Nguy cơ khủng hoảng năng lượng

GD&TĐ - Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cảnh báo, châu Âu có thể đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng hơn vào mùa Đông tới.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg hôm 15/6, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cảnh báo, châu Âu có thể đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng hơn vào mùa Đông tới.

Ông Szijjarto cho biết, cơ sở để châu Âu có thể đảm bảo nguồn năng lượng an toàn là phải hiểu rằng, việc cung cấp năng lượng không phải là vấn đề ý thức hệ hay chính trị. Đó là vấn đề thực tế.

“Chúng ta phải đảm bảo rằng, không quốc gia nào có thể lợi dụng hoặc thu lợi từ tình hình năng lượng đầy thách thức hoặc giống như khủng hoảng hiện nay. Không quốc gia nào được trục lợi từ việc đóng vai trò là bên trung chuyển cho quốc gia khác”, nhà ngoại giao hàng đầu của Hungary nói thêm.

Theo Ngoại trưởng Hungary, có hai tuyến đường vận chuyển dầu, hai đường ống dẫn tới Hungary. Hiện tại, cả hai quốc gia nơi các tuyến đường này chạy qua để đến Hungary đều tăng phí vận chuyển “một cách điên cuồng”.

“Vì vậy, việc lợi dụng tình hình khủng hoảng bằng cách đặt những người khác vào một tình huống phức tạp hơn là điều cần phải ngăn chặn”, ông Szijjarto kêu gọi.

Ngoại trưởng Szijjarto cũng lưu ý rằng Hungary, nơi phụ thuộc vào Nga cho nguồn cung khoảng 65% dầu mỏ và 85% khí đốt, đã đạt được thỏa thuận với Moscow về việc cung cấp thêm năng lượng cho mùa Đông sắp tới.

Đối với cả khu vực châu Âu, ông Szijjarto nói rằng, những hạn chế dự kiến trong xuất khẩu năng lượng của Nga và điều kiện thời tiết khó lường có thể ảnh hưởng đến nguồn cung năng lượng. Điều đó khiến mùa Đông năm nay trở nên khó khăn hơn năm ngoái.

Trước đó, trong năm 2022, châu Âu phải chịu đựng cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng, với những hóa đơn cao ngất ngưởng trong mùa Hè và nguy cơ thiếu nguồn cung trong mùa Đông, khi Nga cắt phần lớn khí đốt sang châu lục này.

Nhằm tránh lặp lại tình thế khó khăn và nguy cơ rơi vào khủng hoảng năng lượng như năm ngoái, các nước EU đã bắt tay ráo riết hành động. Tháng 3, các nhà hoạch định chính sách EU đưa ra một “sáng kiến đột phá” các thành viên cùng mua khí đốt chung.

Trong đợt mua chung đầu tiên, EU đã tìm được 25 nhà cung cấp khí đốt, với khối lượng cung cấp dự kiến là 13,4 tỉ m3 (vượt qua dự kiến ban đầu của khối là 11,6 tỉ m3). Theo Reuters, đây là bước đi đáng chú ý, có khả năng xây dựng sức mạnh về năng lượng cho EU một cách đồng đều và bền vững.

Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Maros Sefcovic cũng đồng ý rằng, mua khí đốt chung không chỉ giúp giảm rủi ro về an ninh năng lượng của từng nước thành viên, mà còn tạo lợi ích chung cho toàn liên minh.

Với việc mua chung, khối sẽ tạo được nền tảng đàm phán với các nhà cung cấp năng lượng, tạo lực đẩy trong thúc đẩy đối thoại và hợp tác giữa khối với các nước xuất khẩu khí đốt, tìm được nguồn cung ổn định, đáng tin cậy.

EU đồng thời đẩy mạnh đầu tư và phát triển năng lượng tái tạo. Theo tờ Financial Times, thời gian qua, EU đã khuyến khích các thành viên tăng cường đầu tư sản xuất năng lượng tái tạo, như năng lượng gió, mặt trời, thủy điện.

EU cũng nỗ lực xây dựng thêm nhiều cảng tiếp nhận khí hóa lỏng (LNG). Tháng 4, Đức cho biết ngoài việc tiếp tục mở rộng cảng LNG ở TP Lubmin (bang Mecklenburg-Vorpommern) nước này dự kiến xây thêm một cảng LNG ngoài khơi đảo Rugen để tăng khả năng tiếp nhận và lưu trữ LNG từ bên ngoài vào các nước châu Âu.

Ngoài ra, EU còn đẩy mạnh phát triển các hệ thống lưu trữ năng lượng để khối này có thể tận dụng tối đa các nguồn lực khi cần, như mở rộng phát triển các hệ thống pin tích trữ năng lượng.

Trong đó, gồm pin quang điện hóa (pin có khả năng tích trữ năng lượng điện mặt trời) và pin nhiên liệu (pin có khả năng tích trữ nhiên liệu hóa học thành năng lượng điện).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam đã có bước phát triển đáng kể những năm gần đây. Ảnh minh họa: INT

Tích hợp hệ thống năng lượng hỗn hợp

GD&TĐ - Kết hợp năng lượng mặt trời và gió giúp hệ thống điện ổn định hơn, hiệu suất cao hơn. Hệ thống phù hợp để ứng dụng vào điện mặt trời mái nhà.