Không để phân tán nguồn lực

GD&TĐ - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT vừa ban hành Thông tư 05/2023 về quy chế tổ chức và hoạt động của trường THPT chuyên.

Ảnh minh họa Internet.
Ảnh minh họa Internet.

Một trong những điểm đáng chú ý của thông tư là không tổ chức lớp không chuyên trong trường chuyên.

Lớp không chuyên trong trường chuyên có thể xem như sản phẩm đặc thù của nhiều trường THPT chuyên trong thời gian qua. Các trường chuyên được phép mở lớp không chuyên, học sinh được học chương trình như các trường ngoài nhưng sử dụng cơ sở vật chất, đội ngũ của trường. Số học sinh trong lớp không chuyên không được vượt quá 20% tổng số học sinh của trường. Sĩ số không quá 45 học sinh/lớp.

Tính đến nay, cả nước có khoảng 78 trường chuyên, trong đó có 7 trường thuộc đại học, còn lại thuộc các tỉnh thành. Gần một nửa trong tổng số trường chuyên trên cả nước có mở lớp không chuyên với các tên như cận chuyên, chất lượng cao… Trong đó đa số trường chuyên khối đại học, 2/2 trường chuyên của Sở GD&ĐT TPHCM, 2/4 trường chuyên của Sở GD&ĐT Hà Nội có mở lớp không chuyên.

Hệ không chuyên tồn tại có những lí do lịch sử của nó. Hằng năm, đặc biệt ở khu vực mật độ dân số cao luôn có một lượng thí sinh cận điểm trúng tuyển, khát khao được học ở trường chuyên. Một số ít trong các học sinh này trong quá trình học đã có sự nỗ lực vượt trội, được chuyển qua lớp chuyên hoặc vào các đội tuyển quốc gia.

Các lớp không chuyên cũng đã góp phần khai thác, sử dụng hiệu quả đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất, thiết bị của nhà trường. Đặc biệt, ở một số trường chuyên khối đại học, nguồn tài chính thêm dồi dào khi được thu học phí (tương đối cao) từ đối tượng học sinh không chuyên, góp phần cải thiện hoạt động giáo dục, tăng thu nhập cho đội ngũ.

Nhìn nhận khách quan, các lớp không chuyên trong trường chuyên đã có những đóng góp nhất định cho công tác giáo dục với học sinh có học lực khá. Tuy vậy thực tế cho thấy, việc tồn tại lớp không chuyên trong trường chuyên cũng tạo ra nhiều bất cập. Trường chuyên được Nhà nước đầu tư nguồn lực cùng nhiều chính sách ưu đãi với mục tiêu riêng.

Việc mở lớp không chuyên khiến nguồn lực không tập trung, ngân sách đầu tư đến chưa đúng đối tượng thụ hưởng. Việc phân công giáo viên dạy cả lớp chuyên và không chuyên tạo nên sự chồng chéo, bất hợp lí trong chi trả phụ cấp ưu đãi theo Nghị định 61/2006/NĐ-CP.

Lớp không chuyên cũng có phần làm giảm chất lượng học tập của học sinh chuyên, đồng thời tiềm ẩn nhiều yếu tố tiêu cực trong tuyển sinh đầu vào. Nguyên tắc bình đẳng, không phân biệt đối xử trong giáo dục ít nhiều bị ảnh hưởng, khi học sinh hệ không chuyên thường bị định kiến là “công dân hạng hai”. Đây cũng là những lí do mà thời gian qua, dù được phép nhưng nhiều Sở GD&ĐT không mở lớp không chuyên trong trường chuyên, hoặc sau thời gian mở thí điểm thấy không hiệu quả, đã quyết định dừng.

Quy định không mở lớp không chuyên trong trường chuyên của Bộ GD&ĐT đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo cán bộ quản lý, nhà giáo và những ai quan tâm đến sự nghiệp đào tạo nhân tài của nước nhà, bởi mục tiêu giáo dục trường chuyên rất khác biệt, đó là phát hiện, bồi dưỡng tài năng. Nếu mục tiêu phân tán, không chỉ khó tập trung nguồn lực mà còn dễ phát sinh các vấn đề phức tạp, tiêu cực trong công tác quản lý.

Thế nhưng việc thay đổi cũng cần có lộ trình để học sinh THCS biết và có sự chuẩn bị. Vì thế Thông tư 05/2023 quy định việc tuyển sinh vào các lớp không chuyên của trường THPT chuyên theo quy định tại Thông tư số 06/2012/TT-BGDĐT và Thông tư số 12/2014/TT-BGDĐT được thực hiện đến hết năm học 2023 - 2024.

Khởi động mùa tuyển sinh năm học 2023 - 2024 nhiều trường chuyên vẫn tranh thủ “chuyến tàu cuối” mở lớp không chuyên, việc này không có gì bất thường hay trái quy định. Tuy vậy, các trường cũng cần sớm có kế hoạch thực hiện theo Thông tư 05/2023 của Bộ, để trường THPT chuyên hoạt động đúng sứ mệnh, mục tiêu đề ra.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ