(GD&TĐ) - Văn học thiếu nhi là mảnh đất nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ, mang đến cho các em những cảm xúc dịu ngọt thời thơ ấu. Giữa những tác động của nền kinh thế thị trường, để giữ sự trong trẻo của ánh mắt trẻ thơ cần lắm lòng nhiệt huyết của những người cầm bút.
Dòng chảy không ngừng nghỉ
Văn học thiếu nhi ra đời vào những năm 50 của thế kỷ XX và đã đạt được những thành tựu đáng kể. Nhiều cuốn sách nổi tiếng đã là người bạn đồng hành với nhiều thế hệ thiếu nhi Việt Nam, trong đó không ít cuốn sách đã được dịch và giới thiệu ở nước ngoài. Những tác phẩm như Dế mèn phiêu lưu ký, Lá cờ thêu sáu chữ vàng, Sao Khuê lấp lánh, Búp sen xanh, Đất rừng phương Nam… cho đến nay vẫn được các em nhỏ yêu thích bởi ngôn từ trong sáng, lối viết hài ước dí dỏm phù hợp với tâm lý lứa tuổi.
Nhà văn Phương Liên, một người gắn bó tâm huyết với mạch nguồn của mảng văn học thiếu nhi đã nhận xét: “Có thể thấy các cuộc vận động sáng tác của Nhà xuất bản Kim Đồng được liên tục phát động từ những năm 1995 đến 2002 đã tạo đà cho sự thành công của hàng loạt các tác phẩm truyện vừa mới ra đời như Đợi mặt trời (Phạm Ngọc Tiến); Bỏ trốn (Phan Thị Thanh Nhàn); Bí mật hồ cá thần (Nguyễn Quang Thiều) Miệt vườn xa lắm (Dạ Ngân)…
Đặc biệt nhà văn Nguyễn Nhật Ánh là một tác giả thành công với bạn đọc trẻ, anh là người có một “khóe văn” riêng. Anh chiếm được tình cảm của hàng triệu người đọc cũng không ngoài quy luật tự sự và đối thoại nội tâm của tuổi thơ, không ngoài sự tự phát hiện ra chất hài hước của chính mình và trong số những sáng tác đạt tới chiều sâu như Tôi là Bê tô và Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ chính là những tác phẩm được không chỉ trẻ em mà cả người lớn và bạn bè trong văn giới mến mộ. Trong những năm đổi mới vừa qua, cùng với sự phát triển của ngành xuất bản, với hình thức phát hành sách định kì, thể loại truyện dài kì đã phát triển như một sự “bùng nổ”. Có thể kể tên một số bộ sách như Kính vạn hoa của Nguyễn Nhật Ánh , Năm Sài Gòn của Bùi Chí Vinh, Học trò phố huyện của Nguyên Hương, Ngôi trường không nổi tiếng của Lưu Thị Lương, Sống sót vỉa hè của Võ Phi Hùng…
Như vậy đủ thấy các tác giả yêu mến những bạn đọc nhỏ tuổi đã dành những ưu ái thật nhiều cho những mầm xanh tương lai”. Như vậy dù ở bất cứ giai đoạn nào trong thời kỳ kinh tế còn nhiều khó khăn, trong chiến tranh và khi đất nước hòa bình cũng như bước vào thời kỳ hội nhập, văn học thiếu nhi cũng vẫn luôn được các nhà văn dành cho sự ưu ái.
|
Các em nhỏ say mê với những cuốn sách trong ngày hội đọc sách (Ảnh T. Anh) |
|
Bồi đắp tâm hồn yêu thương
Với những giá trị mà nó mang lại, văn học thiếu nhi từng ngày qua đã làm giàu có thêm tâm hồn những độc giả nhỏ tuổi. Một nhà văn nào đó đã nói rằng văn học với trẻ em cần thiết như cơm ăn, nước uống và không khí để thở hàng ngày. Trẻ em cần phải được tiếp xúc với tinh hoa văn học từ bé và sớm hình thành thói quen đọc sách cùng với việc biết viết những nét chữ đầu tiên, biết đọc những trang sách đầu tiên. Văn học cho thiếu nhi cũng có đủ thang bậc giá trị như văn học cho tất cả mọi người mà không thể có thang bậc nào được phép hạ thấp đi.
Để sáng tác được những tác phẩm mà trẻ em nhớ và yêu thích, nhà văn phải có sự trải nghiệm và cùng sống trong thế giới thần tiên cùng các em để cùng cảm nhận được đám mây hình ngũ sắc. Thông qua những câu chuyện, những bài thơ, trẻ em được học những điều nhỏ nhất trong cuộc sống. Tình yêu thương, lòng nhân hậu mà các nhà văn, nhà thơ chuyển tải qua tác phẩm của mình có tác dụng giáo dục rất lớn và sẽ là hành trang vào đời của các em. Giữa vô vàn những giáo lý khô khan nhưng chỉ bằng một ánh mắt, một cử chỉ, một câu chuyện nhỏ cũng đủ để các em cảm nhận được sự sẻ chia và đó là bài học giáo dục đáng quý.
Đời sống xã hội từng bước được cải thiện thì việc chăm sóc, nuôi dạy con cái luôn được các gia đình – đặc biệt là ở khu vực các thành phố lớn – quan tâm đặc biệt. Việc đầu tư cho con cái về ăn mặc, học hành, cho đến các hình thức giải trí được cha mẹ đặt lên hàng đầu. Nhiều cha mẹ luôn khuyến khích con mình đọc sách, và có ý thức tìm mua sách hay về cho con đọc, hoặc mua chọn sách theo sở thích của con cái…. Chính điều này kích thích tình yêu văn học trong thiếu nhi và cũng là nguồn động lực để các nhà văn cho ra đời nhiều tác phẩm hay, bổ ích.
Nhà văn Nguyễn Huy Thắng, Phó Giám đốc, Tổng biên tập NXB Kim Đồng cho biết: Với vai trò là nhà xuất bản duy nhất trong cả nước chuyên xuất bản sách cho thiếu nhi, trong suốt nhiều năm qua, NXB Kim Đồng luôn là người khởi xướng, người bạn đồng hành với các phong trào sáng tác văn học cho các em. Khó có thể kể hết những cuộc thi viết, cuộc vận động sáng tác, những trại bồi dưỡng viết văn, những cuộc gặp gỡ, giao lưu cũng như rất nhiều hình thức khích lệ, động viên khác nữa mà Nhà xuất bản đã dành cho các tác giả để họ có thêm nguồn cảm hứng sáng tác cho các em, có thêm phương tiện, điều kiện để viết nên những tác phẩm góp phần làm phong phú thêm cho nền văn học nước nhà.
Trong khuôn khổ Dự án hỗ trợ văn học thiếu nhi do Chính phủ Đan Mạch tài trợ, NXB Kim Đồng và Hội Nhà văn Đan Mạch – hai đơn vị thực hiện dự án – đã dành mối quan tâm đặc biệt cho việc đào tạo kỹ năng sáng tác truyện và vẽ truyện tranh thiếu nhi cho các nhà văn, hoạ sĩ Việt Nam. Chính những chuyến tàu kể chuyện đã mang những câu chuyện của các nhà văn và họa sĩ đến với bạn đọc một cách nhanh nhất. Tới mỗi điểm dừng, Dự án phối hợp với các tỉnh Đoàn, nhà văn hóa thiếu nhi để tổ chức giao lưu với các em, lắng nghe cảm nhận của các em và cùng các em sáng tạo ra thế giới tưởng tượng đầy màu sắc của tuổi thần tiên.
Châu Anh