Khủng hoảng kép

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Hôm 21/6, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres đã cảnh báo về cuộc khủng hoảng mới mang tên tài trợ nhân đạo.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Tại phiên họp của Hội đồng Kinh tế Xã hội Liên Hợp Quốc (ECOSOC) hôm 21/6, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres đã cảnh báo về cuộc khủng hoảng mới mang tên tài trợ nhân đạo.

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2023, Liên Hợp Quốc chỉ nhận được 20% tài trợ cần thiết theo lời kêu gọi nhân đạo toàn cầu. Trong khi đó, nhu cầu nhân đạo đang tăng lên với số dân trên thế giới cần hỗ trợ là 360 triệu người, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2022. Hơn 260 triệu người phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng, trong đó, nhiều người có nguy cơ bị bỏ đói.

Tương tự, chỉ trong tháng 6, Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) đã tuyên bố ngừng hoạt động nhân đạo tại Dải Gaza, cắt giảm một nửa viện trợ lương thực tại Syria. Nếu không cắt giảm các hoạt động trên, WFP dự kiến cạn kiệt hoàn toàn lương thực vào tháng 10 năm nay.

Những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên vẫn không thay đổi. Các cuộc xung đột kéo dài trong khi các cuộc chiến tranh mới nổ ra. Khủng hoảng kinh tế toàn cầu, bắt đầu bởi Covid-19 và trầm trọng hơn sau xung đột Nga - Ukraine, đã kéo theo lạm phát, khủng hoảng lương thực, khủng hoảng năng lượng, chưa kể những vấn đề cố hữu như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường... Tất cả đã giáng đòn nặng nề vào những người dễ bị tổn thương ở các quốc gia khó khăn nhất.

Bên cạnh nguyên nhân khách quan, còn nhiều yếu tố chủ quan khiến việc viện trợ nhân đạo cho các cuộc khủng hoảng trên thế giới biến thành khủng hoảng. Trên thực tế, phần lớn viện trợ quốc tế của các tổ chức phi chính phủ phụ thuộc vào một nhóm nhỏ các nhà tài trợ.

Theo báo cáo Hỗ trợ Nhân đạo Toàn cầu do Sáng kiến Phát triển Anh công bố hồi tháng 6, Mỹ, Đức và Liên minh châu Âu (EU) chiếm gần 2/3 tổng số hỗ trợ nhân đạo quốc tế từ các nguồn công cộng vào năm 2022.

Do đó, khu vực viện trợ quốc tế cần đa dạng hóa các cơ sở tài trợ như chính phủ các nền kinh tế đang phát triển, các ngân hàng đa phương, khu vực tư nhân... Sự chuyển đổi này có thể mất rất nhiều thời gian nhưng nếu không dịch chuyển, vấn đề nguồn tài trợ nhân đạo sẽ không thể giải quyết.

Ngoài ra, viện trợ khẩn cấp hay nhân đạo vốn dĩ hoạt động trong ngắn hạn. Về dài hạn, các nguồn viện trợ hướng đến giúp các cộng đồng tự mình chống chọi với khủng hoảng. Tuy nhiên, các quốc gia đang gặp khủng hoảng ngày càng phụ thuộc vào viện trợ nhân đạo trong dài hạn.

Các quốc gia cũng nhận được ít viện trợ phát triển hơn nên không thể tự mình chống chọi với khủng hoảng sau khi viện trợ nhân đạo rút khỏi. Theo thống kê, hỗ trợ phát triển cho các quốc gia đang gặp khủng hoảng dài hạn đã giảm từ 50% xuống 48% trong 5 năm tính đến năm 2021.

Từ thực trạng trên, các cơ quan của Liên Hợp Quốc buộc phải cắt giảm viện trợ lương thực tại nhiều nơi như Syria, Bangladesh, Afghanistan, Yemen... Nếu không có giải pháp cho cuộc khủng hoảng thì việc cắt giảm hơn nữa trong thời gian tới là không thể tránh khỏi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hiểu lầm là một trong những nguyên nhân chính hủy hoại hôn nhân. (Ảnh: ITN).

'Kẻ thù giấu mặt' phá hoại hôn nhân

GD&TĐ - Hôn nhân, sự kết hợp giữa tình yêu và sự cam kết thường phải đối mặt với những thách thức có thể làm suy yếu sự ổn định của nó.