Linh hoạt tổ chức lớp không chuyên trong trường chuyên

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Bộ GD&ĐT vừa công bố lấy ý kiến góp ý về Dự thảo quy chế tổ chức và hoạt động của trường THPT chuyên.

Hoạt động giáo dục tại Trường THPT chuyên Vĩnh Phúc.
Hoạt động giáo dục tại Trường THPT chuyên Vĩnh Phúc.

Điểm đáng chú ý là đề xuất không tổ chức lớp không chuyên trong trường chuyên. Góp ý cho dự thảo, một số ý kiến cho rằng, việc tổ chức lớp không chuyên trong trường chuyên cần linh hoạt theo từng địa phương.

Từ kinh nghiệm thực tiễn

Dự thảo Thông tư Ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường trung học phổ thông chuyên, Khoản 1, Điều 8, có nêu: “…Không tổ chức lớp không chuyên trong trường chuyên”.

Sau khi dự thảo được công bố, có nhiều ý kiến đồng ý với quan điểm của Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, một số địa phương có “kinh nghiệm” tổ chức lớp không chuyên trong trường chuyên lại đưa ra quan điểm khác. Cụ thể, việc tổ chức lớp không chuyên cần linh hoạt theo từng địa phương để tận dụng cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên chất lượng cao.

Trường THPT chuyên Vĩnh Phúc được đánh giá có cơ sở vật chất tốt. Bên cạnh đó, đây cũng là một trong những trường có thành tích nổi bật về số lượng học sinh giỏi quốc gia và quốc tế. Hiện, mỗi khối Trường THPT chuyên Vĩnh Phúc có 13 lớp chuyên và 2 lớp phổ thông.

Góp ý về nội dung “Không tổ chức lớp không chuyên trong trường chuyên” trong dự thảo Thông tư của Bộ GD&ĐT, thầy Hoàng Mạnh Du - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Vĩnh Phúc - cho rằng, vẫn nên có lớp phổ thông (không chuyên) ở trường THPT chuyên ở mức tỷ lệ nhất định.

“Thực tế cho thấy, những năm gần đây, các lớp phổ thông có nhiều em đạt học bổng du học với giá trị cao. Nhiều em đỗ vào các trường đại học tốp đầu như Bách khoa, Ngoại thương, Kinh tế Quốc dân, Trường Quốc tế VinUni, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV)...” - thầy Hoàng Mạnh Du cho biết thêm.

Theo thầy Hoàng Mạnh Du, việc tổ chức lớp phổ thông trong trường chuyên sẽ tận dụng được cơ sở vật chất tốt, lực lượng đội ngũ giỏi để giảm bớt gánh nặng quá tải cho các trường THPT trên địa bàn, đáp ứng nhu cầu của nhân dân.

Bên cạnh đó, các em đỗ vào lớp THPT có điểm tiệm cận với lớp chuyên, được hướng tới sự giáo dục toàn diện, có cơ hội nhận được học bổng của các trường đại học danh tiếng trên thế giới.

Hơn nữa, các em dự thi vào THPT chuyên có tư duy, năng lực tốt nên được học tập trong một môi trường tốt là điều kiện để phát huy tốt nhất phẩm chất và năng lực của mình.

Học sinh Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam. Ảnh minh họa/ INT.
Học sinh Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam. Ảnh minh họa/ INT.

Đáp ứng nhu cầu người học

Góp ý về dự thảo Thông tư này, ngày 24/10, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ Phùng Quốc Lập đã ký Văn bản số 1579 gửi Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT).

Theo đó, sau khi tổ chức nghiên cứu, Sở GD&ĐT Phú Thọ đề nghị sửa Khoản 1, Điều 8 dự thảo Thông tư từ “1. Lớp học trong trường chuyên được tổ chức theo các môn học trong chương trình giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, bao gồm: Toán, Tin học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Ngoại ngữ 1. Không tổ chức lớp không chuyên trong trường chuyên” thành “1. ...Ngoài các lớp chuyên, có thể có các lớp không chuyên”. Ngoài ra, các nội dung khác vẫn giữ nguyên như dự thảo.

Theo đại diện Sở GD&ĐT Phú Thọ, nhu cầu học sinh học trường chuyên rất lớn, tuy nhiên để có điều kiện đảm bảo các chế độ cho học sinh chuyên, hiện đa số các địa phương đều quy định mỗi môn chỉ có 1 lớp chuyên. Hơn nữa, việc có các lớp không chuyên trong trường chuyên sẽ góp phần khai thác, sử dụng hiệu quả đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất, thiết bị của nhà trường.

Cũng về nội dung này, theo anh Phạm Khắc Lâm (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc), Bộ GD&ĐT tiếp tục cho mở các lớp không chuyên trong trường chuyên. Bởi lẽ, hàng năm có nhiều học sinh đăng ký dự thi và mong muốn được học hệ không chuyên.

“Ở lớp không chuyên, các em được học với thầy cô có chuyên môn cao trong khi không phải chịu áp lực cho một môn chuyên đã lựa chọn. Như vậy, các em sẽ phát triển toàn diện hơn. Đặc biệt, môi trường học ở trường chuyên rất khác biệt, trò đều chăm học nên sẽ tạo động lực để học sinh không chuyên tự ý thức, phấn đấu vươn lên trong học tập” - anh Phạm Khắc Lâm nhấn mạnh.

Dự thảo Thông tư của Bộ GD&ĐT Ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường trung học phổ thông chuyên. Trong đó, lớp học trong trường chuyên phải được tổ chức theo các môn học trong chương trình giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo ban hành, gồm Toán, Tin học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Ngoại ngữ 1. Mỗi lớp chuyên không quá 35 học sinh.

Trên cơ sở các điều kiện bảo đảm chất lượng và đề nghị của hiệu trưởng trường chuyên, cơ quan quản lý trực tiếp trường chuyên quyết định số môn chuyên và số lớp chuyên đối với từng môn chuyên.

Bộ GD&ĐT nhận góp ý về dự thảo Thông tư này từ ngày 17/10 đến hết ngày 17/12.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ