Kiểm tra đánh giá nhẹ nhàng, không gây áp lực
Đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển năng lực, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh là yêu cầu cấp thiết đối với giáo dục hiện nay. Vì vậy, trong giờ học giáo viên phải có những phương pháp dạy học gây hứng thú cho các học sinh, sử dụng trò chơi vào trong giờ học là cách để lôi cuốn và thu hút sự tập trung chú ý của các em.
Chia sẻ điều này, cô Nguyễn Thị Ngân Hà cho rằng, tổ chức trò chơi học tập khác với trò chơi rèn luyện sức khỏe và giải trí. Trò chơi học tập nhằm hướng tới sự thông hiểu kiến thức với nội dung cụ thể môn học, bài học, và phải đáp ứng những yêu cầu sau:
Nội dung trò chơi phải gắn liền với kiến thức, kĩ năng, thái độ của môn học, bài học cụ thể.
Trò chơi thường được tổ chức trong không gian và thời gian nhất định của một giờ học.
Nội dung học tập chứa đựng trong trò chơi phải phù hợp với trình độ và lứa tuổi, đảm bảo mọi học sinh đều thu nhận được.
Nếu giáo viên đưa ra các trò chơi trong giờ học một cách thường xuyên, khoa học sẽ phát huy được tính tích cực học tập của học sinh.
Tuy nhiên, theo cô Nguyễn Thị Ngân Hà, việc giáo viên sử dụng trò chơi trong dạy học nói chung và dạy học Lịch sử nói riêng đang còn nhiều hạn chế.
“Thực tế giảng dạy cho thấy, nhiều học sinh chưa thực sự yêu thích môn Lịch sử. Giờ học 45 phút đối với các em quá dài, nhàm chán và uể oải. Nhiều học sinh còn đối phó tức thời, năng lực tiếp thu hạn chế, chưa nắm bắt được các sự kiện lịch sử và hoàn toàn không tái hiện được diễn biến sự kiện lịch sử, thậm chí còn lẫn lộn các sự kiện…Đối với các em, học môn Lịch sử đã nhàm chán và khô khan, việc tiến hành kiểm tra đánh giá lại càng không hứng thú. Nhiều em còn cho đó là nỗi “ám ảnh” vì phải học thuộc.
Vấn đề đặt ra là tại sao chúng ta không mạnh dạn thay đổi cách dạy đối với giáo viên, cách học đối với học sinh và thay đổi cách kiểm tra đánh giá để học sinh yêu thích môn lịch sử hơn, hứng thú hơn.
Kiểm tra đánh giá thường xuyên bằng hình thức tổ chức trò chơi là một giải pháp phù hợp giúp học sinh vừa chơi vừa học với không khí thoải mái và giúp giáo viên có thể có kết quả kiểm tra đánh giá một cách nhẹ nhàng, không gây áp lực”, cô Nguyễn Thị Ngân Hà cho hay.
Hình ảnh Game Giáng sinh – Chrismast. |
Lưu ý đánh giá thường xuyên bằng trò chơi
Kiểm tra, đánh giá thường xuyên bằng hình thức tổ chức trò chơi cần có quá trình chuẩn bị chu đáo.
Cô Nguyễn Thị Ngân Hà cho biết, đối với giáo viên cần chuẩn bị tốt tài liệu, phương tiện, thiết bị dạy học; dự kiến nội dung, phương pháp, thời gian thích hợp để tổ chức trò chơi; soạn hệ thống câu hỏi hợp lí để có thể phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh; chuẩn bị phương án, tiêu chí đánh giá phù hợp cho từng trò chơi.
Đối với học sinh, cần tìm hiểu nội dung bài và nội dung hướng dẫn của giáo viên. Việc chuẩn bị theo nhóm hay cá nhân tùy từng đơn vị kiến thức.
Ví dụ, cô Ngân Hà tổ chức trò chơi giải cứu thầy trò Đường Tăng khi dạy xong tiết 1, bài 1 (Lịch Sử 10 - bộ Kết nối tri thức với cuộc sống): Hiện thực Lịch sử và Lịch sử được con người nhận thức.
Trò chơi ô chữ có thể thực hiện để củng cố kiến thức bài cũ, khởi động vào bài mới hoặc củng cố kiến thức sau mỗi bài học hoặc phần học. Các bước để tổ chức trò chơi như sau:
Bước 1: Người dẫn chương trình (có thể là giáo viên hoặc một học sinh) trình chiếu ô chữ và thông qua luật chơi.
Bước 2: Đại diện nhóm luân phiên chọn ô chữ, tìm hiểu gợi ý hoặc câu hỏi từng ô chữ để tìm đáp án.
Bước 3: Sau khi giải đáp các ô chữ, tìm ra ô chữ hàng dọc (ô chữ chìa khóa)
Bước 4: Người dẫn chương trình thông qua đáp án.
Bước 5: Giáo viên nhận xét, tuyên dương, đánh giá, cho điểm.
Hoặc, trong quá trình củng cố bài 7 (Lịch Sử 10, Bộ Kết nối tri thức với cuộc sống): Các cuộc Cách mạng công nghiệp thời kì cận đại, cô Ngân Hà tổ chức trò chơi “Game Giáng sinh - Chrismast”
Trò chơi áp dụng đối với một phần kiến thức bài mới: Yêu cầu sự tham gia của tất cả các thành viên của lớp để có thể ghi nhớ, tái hiện lại một sự kiện lịch sử mà các em đã tìm hiểu qua quá trình soạn bài ở nhà.
Bước 1: Giáo viên chia lớp từ 3 đến 4 nhóm nhỏ. Mỗi nhóm đều được phát một phiếu học tập như nhau.
Bước 2: Các thành viên nhóm cùng hoạt động trong thời gian quy định, bổ sung hoàn chỉnh các chi tiết của một sự kiện mà giáo viên đưa ra.
Bước 3: Sau thời gian qui định, học sinh sẽ dán kết quả của nhóm. So sánh kết quả, tìm ra nhóm thực hiện tốt nhất. Nhóm ghi đầy đủ nhất sẽ là nhóm thắng cuộc. Giáo viên nhận xét, biểu dương, đánh giá, cho điểm.
Nếu sử dụng trò chơi này áp dụng đối với phần củng cố và làm bài tập lịch sử, có thể thực hiện các bước:
Bước 1: Giáo viên chia lớp thành 2 đội và mỗi đội chọn 3 học sinh để chơi, còn lại là cổ động viên.
Bước 2: Giáo viên nêu ra một sự kiện hoặc một nhân vật lịch sử.
Bước 3: Giáo viên cho học sinh ghi tất cả các sự kiện có liên quan đến sự kiện hoặc nhân vật lịch sử mà giáo viên đã cho trong khoảng thời gian nhất định.
Bước 4: Tổng hợp lại, đội nào ghi được nhiều sự kiện liên quan đúng và nhiều nhất sẽ là đội chiến thắng. Giáo viên nhận xét chung, tuyên dương, cho điểm.