Tuy nhiên, các trung tâm vẫn nỗ lực hướng đến đạt chuẩn kiểm định để nâng cao chất lượng, từ đó tạo lòng tin với phụ huynh, học viên.
Kinh nghiệm thực tiễn
Ngày 31/7/2024 là lần thứ 2, Trung tâm GDTX 2 tỉnh Lạng Sơn (Lạng Sơn) hoàn thành kiểm định chất lượng. Trước đó, năm 2014, trung tâm đạt kiểm định chất lượng lần thứ 1.
Ông Đậu Đinh Phong - Giám đốc trung tâm cho biết: “Kiểm định chất lượng sẽ giúp các trung tâm xây dựng định hướng phát triển, tạo động lực, khẳng định chất lượng thương hiệu. Vì vậy, để đạt được chuẩn chất lượng kiểm định, toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học viên trung tâm phải đồng lòng, nỗ lực phấn đấu nhằm đạt các tiêu chí đề ra theo Thông tư 42/2012/TT-BGDĐT”.
Cũng theo ông Phong, tiêu chí mà các trung tâm dễ đạt được nhất chính là chuẩn giáo viên bởi hiện nay đội ngũ tham gia giảng dạy đều đạt chuẩn. Còn tiêu chí khó đạt nhất là cơ sở vật chất. Các trung tâm phải đáp ứng đủ các điều kiện như: Phòng học, phòng chức năng, thí nghiệm thực hành… Những tiêu chí này ngoài tầm với của các trung tâm bởi phải chờ nguồn lực đầu tư từ địa phương.
Mặt khác, quá trình kiểm định phải mô tả rõ hiện trạng, điểm mạnh - yếu, giải pháp khắc phục, cải tiến ra sao. Tuy nhiên, tiêu chí cơ sở vật chất, kế hoạch cải tiến khó khả thi do phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn lực từ cấp trên…
Từ kinh nghiệm thực tế hai lần kiểm định, ông Phong cho rằng, để đạt được chất lượng kiểm định, ngoài các tiêu chuẩn đề ra, chất lượng giáo dục hằng năm phải duy trì ổn định, trong đó có chỉ số học viên đỗ tốt nghiệp THPT.
Để làm được điều này, Trung tâm GDTX 2 tỉnh Lạng Sơn luôn chú trọng khâu phân tích, đánh giá thông qua các đợt kiểm tra định kỳ để biết những học viên có nguy cơ trượt tốt nghiệp trước khi bước vào lớp 12, từ đó tổ chức ôn luyện, giảng dạy. “Thậm chí, giáo viên trung tâm sẵn sàng dạy một kèm một để gia cố kiến thức cho học viên”, ông Phong cho hay.
Còn theo ông Nguyễn Thế Toàn - Giám đốc Trung tâm GDNN - GDTX huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh), bất kỳ trung tâm nào trong quá trình hoạt động cũng hướng đến kiểm định nhằm khẳng định chất lượng giáo dục.
Bên cạnh đó, khi đạt được các tiêu chí trong bộ đánh giá kiểm định chất lượng, người học được thụ hưởng cơ sở vật chất đầy đủ, đội ngũ giáo viên, chất lượng giảng dạy đảm bảo. Từ đó, người dân, học viên thay đổi suy nghĩ về các trung tâm GDNN - GDTX. Đây không còn là lựa chọn, chỗ đáp cuối cùng khi học sinh không vào được các trường THPT công lập.
Quy định chồng chéo
Trung tâm GDNN - GDTX thị xã Sơn Tây (Hà Nội) tiến hành kiểm định chất lượng năm 2015 (đạt mức độ 1). Năm 2022, Sở GD&ĐT Hà Nội tiếp tục triển khai kế hoạch kiểm định chất lượng đối với hệ thống các trung tâm GDNN - GDTX. Dù đã có kinh nghiệm, vượt qua các vòng đánh giá khắt khe, tuy nhiên Trung tâm GDNN - GDTX thị xã Sơn Tây cũng như một số trung tâm khác trên địa bàn Hà Nội vẫn đối diện với nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện.
Ông Nguyễn Văn Toàn - Giám đốc Trung tâm GDNN - GDTX thị xã Sơn Tây trao đổi: Hiện, nhiều văn bản hướng dẫn còn chồng chéo, thiếu tính thống nhất. Việc triển khai kiểm định chất lượng nhằm phục vụ tiêu chí đánh giá Nông thôn mới nâng cao, Nông thôn mới kiểu mẫu (đối với một số địa phương) dẫn đến việc đầu tư nguồn lực cho các trung tâm GDNN - GDTX còn nhiều hạn chế.
Đặc biệt, nguồn kinh phí ngân sách Nhà nước cấp cho hoạt động của các trung tâm GDNN - GDTX có sự chênh lệch lớn, thậm chí chưa bình đẳng giữa trung tâm so với trường phổ thông. Trung tâm GDNN - GDTX cũng nằm trong hệ thống giáo dục quốc dân nhưng phải thực hiện nhiệm vụ theo hình thức tự chủ, không được Nhà nước đặt hàng (Nghị định 60/2021).
Hệ thống tiêu chí đánh giá chuẩn nghề nghiệp đối với cán bộ quản lý, giáo viên của trung tâm chưa ban hành nên đang theo hệ thống các phòng ban, đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND cấp huyện, do đó thiếu tính chuyên môn.
Trước những bất cập từ thực tế, ông Toàn nêu một số kiến nghị: Để công tác kiểm định chất lượng đạt mục tiêu đề ra, cơ quan quản lý Nhà nước cần phối hợp chặt chẽ, thống nhất với UBND các tỉnh/thành phố, sở GD&ĐT để có chính sách đầu tư đúng mức đối với trung tâm GDNN - GDTX về nhân sự, kinh phí hoạt động, cơ sở vật chất nhằm thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ.
Mặt khác, cần xây dựng, điều chỉnh, bổ sung bộ tiêu chí đánh giá đối với các trung tâm GDNN - GDTX phù hợp với điều kiện thực tiễn. Sau khi có kết quả kiểm định, cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp cần có kế hoạch, lộ trình bổ sung những điều kiện trung tâm còn thiếu như: Nhân sự, kinh phí, cơ sở vật chất...
“Cơ quan quản lý các cấp sớm giải quyết những bất cập trong tổ chức hoạt động của hệ thống các trung tâm hiện nay; có văn bản quy định và hướng dẫn địa phương bàn giao các trung tâm GDNN - GDTX về sở GD&ĐT quản lý, nhằm hạn chế sự chồng chéo trong tổ chức, thực hiện nhiệm vụ”, ông Toàn nhấn mạnh.
Tương tự, ông Trần Văn Hưng - Giám đốc Trung tâm GDTX tỉnh Đồng Tháp (Đồng Tháp) chia sẻ, hiện thông tư hướng dẫn kiểm định, đánh giá theo các tiêu chí cũ. Do đó, nếu trung tâm GDNN - GDTX áp dụng như các trường phổ thông sẽ không hợp lý. Không những thế, các trung tâm GDNN - GDTX cần được quan tâm đầu tư hơn nữa cả về đội ngũ giáo viên lẫn cơ sở vật chất.
Một bất cập trong đánh giá kiểm định chất lượng đối với các trung tâm GDNN - GDTX chính là sự phối hợp với thư viện cấp huyện. Hiện nay, nhiều huyện không còn duy trì hoặc không có thư viện dẫn đến các trung tâm không thể phối hợp để học viên khai thác tư liệu phục vụ học tập. Từ đó không thể minh chứng cho tiêu chí này, ảnh hưởng quá trình kiểm định. Cần phải thay đổi tiêu chí để phù hợp với tình hình mới. - Ông Đậu Đinh Phong (Giám đốc Trung tâm GDTX 2 tỉnh Lạng Sơn)