyên gia trong hội đồng. Để họ ngoài trách nhiệm về chuyên môn còn phải có trách nhiệm với xã hội khi được ủy thác. Chấp nhận chịu sự giám sát nếu không phản biện hết trách nhiệm.
Công khai các kết quả thanh tra, quy định cụ thể thời điểm công khai. Công khai kết quả quan trắc của các dự án đầu tư để người dân giám sát nếu có vi phạm về môi trường.
Ý kiến thống nhất tại tọa đàm đưa ra là cần lùi lại, chưa thông qua Luật BVMT tại kỳ họp này để rà soát lại và tiếp tục điểu chỉnh, nhằm đạt mục tiêu bảo vệ môi trường - sức khỏe thực chất, đồng đời bảo đảm tính khả thi và tránh lãng phí nguồn lực Nhà nước.
PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên, môi trường và phát triển cộng đồng (IRECO), nguyên đại biểu Quốc hội, cho biết sau buổi tọa đàm này, sẽ thống nhất hơn 10 ý kiến các chuyên gia tâm huyết góp ý sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường để gửi đến Bộ TN&MT, Chính phủ, Quốc hội và gần 500 đại biểu Quốc hội.