Thanh Hóa: Giao địa phương quyết định tạm dừng học tùy tình hình dịch

GD&TĐ - Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, ngành Giáo dục Thanh Hóa đã giao các địa phương chủ động cho các trường căn cứ tình hình thực tế, quyết định cho học sinh đến trường hay không.

Nhân viên Y tế lấy mẫu xét nghiệm cho học sinh Trường Tiểu học Minh Khai 1, TP Thanh Hóa.
Nhân viên Y tế lấy mẫu xét nghiệm cho học sinh Trường Tiểu học Minh Khai 1, TP Thanh Hóa.

Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa vừa ký ban hành công văn, gửi Phòng GD&ĐT các huyện, thị xã, thành phố; Các đơn vị trực thuộc Sở và các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh, yêu cầu các cơ sở giáo dục quyết liệt hơn nữa trong công tác phòng chống dịch Covid-19.

Theo công văn, Giám đốc Sở GD&ĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục tuân thủ nghiêm ngặt quy định 5K, thực hiện nghiêm túc công điện ngày 19/2 của Tỉnh ủy Thanh Hóa và các quy định hiện hành của ban chỉ đạo phòng dịch các cấp.

Đối với cấp học giáo dục mầm non, giao cho các địa phương (huyện, thị xã, thành phố) căn cứ vào mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-I9 trên địa bàn để cho phép các cơ sở giáo dục mầm non chủ động việc tiếp tục hoặc tạm dừng cho trẻ tới trường.

Đối với các cơ sở giáo dục mầm non tiếp tục đến trường, thì phải đảm bảo an toàn học 2 buổi/ngày. Những nơi tổ chức bán trú cho trẻ thì phải đảm bảo theo đúng quy định.

Đối với cấp giáo dục tiểu học, các địa phương căn cứ vào mức độ dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn để chủ động quyết định cho học sinh tiếp tục đến trường học trực tiếp, hoặc tạm dừng đến trường chuyển sang học trực tuyến và các hình thức học tập khác, nhằm đảm bảo việc học tập cho học sinh trên tinh thần “tạm dừng đến trường nhưng không dừng học”.

Các cấp học, bậc học còn lại thực hiện học trực tiếp bình thường. Khi xảy ra các trường hợp F0, thì xử lý theo quy định, báo cáo về Sở GD&ĐT để xử lý kịp thời.

Công văn của Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa.
Công văn của Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa.

Còn tại địa bàn TP Thanh Hóa, các trường học vẫn thể hiện quyết tâm không ngừng dạy học trực tiếp và một lớp chỉ chuyển sang học trực tuyến nếu có hơn 10 F0.

UBND TP. Thanh Hóa đã tổ chức hội nghị với lãnh đạo 153 trường học để hướng dẫn về việc xử lý những trường hợp F0.

Theo đó, UBND TP. Thanh Hóa yêu cầu các trường thực hiện đầy đủ biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Nhà trường tuyệt đối không dừng dạy học trực tiếp.

Các trường phải chủ động, linh hoạt xây dựng thời khóa biểu trên cơ sở số lượng giáo viên để đảm bảo hoàn thành chương trình cốt lõi của năm học 2021 - 2022.

UBND TP. Thanh Hóa hướng dẫn: Đối với bậc tiểu học, F1 là 2 học sinh ngồi bên cạnh với học sinh F0; Đối với bậc THCS và THPT, thì giáo viên chủ nhiệm tự xác định.

Đối với F1 là học sinh tiểu học và các cháu mầm non, sẽ được nghỉ 7 ngày, đến ngày thứ 7 nếu xét nghiệm âm tính thì đi học trở lại. Riêng F1 là học sinh THCS và THPT đã được tiêm vắc xin, sẽ nghỉ từ 3 - 5 ngày, nếu xét nghiệm âm tính thì đi học trở lại.

UBND TP. Thanh Hóa cũng đưa ra tiêu chí để cho nhà trường quyết định việc chuyển từ dạy học trực tiếp sang trực tuyến.

Cụ thể, đối với bậc mầm non và tiểu học, nếu mỗi lớp có dưới 10 học sinh là F0 thì vẫn học trực tiếp, còn từ 10 F0 trở lên, sẽ chuyển sang học trực tuyến. Đối với bậc THCS và THPT, nếu mỗi lớp có 1/3 học sinh là F0 trở xuống, thì vẫn học trực tiếp, còn hơn 1/3 F0, sẽ học trực tuyến.

Theo số liệu của Phòng GD&ĐT TP. Thanh Hóa, từ ngày 7 đến ngày 20/2, toàn thành phố ghi nhận hơn 2.500 giáo viên và học sinh mắc Covid-19.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô giáo Lê Thị Thu Hường và học trò

Buồn vui nghề giáo

GD&TĐ - Tròn 20 năm được làm cô giáo, nhìn lại chặng đường đã đi, trong tôi không khỏi dâng lên bao cảm xúc khó tả buồn vui với nghề.

Haaland làm được điều không tưởng

Haaland làm được điều không tưởng

GD&TĐ - Chỉ mới 24 tuổi nhưng tiền đạo Erling Haaland đã ghi được tới 25 cú hat-trick tính cả trong màu áo câu lạc bộ lẫn tuyển quốc gia.