Kiểm định chất lượng giáo dục: Những hạn chế cần khắc phục

GD&TĐ - Theo Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, công tác kiểm định chất lượng GD trong các trường mầm non, phổ thông còn những khó khăn, hạn chế...

Cô Đàm Thị Thu Thủy -Trường Mầm non Thải Giàng Phố (Bắc Hà, Lào Cai) trong giờ học của lớp mầm non 5 tuổi. Ảnh: Quốc Khánh - TTXVN
Cô Đàm Thị Thu Thủy -Trường Mầm non Thải Giàng Phố (Bắc Hà, Lào Cai) trong giờ học của lớp mầm non 5 tuổi. Ảnh: Quốc Khánh - TTXVN

Theo GS.TS Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT), công tác kiểm định chất lượng giáo dục trong các trường mầm non, phổ thông còn những khó khăn, hạn chế cần nhanh chóng được khắc phục.

Tăng tỷ lệ trường đạt kiểm định

- Công tác kiểm định chất lượng giáo dục trong các trường mầm non, phổ thông đã đạt được những kết quả như thế nào, thưa ông?

- Năm học vừa qua, các sở GD&ĐT đã tích cực triển khai chủ trương, chính sách và quy định để đánh giá, công nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục và chuẩn quốc gia.

Kết quả này được sử dụng làm cơ sở cho các hoạt động cải tiến chất lượng, tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong việc đầu tư nguồn lực (bố trí giáo viên, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị…) và gắn với việc thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển nông thôn mới. Đến ngày 31/5/2024, kết quả thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia trên phạm vi toàn quốc đạt được như sau:

Cấp học mầm non có 61,5% trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục và 56,3% trường đạt chuẩn quốc gia; cấp tiểu học có 67,2% trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục và 62,8% trường đạt chuẩn quốc gia; cấp trung học cơ sở có 72,3% trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục và 72,3% trường đạt chuẩn quốc gia; cấp trung học phổ thông có 56,1% trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục và 49,6% trường đạt chuẩn quốc gia; trường phổ thông nhiều cấp học, có 47,1% trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục và 44,2% trường đạt chuẩn quốc gia.

Nhìn vào tỷ lệ đạt được nêu trên sẽ thấy, ở đa số các cấp học đều cao hơn so với năm học 2022 - 2023. Trong đó, có nhiều đơn vị đạt được kết quả cao trong thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia (Bắc Giang, Bắc Ninh, Đắk Lắk, Hà Nội, Hà Tĩnh, Hậu Giang, Hưng Yên, Nghệ An, Sóc Trăng, Thái Bình, Thanh Hóa và TPHCM).

Công tác tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực công tác kiểm định chất lượng giáo dục cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các cấp học cũng được quan tâm. Trong năm học 2023 - 2024, toàn quốc có 2.007 cán bộ quản lý, giáo viên hoàn thành chương trình tập huấn đánh giá ngoài do Bộ GD&ĐT tổ chức.

Trong thời gian qua, các sở GD&ĐT cũng tích cực quan tâm đóng góp ý kiến trong việc xây dựng chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Cục Quản lý chất lượng đã nhận được ý kiến từ 50 sở GD&ĐT với 28.908 đơn vị cho việc đánh giá tác động kiểm định chất lượng giáo dục, chuẩn quốc gia.

Theo đó, có 79,4% đồng ý thực hiện chu kỳ kiểm định chất lượng giáo dục là 5 năm; 83,3% đồng ý thời gian chuyển tiếp là 5 năm để thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục qua tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục; có 96,1% cho ý kiến việc thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục trường mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông như hiện nay (nhà trường thực hiện tự đánh giá, sở GD&ĐT tổ chức đánh giá ngoài và công nhận kết quả kiểm định chất lượng giáo dục) là phù hợp.

Các sở GD&ĐT cũng làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong việc đầu tư kinh phí cho các cấp học để xây dựng trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục, trường đạt chuẩn quốc gia. Qua số liệu báo cáo từ các sở GD&ĐT gửi về, trong giai đoạn từ năm 2021 - 2024, toàn quốc có hơn 162.800 nghìn tỷ đồng được đầu tư cho các nhà trường để thực hiện việc này.

nhung han che can khac phuc (2).jpg
GS.TS Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT). Ảnh: Xuân Phú

Còn khó khăn về nhân lực, kinh phí

- Bên cạnh kết quả đạt được, ông nhìn nhận thế nào về những vấn đề còn hạn chế với công tác này?

- Về hạn chế, việc đánh giá ngoài đối với trường mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông chưa được triển khai đồng đều giữa các địa phương. Một số địa phương tỷ lệ đánh giá ngoài còn thấp hơn tỷ lệ đánh giá ngoài trung bình chung cả nước - 64,7% (như Bắc Kạn, Bình Dương, Cao Bằng, Đồng Tháp, Phú Yên, Thừa Thiên Huế).

Qua kiểm tra và báo cáo của các sở GD&ĐT gửi về Cục Quản lý chất lượng cho thấy, chất lượng của báo cáo tự đánh giá, đánh giá ngoài đôi khi chưa đáp ứng yêu cầu; việc xây dựng kế hoạch cải tiến chất lượng chưa cụ thể; nội dung tư vấn, khuyến nghị của đoàn đánh giá ngoài trong báo cáo còn sơ sài.

Đa số cán bộ phụ trách công tác kiểm định chất lượng giáo dục ở các phòng GD&ĐT đều kiêm nhiệm nhiều lĩnh vực công tác khác nhau và thường xuyên thay đổi, vì vậy rất khó tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ.

Cán bộ, giáo viên thực hiện công tác tự đánh giá tại các đơn vị tập trung nhiều cho việc quản lý, giảng dạy nên cũng chưa dành nhiều thời gian cho công tác tự đánh giá và cải tiến chất lượng hiệu quả trong nhà trường. Nguồn kinh phí, cơ chế để triển khai công tác kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng, công nhận trường chuẩn quốc gia còn khó khăn.

Việc đầu tư kinh phí cho giáo dục của nhiều chính quyền, địa phương còn hạn chế, vì vậy, một số trường học có cơ sở vật chất xuống cấp, thiếu phòng học, thiết bị các phòng chức năng, thiết bị hư hỏng chưa được trang bị bổ sung. Các trường được thiết kế trước đây không còn phù hợp với quy định mới gây khó khăn cho công tác kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.

Nhiều địa phương không còn quỹ đất để mở rộng hoặc xây mới trường; nguồn kinh phí chi cho cơ sở vật chất phụ thuộc vào cấp có thẩm quyền; đội ngũ giáo viên, nhân viên thiếu nhưng không có chỉ tiêu biên chế để tuyển mới hoặc không có nguồn để tuyển.

Việc thiếu giáo viên, nhân viên và thừa thiếu giáo viên cục bộ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục, công nhận trường đạt chuẩn quốc gia cũng như chất lượng giáo dục các nhà trường. Công tác kiểm tra trước, trong và sau kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia của sở/phòng GD&ĐT thực hiện chưa thường xuyên.

nhung han che can khac phuc (3).jpg
Tỷ lệ cơ sở giáo dục đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục trong cả nước. Nguồn: Bộ GD&ĐT
nhung han che can khac phuc (4).jpg
Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia trong cả nước. Nguồn: Bộ GD&ĐT
nhung han che can khac phuc (1).jpg
Tỷ lệ cơ sở giáo dục hoàn thành tự đánh giá trong cả nước. Nguồn: Bộ GD&ĐT

5 nhiệm vụ trong năm học mới

- Từ các phân tích nói trên, ông có lưu ý gì để triển khai tốt hơn công tác này thời gian tới?

- Tôi cho rằng, để thực hiện tốt công tác này cần có sự quan tâm đồng bộ của các bên có liên quan. Trước hết, sở GD&ĐT quan tâm thực hiện có hiệu quả công tác tham mưu với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện.

Cấp ủy đảng, chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia, đầu tư nguồn lực cho giáo dục địa phương. Tiếp đến là sự quan tâm, quyết tâm của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh mỗi nhà trường trong việc xây dựng trường đạt tiêu chuẩn chất lượng, đạt chuẩn quốc gia. Đồng thời, thực hiện tốt việc cải tiến nâng cao chất lượng sau tự đánh giá, đánh giá ngoài để duy trì và phát huy điểm mạnh, dần khắc phục điểm yếu.

- Ông có thể chia sẻ nhiệm vụ ngành Giáo dục sẽ chú trọng triển khai với công tác kiểm định chất lượng trường mầm non, phổ thông trong năm học mới?

- Năm học tới, Bộ GD&ĐT sẽ chỉ đạo các sở GD&ĐT tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, tiếp tục làm tốt công tác tham mưu với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để ban hành kế hoạch kiểm định chất lượng giáo dục; kế hoạch, quy hoạch xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia; có được sự quan tâm đầu tư của chính quyền địa phương về nguồn nhân lực, tài chính nhằm đáp ứng các quy định về đội ngũ, cơ sở vật chất, trang thiết bị, diện tích đất...

Hai là, tăng cường hướng dẫn, chỉ đạo, giám sát, kiểm tra các đơn vị, cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý trong việc triển khai công tác kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia.

Ba là, quan tâm tổ chức tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho các đơn vị, cá nhân thực hiện công tác kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.

Bốn là, tăng cường thực hiện giám sát, chỉ đạo các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý thực hiện kế hoạch cải tiến chất lượng để không ngừng duy trì, nâng cao chất lượng.

Năm là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; quan tâm thực hiện công tác truyền thông để lan tỏa, nhân rộng điển hình là địa phương, cơ sở giáo dục thực hiện tốt công tác kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.

- Xin cảm ơn ông!

Kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia đối với trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học được quy định tại các Thông tư số 17, 19/2018/TT-BGDĐT ngày 22/8/2018 của Bộ GD&ĐT.

Theo đó, kiểm định chất lượng giáo dục nhằm xác định trường đạt mức đáp ứng mục tiêu giáo dục trong từng giai đoạn; lập kế hoạch cải tiến chất lượng, duy trì và nâng cao chất lượng các hoạt động của nhà trường; thông báo công khai với cơ quan quản lý Nhà nước và xã hội về thực trạng chất lượng của trường tiểu học. Qua đó, cơ quan quản lý Nhà nước đánh giá, công nhận hoặc không công nhận trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục.

Công nhận đạt chuẩn quốc gia nhằm khuyến khích đầu tư và huy động các nguồn lực cho giáo dục, góp phần tạo điều kiện đảm bảo cho trường tiểu học không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.