Nhà trường chuẩn bị gì
Bộ GD&ĐT vừa hoàn tất việc giao chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường đào tạo giáo viên dựa trên thông tin đăng ký. So với năm ngoái, chỉ tiêu nhiều trường và nhiều ngành tăng khá nhiều. Số liệu thống kê cho thấy: Chỉ tiêu tuyển sinh năm 2020 của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 tăng từ 2.012 lên 3.140 chỉ tiêu; Trường ĐH Sư phạm TPHCM năm nay tăng hơn 1.000 chỉ tiêu nâng tổng số lên 5.000… tại Trường ĐH Cần Thơ, theo PGS. TS Trần Thị Thanh Hiền, Phó Hiệu trưởng nhà trường, Bộ tăng thêm 1.150 chỉ tiêu cho 13 ngành đào tạo sư phạm, nâng tổng chỉ tiêu tuyển sinh của khối ngành này lên 1.500.
PGS. TS Trần Thị Thanh Hiền cho biết: Việc tăng chỉ tiêu cho các trường ĐH trọng điểm cả nước nói chung và Trường ĐH Cần Thơ nói riêng nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo giáo viên phục vụ Chương trình giáo dục phổ thông mới của đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.
Theo GS Huỳnh Văn Sơn - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM, việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh xuất phát từ cơ sở dữ liệu điều tra thực tiễn tình hình đội ngũ giáo viên và năng lực của đội ngũ giảng viên tại trường cùng các điều kiện bảo đảm chất lượng. Ngoài ra, việc làm của sinh viên khi tốt nghiệp cũng là một trong những lý do khiến các trường tăng chỉ tiêu… Vì thế, việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh này mang tính định hướng và có những điểm đến nhất định.
Song song với vấn đề về thực tiễn tuyển sinh và kinh nghiệm đào tạo, Trường ĐH Sư phạm TPHCM đã có sự chuẩn bị hướng đến công tác bảo đảm chất lượng và nâng cao hiệu quả đào tạo.
"Nhà trường điều chỉnh chương trình đào tạo các ngành định kỳ và theo tiêu chuẩn hướng đến. Đồng thời, có sự đánh giá chuyên biệt về chuẩn đạt được của sinh viên tốt nghiệp so với chuẩn đầu ra và chuẩn nghề nghiệp mới… Ngoài ra, trường thực hiện thu thập dữ liệu phản hồi của người sử dụng lao động nhất là lãnh đạo ngành Giáo dục, trực tiếp sử dụng lao động. Cùng với đó, là việc tiến hành rà soát đội ngũ giảng viên, thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo từ đội ngũ và kiểm tra cơ sở vật chất trong đào tạo, nhất là các học phần nghiệp vụ sư phạm…" - GS Huỳnh Văn Sơn chia sẻ.
Không còn "miễn học phí" sao lại tăng chỉ tiêu?
Theo lộ trình, từ 1/7, SV sư phạm không còn được miễn học phí như trước đây mà thay vào đó là những khoản vay tín dụng với những ràng buộc chặt chẽ hơn. Nhiều ý kiến cho rằng điều này làm giảm ít nhiều tính hấp dẫn của lĩnh vực sư phạm.
Từ thực tiễn đào tạo, GS Huỳnh Văn Sơn cho rằng: "SV sư phạm không được miễn học phí như trước đây, vậy lĩnh vực sư phạm mất đi sức hấp dẫn hay không, chúng tôi đã có nghiên cứu có liên quan. Kết quả cho thấy: Chính sách miễn học phí dành cho SV sư phạm đã đóng góp và thể hiện vai trò một cách tích cực và thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình. Hiện nay, xã hội có những thay đổi và chuyển biến nên cần có cái nhìn biện chứng. Không thể phủ nhận vẫn còn những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, nhưng không vì thế mà chúng ta cho rằng chính sách này là duy nhất. Thực tế, những quỹ cho sinh viên vay vẫn tồn tại".
Theo GS Huỳnh Văn Sơn, quy định chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt cho học sinh, sinh viên sư phạm đã dự thảo và chuẩn bị ban hành. "Tôi có cơ hội phản biện và nhận thấy dự thảo quy định chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt cho học sinh, sinh viên sư phạm khá hiệu quả và có thể thay thế chính sách sinh viên sư phạm được miễn học phí như trước đây. Hơn nữa, với việc đào tạo theo định hướng sử dụng, đặt hàng, sinh viên sư phạm sẽ có cơ hội việc làm cụ thể. Vì thế, nếu các trường sư phạm có thực lực, chuẩn bị kỹ sẽ bảo đảm hiệu quả đào tạo và gia tăng cơ hội việc làm cho sinh viên" - GS Huỳnh Văn Sơn chia sẻ.
Ở một khía cạnh khác, PGS.TS Lưu Trang - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) cho rằng: Nhu cầu giáo viên thời gian tới khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới rất lớn. Việc Bộ GD&ĐT tham gia điều tiết chỉ tiêu đào tạo sư phạm là cần thiết. Tuy nhiên, với cách điều tiết này, tổng thể cả nước có thể không thừa giáo viên nhưng vẫn có thể diễn ra tình trạng thừa, thiếu ở từng vùng miền, các môn cụ thể.
Để giải quyết căn cơ bài toán này, cần tiến tới phân vùng tuyển sinh các trường sư phạm gắn kết với từng địa phương cụ thể. Khi đó, trường được giao nhiệm vụ đào tạo theo nhu cầu địa phương, địa phương cam kết sử dụng nhân lực của trường đó. Khi đó mới không xảy ra tình trạng sinh viên ra trường không có việc làm do vẫn còn sự chồng chéo phạm vi tuyển sinh giữa các trường như hiện nay.
Trường ĐH Sư phạm TPHCM có các giải pháp về học bổng, phần thưởng đột xuất, quỹ hỗ trợ dành cho sinh viên sư phạm như sự đầu tư có điểm đến. Đó là chiến lược dài lâu cũng như có trọng điểm của trường trong giai đoạn hiện nay. - GS Huỳnh Văn Sơn