Không chỉ nghe cô giáo giảng bài rồi làm bài tập, học sinh còn được tham gia các trò chơi hấp dẫn, trả lời những câu hỏi liên quan đến bài học. Không chỉ khai thác hết mức có thể phần mềm giảng dạy để học sinh không cảm thấy nhàm chán và luôn luôn được thay đổi hoạt động, giáo viên còn sử dụng 2 màn hình máy tính để có thể duy trì việc cô trò thấy mặt nhau trong suốt tiết học.
Cô Nguyễn Thị Hằng – Giáo viên Trường Tiểu học Tân Định (quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: Khó khăn lớn nhất của việc dạy học trực tuyến là cô trò không thể trực tiếp nhìn mặt nhau và trực tiếp tương tác. Do đó, buộc giáo viên phải đổi mới, sáng tạo trong bài giảng để thu hút, duy trì sự hứng thú học tập của học sinh.
“Vẫn là hình thức yêu cầu các con đọc bài nhưng sẽ phải chia nhóm, chia đội các con trên Zoom, thiết kế trò chơi trên slide như lựa chọn ô, trả lời các câu hỏi, kích thích sự hào hứng của trẻ. Các bạn nhỏ rất thích trò chơi kể cả học trực tiếp hay trực tuyến nên giáo viên cần đẩy mạnh sự tương tác lên từng slide bài giảng của mình” - cô Hằng nói.
Khẳng định việc học trực tuyến đem lại hiệu quả cao trong mùa dịch, cô Bạch Thị Thanh Huyền – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết: Để tổ chức một lớp học nghiêm túc nhưng cũng đầy sôi nổi, hào hứng với các hoạt động học tập hiệu quả, các giáo viên cần không ngừng học hỏi, đổi mới.
Nhờ không ngừng đổi mới cả về phương pháp lẫn kỹ thuật dạy học, các thầy cô đã biến sự “cứng nhắc” của thiết bị công nghệ trở nên “mềm hóa”. Nội dung bài giảng của các môn học được các thầy cô giáo truyền tải tới học sinh qua nhiều hình thức, phù hợp với từng môn học như sử dụng bài giảng điện tử kết hợp tương tác với người học qua phần mềm Zoom và lồng ghép các video clip hướng dẫn.
Để tạo sự hứng thú cho học sinh, các thầy cô đã đầu tư nghiên cứu, soạn công phu bài giảng, làm mới phương pháp dạy, thiết kế trò chơi và phần trả lời để giờ học trực tuyến không còn nhàm chán, thụ động. Vì vậy, không khí của mỗi lớp học luôn sôi nổi, vui vẻ…