Ngày 8/6, Bệnh viện K (Hà Nội) vừa thông tin về trường hợp nữ bệnh nhân nhập viện với khối u “khổng lồ” tại vùng môi miệng.
Dù đã phát hiện khối u từ 3 năm trước, nhưng bệnh nhân không tới viện để thăm khám, mà tự điều trị bằng phương pháp thực dưỡng.
Bệnh nhân là bà T.T.Y. (64 tuổi, trú tại Hoằng Hợp, Hoằng Hóa, Thanh Hóa). Bà đến khám tại Bệnh viện K cơ sở Tân Triều khi có tổn thương sùi lớn chiếm toàn bộ vùng môi, miệng.
Khối u có chảy máu, mủ, hình thái gây mất thẩm mỹ.
Kết quả phim chụp cắt lớp vi tính cho thấy, khối u vùng môi dưới kích thước lớn 15x20cm (tương đương như một cây súp lơ), u xâm lấn xương hàm dưới, sàn miệng, lưỡi, di căn nhiều hạch cổ hai bên kích thước 2 - 3cm.
Bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân nhập viện với chẩn đoán ung thư môi.
Theo chia sẻ của bệnh nhân, u xuất hiện khoảng 3 năm nay, kích thước tăng dần.
Bệnh nhân không đến bệnh viện mà ăn thực dưỡng để ngăn chặn sự phát triển khối u. Sức khỏe bà Y. ngày càng suy kiệt, tình trạng khối u không thuyên giảm, mà kích thước ngày càng tăng.
TS.BS Ngô Xuân Quý, Trưởng khoa Ngoại đầu cổ Bệnh viện K cho biết, bệnh nhân không đi khám, đến khi u quá lớn, có dấu hiệu ngày càng to nhanh, hình thù quá mất thẩm mỹ, không thể ăn uống thì mới tới Bệnh viện K.
“Đây là điều đáng tiếc bởi nếu như bệnh nhân Y. không theo chế độ thực dưỡng mà đi khám sớm hơn, tìm tới y học hiện đại và kết hợp các phương pháp thì việc điều trị sẽ đơn giản hơn rất nhiều. Bệnh nhân cũng sẽ không phải trải qua một thời gian dài sống trong tự ti, mặc cảm vì khối u khổng lồ như vậy”, bác sĩ Quý chia sẻ.
Ngày 1/6, các bác sĩ tại Bệnh viện K đã phẫu thuật cho bệnh nhân, cắt rộng tổn thương. Toàn bộ khối u và khối hạch di căn vùng cổ đã được cắt bỏ.
Sau mổ, sức khỏe bệnh nhân ổn định bình thường, có thể ăn uống, nói chuyện sau ít ngày. Bệnh nhân sẽ tiếp tục được theo dõi, điều trị và mổ tạo hình về sau.
Theo chuyên gia, thực dưỡng là một chế độ ăn được nhiều người áp dụng trong những năm gần đây. Nhiều người cho rằng, chế độ ăn này có thể điều trị cả căn bệnh ung thư.
Song, thực tế, đến nay, không có cơ sở khoa học, nghiên cứu nào chứng minh và công nhận thực dưỡng là một phương pháp điều trị ung thư.
Cũng không có nghiên cứu chính thức nào cho thấy chế độ thực dưỡng hữu ích đối với người bệnh. Việc nhiều người bệnh giữ niềm tin vào quan điểm này là sai lầm, không mang tính khoa học.
Hiện tại, với các phác đồ đa mô thức được áp dụng như phẫu thuật, hoá xạ trị, điều trị miễn dịch, điều trị đích, ngay khi thấy có dấu hiệu bất thường của cơ thể, bệnh nhân nên tới thăm khám chuyên khoa.
Chuyên gia của Bệnh viện K khuyến cáo người dân không nên cả tin vào lời truyền miệng để “tiền mất, tật mang” như trường hợp bệnh nhân Y.