Không nên để học sinh tự xoay xở khi học trực tuyến

GD&TĐ - Sự cố của em nhỏ 10 tuổi ở Thanh Xuân (Hà Nội) khiến nhiều phụ huynh giật mình bởi không ít người vẫn đang để con tự xoay xở khi học trực tuyến.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Anh Ngô Quang Hưng, phụ huynh học sinh tại quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết: Để phục vụ cho nhu cầu học trực tuyến của 2 con, anh đã mua thêm một bộ máy tính cùng với chiếc laptop có sẵn. Vì trẻ con thường rất hiếu động, anh luôn lưu tâm việc đảm bảo an toàn nguồn điện khi con sử dụng máy tính.

Còn chị Nguyễn Hoài Anh ở quận Đống Đa chia sẻ: Từ lúc con học trực tuyến đến nay, bố mẹ đều phân công nhau ngồi cạnh con để sẵn sàng hỗ trợ, từ chụp ảnh bài tập gửi cho cô giáo đến kiểm tra thiết bị, máy tính. Nguồn điện cũng được gia đình quan tâm, không để ổ điện hở để cho con có thể chọc tay vào.

Bên cạnh đó, cũng có nhiều gia đình không có điều kiện mua sắm những thiết bị đảm bảo an toàn cho con. Trẻ học trực tuyến bằng chiếc điện thoại cũ giá rẻ hoặc laptop cũ phải cắm sạc liên tục khi sử dụng.

Anh Nguyễn Thành Trung ở huyện Thạch Thất bộc bạch: Dù cố gắng nhiều nhưng cũng chỉ đủ tiền để mua cho con một chiếc điện thoại để học trực tuyến. Do là điện thoại cũ nên pin không bền, phải cắm sạc liên tục để sử dụng. Trong thời gian học, máy của cháu bị nóng lên rất nhanh, gây mất an toàn.

Gia đình anh Nguyễn Hồng Hải sống trong một căn hộ nhỏ ở quận Hai Bà Trưng. Bận công tác nên phải xa nhà trường xuyên, không có điều kiện cùng con ngồi học, anh Hải rất lo lắng đến việc đảm bảo an toàn cho cháu khi ở nhà.  

Chia sẻ về sự cố dẫn đến cái chết thương tâm của em nhỏ ở Thanh Xuân (Hà Nội) vừa qua, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa Các Khoa học Giáo dục – Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) nhận định: Tai nạn xảy ra là đáng tiếc nhưng cũng cho thấy tầm quan trọng của việc đồng hành của cha mẹ cùng con cái khi học trực tuyến.

Cha mẹ cần chủ động học hỏi, tìm hiểu thêm về phương pháp sư phạm, cách quản lý cảm xúc và kỷ luật tích cực mà giáo viên vận dụng khi tương tác với con trẻ; nâng cấp năng lực công nghệ thông tin của bản thân để sử dụng và giúp con sử dụng thiết bị an toàn, đặc biệt chú ý đến các thiết bị điện, điện tử.

Với học sinh tiểu học, nếu không có cha mẹ hướng dẫn, kèm cặp, thì rất khó để các con có được những tiết học trực tuyến hiệu quả. Chính vì thế, cha mẹ hãy hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất cho con về sức khỏe như ăn ngủ khoa học để tránh bị uể oải, mệt mỏi khi đang học, cũng như cho con không gian học tập yên tĩnh, không để trẻ bị phân tâm.

Thầy Nguyễn Đình Đức- giáo viên trường THPT Hoài Đức cho rằng, một bộ phận học sinh không tập trung, thường tò mò kiểm tra máy móc, nguồn điện. Chính vì vậy, phụ huynh nếu có thể dành thời gian theo dõi quá trình học của con để đảm bảo không có bất kì hành động lạ nào xảy ra, giảm tối đa các hành động hiếu kì có nguy cơ dẫn đến tai nạn đáng tiếc.

Phụ huynh hãy thường xuyên nhắc nhở, lưu ý con nhỏ về nguy cơ điện giật; đưa ra những cảnh báo hay lời cấm tuyệt đối không tiếp xúc với những nguồn điện như ổ cắm, dây kết nối nguồn điện. Không dùng hay tiếp xúc với các chất dẫn điện. Cần để bé nhận thức rõ nguy hiểm từ việc nảy sinh tò mò với thiết bị điện, từ đó có cách tự bảo vệ bản thân.

Anh Nguyễn Văn Hùng - chuyên gia công nghệ thông tin của Công ty phần mềm FPT chia sẻ: Hiện nay nhiều học sinh học trực tuyến bằng điện thoại trong thời gian dài dẫn đến tình trạng máy bị nóng rất nhanh, dễ xảy ra cháy nỗ. Do đó khi mua sắm thiết bị, phụ huynh đặc biệt lưu tâm đến vấn đề này.

Thêm vào đó, nhiều học sinh sử dụng laptop cũ, trong quá trình học trực tuyến thời gian dài phải kết nối với nguồn điện, cũng rất dễ gây ra cháy nổ. Do vậy, trước khi con bắt đầu buổi học trực tuyến, bố mẹ nên kiểm tra thiết bị điện, điện tử đã đóng cắt điện đúng cách chưa, yêu cầu con giữ khoảng cách với nguồn điện, đặc biệt tuyệt đối không dùng các đồ dùng như dao, kéo để chọc vào ổ điện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...