Khó cả nhân lực, vật lực
Xác định năm đầu tiên triển khai môn Tiếng Anh, Tin học bắt buộc đối với học sinh lớp 3 không tránh khỏi khó khăn nên Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Hải Phú (Hải Hậu, Nam Định) thường xuyên dự giờ, thăm lớp, hỗ trợ và rút kinh nghiệm các tiết dạy cùng giáo viên.
Mặt khác, cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thược cho biết, nhà trường đã chỉ đạo giáo viên bộ môn thường xuyên trao đổi, thảo luận tổ, nghiên cứu học liệu điện tử để tìm ra phương pháp dạy học hiệu quả. Công tác tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên lớp 3, đặc biệt giáo viên giảng dạy 2 môn Tiếng Anh, Tin học được chú trọng…
Tuy nhà trường, giáo viên nỗ lực khi triển khai 2 môn học này nhưng vẫn còn những tồn tại cần sớm tháo gỡ. “Trường có duy nhất phòng Tin học với 21 máy tính nên mỗi tiết học thực hành, 2 - 3 em phải ngồi chung nhau; các thiết bị, đồ dùng phục vụ dạy học (máy chiếu, màn hình…) thiếu. Cơ sở vật chất chưa đảm bảo khiến chất lượng học sinh không đồng đều, một số em ý thức tự giác trong học tập không cao...”, cô Thược cho biết.
Nằm ở địa bàn có đồng bào dân tộc chiếm đa số (huyện Nậm Nhùn, Lai Châu), Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Manh cũng phải nỗ lực giải bài toán khó khăn chung của các trường vùng cao. Thầy Phạm Quốc Bảo, Hiệu trưởng chia sẻ, trường có 483 học sinh/4 điểm trường (trong đó 95 học sinh lớp 3) nhưng chỉ có 28 cán bộ, giáo viên; khoảng cách giữa điểm trường trung tâm và lẻ từ 15 - 20km. Với điều kiện đặc thù, nhà trường đã vận động toàn bộ học sinh khối 3, 4, 5 ở các điểm lẻ về học ở điểm trung tâm để có thể dạy học 2 môn học Tiếng Anh, Tin học.
Tuy nhiên, điều kiện và hiệu quả dạy học vẫn là điều Ban Giám hiệu luôn trăn trở, bởi máy móc để học sinh thực hành còn “trắng”, giáo viên chưa có. Để dạy 2 môn học này, Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Manh phải nhờ giáo viên Trường THCS Nậm Manh hỗ trợ. “Chất lượng ảnh hưởng là điều không tránh khỏi khi thiếu cả cơ sở vật chất lẫn giáo viên giảng dạy”, thầy Phạm Quốc Bảo nói.
Tương tự, tại Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (TP Phủ Lý, Hà Nam), cô Hiệu trưởng Phạm Thị Thanh Hương cho hay, nhà trường thiếu giáo viên cả hai môn Tiếng Anh và Tin học. Đặc biệt, giáo viên Tin học không tuyển được do cơ chế thu nhập thấp; một số giáo viên Tiếng Anh, Tin học lại bỏ nghề. Trường phải huy động giáo viên văn hóa và ở các trường khác hỗ trợ. Không chỉ vậy, phòng học Tin học và Tiếng Anh của trường đều thiếu, thiết bị xuống cấp.
Tại Bình Thuận, việc triển khai dạy Tiếng Anh và Tin học bắt buộc với lớp 3 năm học vừa qua cũng gặp nhiều khó khăn. Theo ông Phan Đoàn Thái - Giám đốc Sở GD&ĐT, một số trường “trắng” cả phòng dạy các bộ môn lẫn thiết bị để thực hành kỹ năng nghe, nói (môn Tiếng Anh). Hơn nữa, số lượng máy tính chưa đáp ứng nhu cầu học, nhiều em phải phải học chung một máy do đó thời lượng hực hành ít.
“Nguồn kinh phí để sửa chữa, bảo trì máy móc khi bị hư hỏng chưa có. Đa số gia đình học sinh diện khó khăn, dân tộc thiểu số nên ít có điều kiện mua sắm thiết bị học tập, tiếp cận sách tham khảo. Các phần mềm học Tiếng Anh hay mạng Internet để học sinh trau dồi, học tập tại nhà càng không có”, ông Thái thông tin.
Để học sinh được thực hành Tin học tại phòng máy tính khang trang, đầy đủ là mơ ước của nhiều trường. |
Linh hoạt gỡ khó
Là đơn vị triển khai khá thành công dạy học bắt buộc 2 môn Tiếng Anh, Tin học cho học sinh lớp 3, Trường Tiểu học Vân Canh (Hoài Đức, Hà Nội) đã phát huy nhiều giải pháp hữu hiệu. Cô Nguyễn Thị Lương - Hiệu trưởng chia sẻ: Từ đầu năm học, nhà trường đã tổ chức tập huấn cho toàn thể giáo viên để giới thiệu tổng thể Chương trình GDPT 2018 cũng như các bộ sách giáo khoa mới; tập huấn Thông tư 27/2020 của Bộ GD&ĐT về đánh giá học sinh tiểu học…
Đặc biệt, trường chủ động trang bị mỗi lớp 1 máy chiếu, phối hợp với trung tâm tiếng Anh trang bị bảng tương tác để giáo viên dạy trên giáo án điện tử. Phòng học của các lớp được đầu tư khang trang, sạch đẹp, thoáng mát; hệ thống wifi phủ kín các lớp học.
Bà Cái Thị Cẩm Hương - Trưởng phòng GD&ĐT Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên - Huế) cho biết, năm học 2022 - 2023, tất cả trường tiểu học trên địa bàn huyện đều triển khai dạy học Tiếng Anh, Tin học cho 100% học sinh lớp 3 theo đúng quy định. Để dạy học hai môn này chủ động, hiệu quả, Phòng GD&ĐT đã tham mưu UBND huyện Phú Lộc trang cấp máy tính cho các trường đủ về số lượng để đảm bảo học sinh được thực hành môn Tin học.
Đồng thời, Phòng cũng rà soát, cân đối số lượng giáo viên và tham mưu UBND huyện tuyển mới giáo viên Tin học, Tiếng Anh nhằm triển khai 2 môn này đối với lớp 4 trong năm học tới. Đặc biệt, chỉ đạo các trường có cơ sở lẻ xây dựng kế hoạch dạy học, phối hợp với phụ huynh học sinh tổ chức tốt việc dạy học Tin học với nhiều hình thức khác nhau, phù hợp với điều kiện nhà trường. Ví dụ, có thể bố trí máy tính ở cơ sở lẻ, huy động học sinh về cơ sở chính học các tiết thực hành...
Theo ông Phùng Ngọc Oanh, Trưởng phòng GD&ĐT Ba Vì (Hà Nội), đơn vị này đã cùng Phòng Nội vụ huyện đề xuất điều tiết giáo viên Tiếng Anh, Tin học từ các trường dôi dư sang trường thiếu theo hình thức biệt phái; đối với 5 trường thiếu giáo viên Tin học đang tạm thời dạy liên trường. Tham mưu UBND huyện tổ chức thi tuyển giáo viên để bổ sung cho các đơn vị thiếu. Ngoài ra, phối hợp với Trường Đại học Ngoại ngữ - ĐHQG Hà Nội tập huấn cho 100% giáo viên Tiếng Anh tiểu học, trong đó tập huấn chuyên sâu cho giáo viên dạy Tiếng Anh lớp 3.