Không nên "khoán trắng" việc quản lý, bảo vệ rừng cho kiểm lâm

Không nên "khoán trắng" việc quản lý, bảo vệ rừng cho kiểm lâm

(GD&TD) - Sáng nay, 1-11, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2011-2015 và quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2020; việc thực hiện dự án trồng mới 5 triệu ha rừng toàn quốc.

hj
Hiện nay việc bảo vệ rừng rất kém, khoán trắng cho kiểm lâm nên nhiều nơi xảy ra tình trạng chính quyền buông lỏng quản lý (ảnh MH)

Theo báo cáo của Chính phủ, sau 13 năm thực hiện, dự án trồng mới 5 triệu ha rừng cơ bản hoàn thành sau 13 năm thực hiện. Độ che phủ rừng tăng từ 32% năm 1998 lên 39,5% năm 2010. Đến nay, trữ lượng gỗ cả nước là 935,3 triệu m³, tăng 24,4% so với 1998. Chính phủ cũng đề nghị Quốc hội phê duyệt, tổ chức thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011- 2020 với mục tiêu: đưa độ che phủ của rừng lên 42% - 43% vào năm 2015 và 44% - 45% vào năm 2020.

Phát biểu tại tổ, nhiều đại biểu TPHCM cho rằng, con số báo cáo của Chính phủ chưa sát với tình hình thực tế về diện tích che phủ rừng và lưu ý cần có sự giám sát chặt chẽ hơn để đưa ra con số trước khi lập kế hoạch cho giai đoạn tiếp theo.

Đại biểu Huỳnh Minh Thiện cho rằng, công tác quản lý rừng còn lạc hậu, chưa ứng dụng khoa học kỹ thuật, vẫn dựa vào rà soát đánh giá của địa phương nên sai số lớn.

Đại biểu Đỗ Văn Đương chia sẻ, hiện nay việc bảo vệ rừng rất kém, khoán trắng cho kiểm lâm, rất nhiều nơi xảy ra móc nối, chính quyền buông lỏng quản lý. Việc di dân tự do cũng tác động không nhỏ, phải cấp đất rừng, tập quán đốt nương làm rẫy vẫn còn, dẫn đến phá hủy môi trường, bảo vệ động vật quý hiếm… Rừng nghèo, rừng phục hồi, rừng hỗn giao chiếm diện tích lớn (75%); còn rừng giàu, rừng trung bình chỉ chiếm 25%.

Từ đó, đại biểu này cũng băn khoăn, số lượng độ che phủ rừng như báo cáo của Chính phủ là cộng cơ học từ các địa phương, địa phương cộng cơ học từ các tiểu khu,… Do vậy, độ chính xác không cao. Hiện mất loại rừng nào các địa phương cũng không bóc tách được nên không có giải pháp phục hồi tốt.

Phát biểu ý kiến về việc thực hiện dự án 5 triệu ha rừng, đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (đoàn Bà Rịa- Vũng Tàu) cho rằng quy hoạch đất lâm nghiệp và thực hiện quy hoạch 3 loại rừng (trồng mới, khoanh nuôi tái sinh và cây ăn quả) còn nhiều yếu kém, chất lượng thấp. Cơ cấu 3 loại rừng chưa hợp lý, tỷ lệ diện tích rừng phòng hộ và rừng đặc dụng lớn gây khó khăn cho phát triển rừng sản xuất.

Về tổng vốn huy động giai đoạn này 7.934 tỷ đồng nhưng mới đạt 24% kế hoạch, trồng mới mới chỉ đạt 1.309.380 ha (26%) kế hoạch so với Nghị quyết 08 của Quốc hội trong khi đã thực hiện một nửa thời gian. Tuy nhiên ở giai đoạn sau 2006 -2010 Chính phủ đã có rút kinh nghiệm điều chỉnh lại chỉ tiêu đã trồng mới 1.149.630 ha  của kế hoạch 1 triệu ha. Tuy vượt kế hoạch nhưng giai đoạn này  đại biểu đề nghị báo cáo Chính phủ cần nêu rõ việc cho thuê đất lâm nghiệp đối với nhà đầu tư nước ngoài còn bất cập gây bức xúc trong dư luận.

Tại kỳ họp Quốc hội khóa XII, Chính phủ đã có văn bản trả lời về việc cho 11 doanh nghiệp nước ngoài thuê tổng diện tích 333.000 ha đất trồng rừng. Theo kiểm tra của Chính phủ, tại thời điểm đó  mới giao 33.000 ha. Chính phủ hứa sẽ dừng vấn đề này, nhưng đến nay số đất đã giao là 288.000 ha (gần đạt mức đã ký).

Theo đại biểu Nguyễn Văn Tuyết, như vậy là Chính phủ không dừng lại việc giao đất rừng này như đã cam kết xem xét điều chỉnh trước Quốc hội. Các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cho biết hướng xử lý vấn đề này.

Về mục tiêu  giữ 3,8 triệu ha đất trồng lúa, đa số các đại biểu đều cho rằng con số địa phương tổng hợp về hiện chỉ còn 3,6 triệu ha. Vì vậy, phải kiên định mục tiêu mới đảm bảo an ninh lương thực. Đại biểu Đỗ Văn Đương, Đặng Thành Tâm thì đề nghị không nên coi con số 3,8 triệu ha là mục tiêu phải giữ mà phải thay bằng chủ trương tiếp tục mở rộng diện tích trồng lúa vì hiện nay biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng mạnh đến nhiều nước trên thế giới và rõ ràng lương thực sẽ tiếp tục là thế mạnh của Việt Nam.

Còn theo đại biểu Võ Thị Dung, Quốc hội cần có nghị quyết về bảo vệ phát triển đất trồng lúa, trồng rừng và có các chính sách đặc thù. Bởi hiện nay, việc lấy đất nông nghiệp để làm sân golf, khu nghỉ dưỡng,… thực tế không mang lại hiệu quả nhưng gây tác động rất lớn đến đời sống của những người mất đất.

Minh Duy

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Cảnh báo người mới

GD&TĐ - Trung Quốc vừa quyết định cấm xuất khẩu kim loại và vật liệu có chứa những nguyên tố hoá học nhất định, trong đó có Gallium và Germanium sang Mỹ.

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.