Tâm sự của giáo viên trường chuyên về học và thi môn Lịch sử

GD&TĐ - Cô Nguyễn Thị Minh Hải - Giáo viên Trường THPT chuyên Vĩnh Phúc vừa có một số chia sẻ xung quanh vấn đề học và thi môn Lịch sử, nhất là với khối 12.

Cô Nguyễn Thị Minh Hải - Giáo viên Lịch sử Trường THPT chuyên Vĩnh Phúc và các em học sinh.
Cô Nguyễn Thị Minh Hải - Giáo viên Lịch sử Trường THPT chuyên Vĩnh Phúc và các em học sinh.

Tầm quan trọng của môn Lịch sử

Với nhiều tranh luận Lịch sử có nên là môn học/môn thi bắt buộc, rồi bình chọn phương án thi hay không thi ở các trường THPT làm môn Lịch sử luôn nổi bật trên các diễn đàn mạng xã hội.

Cô Minh Hải dẫn giải, trong Điện chúc mừng Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam ngày 16/8/2012, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có viết: “Giáo dục khoa học Lịch sử cho thế hệ trẻ Việt Nam là vấn đề vô cùng quan trọng đối với tương lai và sự trường tồn phát triển dân tộc”.

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng khẳng định:“Tôi nhớ trước đây có một vị tiền bối nói là văn hóa nói lên bản sắc của một dân tộc, văn hóa còn dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất”.

Văn hóa với lịch sử có quan hệ gì với nhau? Theo từ điển Tiếng Việt của Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hóa Việt Nam - Bộ GD&ĐT xuất bản năm 1998 viết: Văn hóa là những giá trị vật chất, tinh thần do con người sáng tạo ra trong lịch sử.

Học sinh lớp Chuyên Sử 12A8 K24 Trường THPT chuyên Vĩnh Phúc trong lễ khai giảng năm học 2022-2023.

Học sinh lớp Chuyên Sử 12A8 K24 Trường THPT chuyên Vĩnh Phúc trong lễ khai giảng năm học 2022-2023.

Sách giáo khoa Lịch sử lớp 10 (Bộ Cánh diều) viết: “Khoa học nghiên cứu lịch sử, nghiên cứu các sự kiện, hiện tượng đã diễn ra trong xã hội loài người; phát hiện ra quy luật phát sinh, phát triển và suy vong của nó. Lịch sử được con người có nhận thức khác nhau là do mục đích nghiên cứu, nguồn sử liệu, quan điểm tiếp cận, phương pháp nghiên cứu".

Như vậy, mục đích của học sinh khi học Lịch sử là học để hiểu về lịch sử hay chỉ lấy điểm? Suy nghĩ của các bạn như thế nào khi có thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đạt điểm Toán 9,0 - Ngữ văn 8,5 - Tiếng Anh 8,6 nhưng Lịch sử thì bị 1 điểm nên trượt tốt nghiệp.

"Nhìn điểm như vậy các em học sinh có cảm xúc như thế nào? Học Lịch sử có khó hơn học Toán, Ngữ văn? Theo tôi, bạn thí sinh này không yếu kém về tư duy (IQ) mà do thái độ và ý thức khi học môn Lịch sử (EQ)" - cô Minh Hải nhận định.

Học Lịch sử có thực sự khó?

Các thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại Nam Định.

Các thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại Nam Định.

Đề thi môn Lịch sử có thực sự khó, chúng ta cùng nhìn lại đề thi tốt nghiệp THPT năm 2021.

Cô Minh Hải lấy 4 câu ngẫu nhiên trong mã đề 303 có đủ 4 mức độ: Nhận biết - thông hiểu - vận dụng và vận dụng cao. Với những câu hỏi này học sinh chỉ tập trung nghe giảng trên lớp đã làm được bài và đạt mức tối thiểu là 5 điểm.

Câu 1: Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, một trong những quốc gia châu Phi được thành lập là:

A.Trung Quốc. B. Ai Cập. C. Ấn Độ. D. Nhật Bản.

Câu 2: Trong những năm 1976 - 1986, nhân dân Việt Nam thực hiện một trong những nhiệm vụ nào sau đây?

A. Xây dựng Hội Liên Việt. B. Bảo vệ biên giới phía Bắc.

C. Xây dựng Quỹ độc lập. D. Bầu Quốc hội khóa I.

Câu 3: Nội dung nào sau đây là một trong những điểm sáng tạo của Nguyễn Ái Quốc trong quá trình vận động thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam?

A. Thành lập mặt trận dân tộc thống nhất ngay khi thành lập Đảng.

B. Tập hợp quần chúng thành lập mặt trận chung toàn Đông Dương.

C. Xây dựng lí luận cách mạng nhấn mạnh cuộc đấu tranh giai cấp.

D. Xây dựng lí luận giải phóng dân tộc từ lí luận đấu trang giai cấp.

Câu 4: Nội dung nào sau đây phản ánh đúng tính nhất quán của thực dân Pháp trong các cuộc khai thác thuộc địa ở Đông Dương?

A. Hạn chế tối đa đầu tư của tư bản tư nhân Pháp.

B. Xóa bỏ phương thức sản xuất cũ để xác lập quan hệ sản xuất mới.

C. Không đầu tư vốn vào các ngành kinh tế có tính chất hiện đại.

D. Không du nhập hoàn chỉnh phương thức sản xuất mới vào thuộc địa.

Nhìn bảng thống kê điểm môn Lịch sử trong ba năm gần đây, làn điểm có sự phân hóa rất lớn và điểm 10 luôn nhiều hơn điểm 1,0 (điểm liệt thi tốt nghiệp là bằng và nhỏ hơn 1,0).

Thực tế là mục tiêu mục đích, thái độ của học sinh và cả trách nhiệm của thầy cô đối với môn học sẽ đưa học sinh đến với nhận thức: Học Lịch sử để làm gì, học Lịch sử có vui không, có khó không?

Minh chứng cụ thể, với lớp chuyên sử các bạn học để thi đại học do đó sẽ học nhiều hơn các môn khác nên với điểm trung bình của lớp là 9,2 là bình thường. Cô Hải có dạy cùng hai lớp 12, các bạn chỉ thi tốt nghiệp, đến học kỳ II nhà trường mới xếp lịch học ôn thi (2 tiết/tuần) và tháng cuối khi gần thi là 4 tiết/tuần.

"Trong những giờ học trên lớp, cô trò luôn cuốn vào những kiến thức lịch sử và liên kết những bài học kĩ năng mềm (rèn cả chỉ số EQ), tôi không yêu cầu học sinh về nhà học bài cũ, chỉ tập trung học và làm bài tập trắc nghiệm trên lớp. Kết quả điểm thi Lịch sử trung bình của lớp 12A7 đạt 8,33 và 12A10 là 8,08, không bạn nào dưới 6,0 điểm Sử", cô Hải nói.

Phải học Lịch sử cũng như phải biết cha ta là ai, mẹ ta là ai, dân tộc ta hình thành thế nào? Với tư duy chưa đổi mới của một bộ phận phụ huynh và học sinh hiện nay thi gì mới học, liệu sẽ đem lại kết quả nhận thức thế nào?

Chúng ta hãy nhớ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam. Sử ta dạy cho ta những chuyện vẻ vang của tổ tiên ta. Dân tộc ta là con Rồng cháu Tiên, có nhiều người tài giỏi đánh Bắc dẹp Nam, yên dân trị nước tiếng để muôn đời. Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ