Khơi nguồn cảm hứng học tập từ sáng kiến kinh nghiệm

GD&TĐ - Từ những sáng kiến kinh nghiệm (SKKN) của mình, các thầy cô đã lan tỏa những hiệu ứng tích cực. Không chỉ khơi nguồn cảm hứng, nhiều SKKN còn giúp học trò chinh phục ước mơ.

Thầy Trần Quốc Tuấn, và học sinh thân yêu của mình.
Thầy Trần Quốc Tuấn, và học sinh thân yêu của mình.

Xuất phát từ những trăn trở

“Em luôn biết ơn thầy vì suốt chặng đường 4 năm học cấp 2, thầy đã dìu dắt chúng em bằng sự tận tụy, nhiệt huyết, hết mình vì học trò”. Đó là những lời bộc bạch của nữ sinh Hoàng Quỳnh Anh, lớp 9B, Trường THCS Nhữ Bá Sỹ (huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) khi nói về người thầy kính yêu của mình - thầy Trần Quốc Tuấn.

Quỳnh Anh là một trong những học sinh (HS) của thầy Tuấn vừa đoạt giải Nhì tại kỳ thi học sinh giỏi (HSG) cấp tỉnh môn Tiếng Anh lớp 9, năm học 2021–2022.

Mặc dù, mới chuyển công tác về Trường THCS Nhữ Bá Sỹ được 5 năm, song thầy Trần Quốc Tuấn đã có những đóng góp đáng kể vào sự phát triển chung của nhà trường. Đặc biệt là ở bộ môn Tiếng Anh do thầy đảm trách.

Đầu tiên đó là khả năng dẫn dắt đội tuyển thi HSG cấp tỉnh. Công việc này được thầy bắt đầu ngay khi về trường nhưng đã để lại ấn tượng mạnh mẽ. Trong số 10 HS tham gia kỳ thi HSG cấp tỉnh năm học 2021–2022, có tới 8 em đoạt giải với 2 giải Nhì; 4 giải Ba và 2 giải Khuyến khích.

Thầy Tuấn (ảnh trái) cùng học sinh trong buổi tuyên dương về thành tích xuất sắc tại kỳ thi HSG cấp tỉnh năm học 2021–2022.
Thầy Tuấn (ảnh trái) cùng học sinh trong buổi tuyên dương về thành tích xuất sắc tại kỳ thi HSG cấp tỉnh năm học 2021–2022.

Về công tác chuyên môn, thầy Tuấn cũng đóng góp nhiều SKKN được đánh giá cao. Trong đó, SKKN: “Một số phương pháp hiệu quả giúp học sinh lớp 9 phát triển kĩ năng viết đoạn văn” được xếp loại B cấp tỉnh, năm học 2020–2021.

“Trong quá trình dạy học, tôi nhận thấy nhiều HS học với mục đích là vượt qua các kỳ thi chứ chưa chú trọng phát triển năng lực ngôn ngữ đúng nghĩa. Những trăn trở ấy đã thôi thúc tôi xây dựng SKKN để giúp các em vận dụng ngôn ngữ Tiếng Anh trong thực tiễn.

Hơn nữa, kỹ năng viết đoạn văn là mục tiêu phù hợp với HS lớp 9. Đây cũng là tiền đề cho các em tiếp tục phát triển kĩ năng viết khi lên cấp THPT và cao hơn”, thầy Tuấn chia sẻ.

Thầy Tuấn cho rằng, “sức sống” của SKKN phải mang lại hiệu ứng tích cực, có thể ứng dụng vào thực tế. Đối với môn Tiếng Anh, SKKN giúp quá trình dạy và học hiệu quả hơn, học trò tiếp thu kiến thực hiệu quả, từ đó tăng cơ hội việc làm cho các em sau này.

Gần 20 năm cống hiến cho sự nghiệp Giáo dục, từng đi qua biết bao thăng trầm. Song bằng tình yêu, nghị lực, thầy Tuấn có thể tạm mãn nguyện khi “hạnh phúc” bắt đầu “nở hoa” sau những khó nhọc.

Sau những khó nhọc, thầy và trò Trường THCS – THPT Bá Thước 3 đang hướng tới một ngôi trường hạnh phúc.
Sau những khó nhọc, thầy và trò Trường THCS – THPT Bá Thước 3 đang hướng tới một ngôi trường hạnh phúc.

“Niềm hạnh phúc nhất của nghề dạy học với tôi chính là nhìn thấy sự trưởng thành của các thế hệ học trò. Cảm nhận được những giá trị và ý nghĩa mà mình để lại cho các em, đó không chỉ truyền dạy kiến thức mà còn là giáo dục nhân cách cho học trò”, thầy Tuấn chia sẻ.

Thầy Lê Đăng Thành – Hiệu trường Trường THCS Nhữ Bá Sỹ cho biết: Thầy Tuấn là một trong những giáo viên năng nổ, nhiệt huyết của nhà trường. Trong quá trình giảng dạy, thầy thường xuyên tham gia viết SKKN và được đánh giá cao. Thầy cũng đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh và có năng lực chuyên môn tốt.

Luôn cùng trò vượt qua khó khăn

Mặc dù, là ngôi trường có “tuổi đời” còn non trẻ (thành lập năm 2006) ở khu vực 6 xã vùng cao của huyện, song thầy và trò Trường THCS – THPT Bá Thước 3 (huyện Bá Thước, Thanh Hóa) vẫn đang nỗ lực từng ngày.

Để từ đó hướng tới môi trường học tập hạnh phúc, nhiều SKKN chất lượng cao, ứng dụng rộng rãi vào thực tiễn.

So với miền xuôi, hành trình “gieo chữ” ở vùng cao của các thầy, cô giáo có phần gian nan, vất vả. Đó cũng là câu chuyện của thầy Lê Văn Sâm, giáo viên môn Thể chất, Quốc phòng - Trường THCS – THPT Bá Thước 3.

Trường THCS - THPT Bá Thước 3 chủ yếu là học sinh dân tộc thiểu số, với nhiều hoàn cảnh khó khăn, nhà trường thường xuyên động viên, quan tâm về mặt tinh thần lẫn vật chất mỗi dịp Tết đến Xuân về.
Trường THCS - THPT Bá Thước 3 chủ yếu là học sinh dân tộc thiểu số, với nhiều hoàn cảnh khó khăn, nhà trường thường xuyên động viên, quan tâm về mặt tinh thần lẫn vật chất mỗi dịp Tết đến Xuân về.

Sinh ra ở huyện Thạch Thành (Thanh Hóa), thầy Sâm xung phong lên “chia khó” với ngôi trường vùng cao năm 2007. Thế nhưng, hành trình san sẻ khó khăn của thầy lại trải qua muôn vàn khó nhọc.

“Thời điểm mới về trường công tác, tôi mới cảm nhận được khó khăn của giáo viên và HS nơi đây. Lúc đó, trường chỉ có 6 dãy nhà cấp 4 đơn sơ, đời sống khó khăn, thiếu thốn cả nước sinh hoạt”, thầy Tuấn chia sẻ.

Không chỉ thiếu thốn về vật chất, hành trình “gieo chữ” của thầy cô vùng cao còn vô cùng gian nan khi có những thời điểm HS lần lượt bỏ học. “Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhiều em không còn động lực học tiếp. Để các em trở lại trường, chúng tôi phải kết hợp với chính quyền địa phương lặn lội vào tận nhà để động viên gia đình”, thầy Sâm bộc bạch.

Với sự nỗ lực cố gắng của Ban giám hiệu, giáo viên cùng sự quan tâm của Nhà nước, Trường THCS-THPT Bá Thước 3 những năm gần đây đã duy trì tốt sĩ số lớp.

Cô Hà Thị Thu – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, hiện tổng số HS của trường  khoảng 700 em (gồm cả 2 khối học). Tỷ lệ HS là con em dân tộc thiểu số chiếm hơn 98%.

Theo cô Thu, trong thời gian tới nhà trường sẽ tiếp tục duy trì sĩ số lớp. Đồng thời, phát triển nhiều SKKN tốt, ứng dụng rộng rãi vào thực tiễn.

“Nhiều giáo viên của nhà trường cũng là người dân tộc thiểu số. Vì vậy, các thầy, cô giáo có sự đồng cảm và thấu hiểu các em nhiều hơn.

Khi dịch bệnh chưa diễn biến phức tạp, nhà trường cũng đẩy mạnh các hoạt động ngoại khóa, giáo dục cho các em về kỹ năng giao tiếp, kỹ năng xã hội… Cũng nhờ vậy, các em ngày càng yêu trường, mến lớp hơn”, cô Hà Thị Thu chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.