‘Không có kinh nghiệm’ nên viết CV thế nào?

GD&TĐ - Lê Tuấn Anh – Tốt nghiệp ngành Truyền thông tại ĐH RMIT, hiện là chuyên viên tư vấn hướng nghiệp tự do tại TP Hồ Chí Minh – từ những trải nghiệm cá nhân đã chia sẻ bí quyết viết hồ sơ xin việc (CV) cho những bạn ‘chưa có kinh nghiệm’ và còn ‘ít kinh nghiệm’ có thể tận dụng tốt nhất những gì đang có để có một CV ấn tượng với nhà tuyển dụng.

‘Không có kinh nghiệm’ nên viết CV thế nào?
‘Không có kinh nghiệm’ nên viết CV thế nào?

Những thông tin cơ bản

Đây là những thông tin cần có cho một CV hoàn chỉnh. Tối thiểu phải có thông tin liên lạc, kinh nghiệm và học vấn. Những cái khác có thể có hoặc không, tuỳ nơi bạn ứng tuyển.

- Thông tin cá nhân (Personal Information). Thông tin này bắt buộc phải có email, tên và số điện thoại. Tùy nơi có thể có thêm địa chỉ, ảnh đại diện và ngày tháng năm sinh. Ngoài ra có thể có một phần là ‘Career Summary’- tóm tắt định hướng nghề nghiệp của bạn.

- Kinh nghiệm làm việc:  Có thể chia ra làm 2 phần: Kinh nghiệm làm việc và Kinh nghiệm làm tình nguyện.

- Học vấn: Chỉ cần nêu tên trường đại học, ngành bạn học. Có thể nêu thêm một số khoá học bổ sung về kĩ năng…

- Kĩ năng: Liệt kê các kĩ năng của bạn. Bao gồm kĩ năng mềm như giao tiếp, thuyết trình, etc và kĩ năng kĩ thuật như sử dụng Microsoft Office, vẽ trên Photoshop, etc...

- Tham khảo (References): Là tên, chức vụ, công ty và số điện thoại của người từng là lãnh đạo của bạn.

Hai giải pháp trình bày phần kinh nghiệm làm việc trong CV

Theo Tuấn Anh, dù bạn có kinh nghiệm hay không, bạn vẫn phải đề cập đến chủ đề này vào CV. Tuấn Anh đề xuất 2 giải pháp cho phần này như sau:

Giải pháp tạm thời

Giả sử bạn chưa hề có kinh nghiệm làm việc, hãy viết về các hoạt động tình nguyện, các câu lạc bộ tại trường mà bạn đã tham gia. Có người sẽ đặt câu hỏi: Nếu tôi không tham gia các CLB nào thì sao? Vậy hãy viết về những hoạt động nhóm của bạn khi làm bài, những dự án bài vở của bạn có liên quan đến công việc bạn đang ứng tuyển.

Ví dụ, một công ty đang cần tuyển vị trí trợ lý marketing, đòi hỏi có kiến thức chuyên ngành, kĩ năng giao tiếp, lãnh đạo và làm việc nhóm. Bạn có thể liệt kê trong kinh nghiệm của mình về sự tham gia của bạn trong nhóm Marketing, của một tổ chức tình nguyện ABC, nhiệm vụ của bạn là làm việc với một nhóm để nghĩ ra các ý tưởng...

Tuấn Anh lưu ý: Việc liệt kê các hoạt động tình nguyện và bài tập ở trường như kinh nghiệm sẽ có hiệu quả, nếu những hoạt động đó thực sự liên quan và nhà tuyển dụng thấy được bạn đã làm gì trong các hoạt động đó. Vì vậy, khi liệt kê bạn hãy:

- Thật cụ thể, chi tiết vai trò bạn đã làm trong công việc đó.

- Sử dụng các số liệu cụ thể để chứng minh.

- Bắt đầu mỗi gạch đầu dòng với các động từ mạnh để gây ấn tượng.

Giải pháp lâu dài

Từ những trải nghiệm cá nhân, Tuấn Anh nhận định: Với các bạn sinh viên mới, việc các bạn thổ lộ rằng mình chưa có kinh nghiệm, có thể chấp nhận được.

Tuy nhiên, với các bạn sinh viên sau 3-4 năm trong ghế nhà trường, việc các bạn nói với nhà tuyển dụng rằng bạn không có kinh nghiệm nào sẽ làm bạn mất điểm trầm trọng. Câu hỏi mà nhà tuyển dụng đặt ra trong đầu sẽ là: Vậy 3,4 năm qua bạn đã làm gì? Chắc là bạn phải học chăm chỉ lắm, liệu bạn có đạt GPA 4.0 không?

Vì vậy, hãy bắt đầu tự tạo cho mình kinh nghiệm ngay: Hãy tham gia các CLB, tìm một vài tổ chức tình nguyện và xin làm việc.

Theo Tuấn Anh, các bạn có thể tìm cơ hội thực tập ở một số công ty nhỏ, xin làm việc không lương ở công ty mà bạn thích. Qua các công việc đó, kinh nghiệm bạn học được không chỉ là kĩ năng chuyên môn, mà còn là các kĩ năng làm việc khác như giao tiếp, các mối quan hệ, cách sử dụng các phần mềm thông dụng, cách thuyết trình, cách quản lý một buổi họp…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.