Khối sư phạm tổ chức chung kỳ thi đánh giá năng lực độc lập: Chọn thầy giỏi

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Thực hiện cơ chế tự chủ, các cơ sở giáo dục đại học có thể chủ động hợp tác, liên kết tổ chức kỳ thi để xét tuyển, nhằm đáp ứng yêu cầu riêng.

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực chuyên biệt tại Trường ĐH Sư phạm TPHCM năm 2022. Ảnh minh họa
Thí sinh dự thi đánh giá năng lực chuyên biệt tại Trường ĐH Sư phạm TPHCM năm 2022. Ảnh minh họa

Trên cơ sở đó, nhiều chuyên gia đề xuất, nên chăng, hệ thống trường sư phạm kết hợp với nhau để tổ chức chung một kỳ thi đánh giá năng lực độc lập.

Cần thiết

Thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và lộ trình đổi mới tuyển sinh, từ nay đến năm 2025, các trường được tự chủ cao trong tuyển sinh gồm: Thi tuyển, xét tuyển và kết hợp thi tuyển - xét tuyển. Theo đó, năm 2022, nhiều trường đã tổ chức các kỳ thi riêng như thi đánh giá năng lực; thi đánh giá năng lực chuyên biệt, đánh giá tư duy… để xét tuyển đại học. Trong số đó, một số trường sư phạm cũng tổ chức kỳ thi tương tự để xét tuyển.

Từ thực tiễn khách quan, đại diện cơ sở đào tạo giáo viên đề xuất, nên chăng các trường sư phạm liên kết với nhau tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực độc lập để xét tuyển theo yêu cầu riêng của từng trường. PGS.TS Nguyễn Thành Nhân - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế) nhấn mạnh, tổ chức kỳ thi dành riêng cho hệ thống các trường sư phạm là hợp lý, phù hợp với bối cảnh tự chủ đại học và lộ trình đổi mới tuyển sinh.

Thí sinh tham dự Kỳ thi đánh giá năng lực của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức năm 2022. Ảnh: NTCC

Thí sinh tham dự Kỳ thi đánh giá năng lực của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức năm 2022. Ảnh: NTCC

Theo PGS.TS Nguyễn Thành Nhân, năm 2022, Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh và Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã tổ chức thành công Kỳ thi đánh giá năng lực. Đơn cử như Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, dù là phương án tuyển sinh riêng của trường nhưng kỳ thi đã thu hút hơn 2.300 thí sinh tham gia.

Báo cáo của nhà trường cho thấy, trường đã huy động 200 chuyên gia, giảng viên biên soạn 300 câu hỏi tự luận, 5.000 câu hỏi trắc nghiệm. Từ ngân hàng câu hỏi nguồn, biên soạn 9 đề thi chính thức và 9 đề thi dự bị. Riêng môn Tiếng Anh thi hai ca khác nhau.

“Đây là tiền đề, cơ sở thực tiễn để chúng ta có thể tự tin “chung tay” tổ chức một kỳ dành cho hệ thống các trường sư phạm trong xét tuyển đại học” - PGS.TS Nguyễn Thành Nhân trao đổi, đồng thời gợi mở: Với kỳ thi này, thí sinh cả nước có thể đăng ký tham gia nhưng không nhất thiết phải về Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh để dự thi. Theo đó, thí sinh ở vùng miền nào sẽ dự thi ở đó. “Chẳng hạn, thí sinh ở Thừa Thiên - Huế sẽ dự thi tại Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế)” - PGS.TS Nguyễn Thành Nhân viện dẫn.

Nâng cao chất lượng đầu vào

Đồng quan điểm, TS Trịnh Đình Vinh – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 cho rằng, việc các trường sư phạm tổ chức chung một kỳ thi đánh giá năng lực sẽ có nhiều thuận lợi. Chẳng hạn, các trường có đội ngũ chuyên gia, giảng viên giỏi nên không khó để xây dựng ngân hàng đề thi.

Ngoài ra, mỗi trường sẽ tuyển sinh được những thí sinh phù hợp với yêu cầu và tính chất đặc thù của nghề dạy học. Ngoài hệ thống trường sư phạm, cơ sở giáo dục đại học khác cũng có thể sử dụng kết quả của kỳ thi này để xét tuyển (nếu thấy phù hợp).

Thí sinh thi năng lực vào Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh. Ảnh: INT

Thí sinh thi năng lực vào Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh. Ảnh: INT

Ủng hộ phương án tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực dành riêng cho hệ thống các trường sư phạm, PGS.TS Bùi Đức Nguyên – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm (ĐH Thái Nguyên) bày tỏ: Ý tưởng này có thể trở thành hiện thực nếu các trường quyết tâm và cùng “bắt tay” vào việc.

PGS.TS Bùi Đức Nguyên phân tích, Kỳ thi tốt nghiệp THPT nhằm mục đích xét tốt nghiệp cho học sinh lớp 12. Do tính chất của kỳ thi như vậy nên đề thi sẽ có mức độ phân hóa vừa phải để bảo bảo mục tiêu chung. Bởi vậy, bên cạnh phương án sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT, cơ sở giáo dục đại học cũng áp dụng nhiều phương thức xét tuyển khác; trong đó có kỳ thi đánh giá năng lực. Tuy nhiên, nếu mỗi trường tổ chức một kỳ thi sẽ tốn kém, gây lãng phí và dễ khiến thí sinh bị rối. Vì vậy, việc các trường kết hợp lại với nhau để tổ chức thi tuyển là hợp tình, hợp lý.

Với tính chất đặc thù của các trường sư phạm nên hàng năm Bộ GD&ĐT quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với lĩnh vực đào tạo giáo viên. Từ thực tiễn này, TS Trần Bá Tiến – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Vinh trao đổi, cần thiết xây Đề án tổ chức kỳ thi độc lập đánh giá năng lực xét tuyển đại học hệ chính quy cho các trường thuộc hệ thống sư phạm. Đây cũng là giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đầu vào và chất lượng đào tạo của trường sư phạm.

Mục đích của kỳ thi nhằm đa dạng hóa phương thức tuyển sinh; gia tăng cơ hội trúng tuyển và phân loại tốt hơn năng lực của các thí sinh để tuyển chọn được sinh viên phù hợp nhóm ngành đào tạo trình độ đại học. Các trường cũng lựa chọn được sinh viên có khả năng hoàn thành chương trình đào tạo mà thí sinh có nguyện vọng xét tuyển. Tuy nhiên, việc tổ chức kỳ thi nên gọn nhẹ, bảo đảm hài hòa lợi ích của thí sinh.

Để tránh tình trạng “trăm hoa đua nở”, TS Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, các kỳ thi phục vụ xét tuyển do cơ sở đào tạo tự tổ chức, hoặc do một nhóm cơ sở đào tạo tổ chức và giao cho một đơn vị chủ trì - phải bảo đảm đủ năng lực về đội ngũ, cơ sở vật chất và các điều kiện khác để tổ chức kỳ thi khách quan, nghiêm túc. Theo đó, cơ sở đào tạo phải xây dựng quy chế thi và đề án tổ chức thi; tất cả phải được công bố công khai. Ngoài ra, cơ sở đào tạo xây dựng được ngân hàng đề thi, quy chế thi rõ ràng, chặt chẽ.

Bộ GD&ĐT khuyến khích trường đại học chủ động hợp tác, liên kết tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực, kiểm tra tư duy tại địa phương; tổ chức xét tuyển chung nhằm đáp ứng yêu cầu riêng của từng cơ sở đào tạo. Đồng thời, tạo mọi điều kiện cho thí sinh, tránh đi lại tốn kém hoặc phải tham dự nhiều kỳ thi. Bộ cũng tính toán phương án xây dựng và tiến tới hình thành các trung tâm khảo thí chuyên nghiệp của cơ sở giáo dục đại học và trung tâm khảo thí độc lập.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ