Bệnh nhân tên T.H. (65 tuổi, địa chỉ ở Sóc Trăng) được tuyến trước chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ lúc 22h50 phút 4/1 với chẩn đoán u ác tính của lưỡi xuất huyết - rối loạn đông máu.
Tình trạng lúc vào viện huyết áp thấp, mạch nhanh, da niêm nhạt, chóng mặt, miệng có nhiều máu đông màu đen, máu đỏ tươi đang chảy ra từ miệng. Bệnh nhân phát hiện bị u ác tính ở lưỡi cách đây khoảng 2 năm và đang điều trị.
Cách nhập viện khoảng 20 giờ, bệnh nhân chảy máu miệng, mũi lượng nhiều, khó cầm nên được người nhà đưa đến cơ sở y tế địa phương xử trí cấp cứu. Tình trạng chảy máu tái phát được xử trí cầm máu truyền máu và nhanh chóng chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương điều trị.
Do có thông tin thông báo từ tuyến trước, ê kíp can thiệp nội mạch đã chuẩn bị sẵn sàng nên khi bệnh nhân vừa đến bệnh viện, bệnh nhân được xử trí cấp cứu.
Kết quả ghi nhận nhiều nhánh tân sinh mạch vùng hầu – họng – lưỡi được cấp máu từ nhánh của động mạch cảnh ngoài hai bên, chọn lọc vị trí có tân sinh mạch tiến hành bơm tắc bằng hạt nhựa (PVA-polyvinyl alcohol), kiểm tra thấy tắc hoàn toàn sau 80 phút can thiệp.
Tình trạng huyết động ổn. Hiện tại bệnh nhân tỉnh, không chảy máu tái phát, dự kiến ra viện trong vài ngày tới.
Theo y văn, đây được xem là phương pháp điều trị có hiệu quả cao, nhanh chóng và xâm lấn tối thiểu.
Trong những năm gần đây, tỷ lệ ứng dụng can thiệp nội mạch trong điều trị u vùng đầu mặt cổ ngày càng tăng, đặc biệt trong các trường hợp chảy máu cấp tính, nhờ sự phát triển về kỹ thuật và dụng cụ can thiệp cũng như các vật liệu nút mạch.
Chảy máu cấp tính là một biến chứng nặng nề đối với những bệnh nhân ung thư vùng đầu mặt cổ. Điều trị can thiệp nội mạch là một phương pháp có hiệu quả cao, tỷ lệ thành công 70-99% .
Tuy nhiên, đây được xem là kĩ thuật cao, đòi hỏi phải có hệ thống máy móc chuyên dụng và các nhân sự được đào tạo bài bản, nhiều kinh nghiệm.