“Soi” biến động điểm chuẩn các trường khối Sư phạm

GD&TĐ - Kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2021, điểm chuẩn các trường khối sư phạm đều tăng so với năm 2020. Nhiều trường có điểm chuẩn tăng vọt từ 4 đến 10 điểm. Có 64 ngành sư phạm có số điểm tăng từ 5 điểm trở lên.

Ảnh minh hoạ/INT.
Ảnh minh hoạ/INT.

Sư phạm - ngành có điểm chuẩn biến động mạnh

Với mức tăng từ 4 đến 10 điểm, các trường khối sư phạm hút sự quan tâm của xã hội, trở thành ngành học hấp dẫn thí sinh chất lượng cao.

Đáng chú ý nhất là nhóm ngành sư phạm tại Trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa). Nếu như năm 2020, hầu hết các ngành sư phạm của trường có điểm chuẩn chỉ bằng điểm sàn (18,5 điểm) hoặc hầu như còn thiếu chỉ tiêu thì năm nay, điểm chuẩn tăng đột biến.

Trong đó ngành Sư phạm Lịch sử tăng 10 điểm từ 18,5 điểm của năm trước lên 28,5 điểm của năm nay. Ngành Sư phạm Ngữ văn tăng 9,25 điểm, Sư phạm Địa lý tăng 7,75 điểm, Sư phạm Tiếng Anh tăng 6,25 điểm, Sư phạm Toán tăng 6,1 điểm, Sư phạm Hóa tăng 4 điểm.

Trừ ngành Sư phạm Sinh tăng 0,5 điểm, Sư phạm Vật lý tăng 0,75 điểm, các ngành sư phạm còn lại đều có điểm chuẩn tăng đột biến từ 4 đến 7 điểm, có ngành tăng đến 9, 10 điểm so với năm 2020. Tuy là trường đại học thuộc tỉnh nhưng điểm chuẩn nhiều ngành cao hơn cả những trường sư phạm trọng điểm.

Trong xu hướng tăng song Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, điểm chuẩn các ngành đào tạo của trường hầu như không tăng nhiều so với điểm chuẩn của năm 2020. Ngoại trừ, ngành Giáo dục chính trị có điểm chuẩn tăng đột biến tới 9 điểm (từ 19,25 điểm lên 28,25 điểm). Ngành Giáo dục công dân cũng tăng đến 6,75 điểm (từ 19,75 điểm lên 26,5 điểm). Sư phạm Tiếng Pháp tăng 6,69 điểm.

Tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, năm nay điểm chuẩn các ngành đào tạo sư phạm đều tăng nhẹ, từ 0,5 điểm trở lên. Số thí sinh có nguyện vọng vào trường năm nay tăng so với năm ngoái, đặc biệt với ngành Giáo dục tiểu học.

Tại Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), điểm chuẩn các nhóm ngành đã tăng từ 2,3 đến 5,8 điểm so với năm 2020. Ngành học từng bị cho là "ế ẩm" như ngành Giáo dục mầm non có mức điểm chuẩn lên tới 25,05 điểm, cũng tăng 5,8 điểm so với năm ngoái.

Đại học Thái Nguyên cũng có một số ngành lấy điểm chuẩn cao hơn năm 2020 từ 5 điểm trở lên. Trong đó, ngành Giáo dục chính trị tăng từ 18,5 điểm lên 25 điểm, Giáo dục thể chất từ 17,5 điểm lên 24 điểm, cùng chênh 6,5 điểm. Ba ngành Sư phạm Toán, Sư phạm Tiếng Anh, Sư phạm Ngữ văn cùng tăng từ 19 điểm lên 24 điểm, trong khi hai ngành Sư phạm Lịch sử, Sư phạm Địa lý lấy điểm chuẩn 24 điểm, cao hơn năm 2020 là 5,5 điểm.

Điểm chuẩn của các trường sư phạm không chỉ xảy ra biến động ở khu vực phía Bắc, khu vực miền Trung, Tây Nguyên và phía Nam cũng tăng so với năm 2020.

Mặt bằng điểm chuẩn tại Trường Đại học Sư phạm TP.HCM cũng tăng nhẹ so với năm 2020. Theo đó, điểm chuẩn dao động từ 19,5 điểm đến 27,15 điểm, cao nhất ở ngành Sư phạm Tiếng Anh tăng 0,75 điểm so với năm 2020. Trừ ngành Giáo dục Thể chất, Giáo dục Mầm non và Sư phạm Tin học, các ngành đào tạo giáo viên đều lấy điểm chuẩn trên 24 điểm.

Tại Trường Đại học Cần Thơ, ngành Sư phạm Lịch sử có điểm chuẩn là 25 điểm, tăng 6 điểm so với năm 2020. Một số ngành sư phạm khác cũng có điểm chuẩn tăng mạnh như Giáo dục thể chất tăng 7,25 điểm, Sư phạm Vật lý tăng đến 6 điểm, Sư phạm Sinh học tăng 5,25 điểm, Sư phạm Tin học tăng 4,5 điểm.

Tại Trường Đại học Đà Lạt, các ngành Sư phạm Toán, Ngữ văn và tiếng Anh đều tăng từ 6 điểm đến 6,5 điểm so với năm 2020.

Tại Trường Đại học Tây Nguyên, mặt bằng điểm chuẩn tăng 3,5 điểm, riêng ngành Giáo dục tiểu học tăng 7,35 điểm từ 18,5 điểm lên 25,85 điểm.

Tương tự, tại Trường Đại học Quy Nhơn, điểm chuẩn ngành Sư phạm Toán, Sư phạm Hóa cũng tăng 6,5 điểm so với năm 2020. Một số ngành sư phạm khác cũng có điểm chuẩn tăng đáng kể như ngành Sư phạm Ngữ văn tăng 4,5 điểm, Sư phạm tiếng Anh tăng 5,5 điểm.

Điểm chuẩn của Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) năm nay cũng tăng từ 1 đến 5,9 điểm so với năm 2020. Trong đó ngành Sư phạm Hóa tăng 5,9 điểm, Sư phạm Vật lý tăng 4,9 điểm, Sư phạm Lịch sử tăng 4,5 điểm.

Ảnh minh hoạ/INT.
Ảnh minh hoạ/INT.

Điểm chuẩn sưphạm tăng dođâu?

Lý giải về nguyên nhân điểm chuẩn ngành sư phạm tăng vọt, đại diện nhiều trường cho rằng có nhiều yếu tố tác động, chứ không chỉ do đề thi năm nay dễ hơn.

Theo lãnh đạo các trường đào tạo sư phạm lớn đều cho rằng, Nghị định 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm. Theo Nghị định này, ngoài được miễn học phí, sinh viên còn được hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng tiền sinh hoạt phí.

Các chính sách này đã thu hút thí sinh nhất là thí sinh giỏi quay trở lại ngành sư phạm. Theo thống kê, khối ngành sư phạm nguyện vọng đăng ký vào ngành sư phạm của các trường sư phạm đều tăng. Trường Đại học Đà Lạt tuyển 350 chỉ tiêu sư phạm nhưng có đến gần 3.000 nguyện vọng đăng ký, nhiều hơn hẳn những năm trước.

Trường Đại học Sư phạm TP. HCM tuyển 1.700 chỉ tiêu nhưng có đến 6.200 thí sinh đã đăng ký hơn 12.500 nguyện vọng.

Theo Thạc sĩ giáo dục Phạm Ngọc Hoàn (Trưởng Phòng đào tạo, Trường cao đẳng Đường sắt), dịch Covid-19 kéo dài đã khiến kinh tế nhiều gia đình rất khó khăn, có thể không kham nổi học phí những trường khác. Trong khi đó một số ngành khối kinh tế, kỹ thuật, y dược tại các trường đại học đều có lộ trình tăng học phí. Sư phạm miễn học phí, lại được cấp sinh hoạt phí hàng tháng là lựa chọn của nhiều gia đình cũng như thí sinh trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Điều này khiến số lượng và chất lượng thí sinh đăng ký vào sư phạm tăng lên.

Theo ông Hoàng Văn Thi, Hiệu trưởng Trường ĐH Hồng Đức, có nhiều nguyên nhân khiến điểm đầu vào năm nay cao hơn năm ngoái. Đầu tiên có thể nói đến đó là tác động từ chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm. Đây là một trong những nguyên nhân có thể thu hút học sinh khá giỏi vào sư phạm. Được biết, tổng nguyện vọng đăng ký vào khối ngành đào tạo đại học sư phạm của ĐH Hồng Đức năm nay tăng từ 2,5 đến 3 lần. Riêng với các ngành đào tạo đại học sư phạm chất lượng cao cũng tăng cao so với năm 2020.

Cũng theo ông Thi, chất lượng giáo dục phổ thông đã được nâng lên thể hiện qua phổ điểm, kết quả các môn thi tốt nghiệp THPT năm 2021 được đánh giá cao hơn năm 2020. Cùng đó, nhu cầu về nhân lực giáo viên của các địa phương cũng là yếu tố khiến điểm chuẩn ngành sư phạm tăng cao.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.