Thanh Hóa: Xây dựng trường học hạnh phúc từ những điều giản dị

GD&TĐ - Xây dựng “Trường học hạnh phúc” luôn bắt đầu từ những điều giản dị. Đó là, cần tạo nên một môi trường học tập xanh – sạch – đẹp… là tinh thần luôn lắng nghe, thấu hiểu và sẻ chia.

Học sinh Trường THPT Nga Sơn (Tahnh Hóa) được thể hiện đam mê của mình thông qua những CLB của trường.
Học sinh Trường THPT Nga Sơn (Tahnh Hóa) được thể hiện đam mê của mình thông qua những CLB của trường.

Lan tỏa hạnh phúc

“Được học tập tại ngôi Trường THPT Nga Sơn là một quyết định sáng suốt”. Đó là những lời bộc bạch của nữ sinh Trần Thị Mai, lớp 12G – Trường THPT Nga Sơn (huyện Nga Sơn, Thanh Hóa).

Mai là một trong những gương mặt học sinh tiêu biểu của nhà trường. Em vừa giành giải Nhì tại kỳ thi HSG cấp tỉnh môn Ngữ văn, năm học 2021 – 2022.

Với nữ sinh, thành quả đạt được không chỉ đến từ nỗ lực của bản thân, mà còn đến từ sự tận tình, luôn luôn lắng nghe và thấu hiểu của các thầy, cô giáo.

“Khi được học tập ở ngôi trường này, em và các bạn luôn cảm thấy được sống trong vòng tay yêu thương của thầy, cô. Đặc biệt, chính thầy, cô giáo là những người luôn luôn lắng nghe và thấu hiểu, luôn tiếp thêm ngọn lửa nhiệt huyết cho chúng em.

Từ những điều tốt đẹp ấy, em nghĩ rằng Trường THPT Nga Sơn đã và đang từng bước trở thành ngôi trường hạnh phúc”, nữ sinh Trần Thị Mai bộc bạch.

Trường THPT Nga Sơn là một trong những ngôi trường đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa xây dựng mô hình “Trường học hạnh phúc” nhưng đã, đang làm rất tốt nội dung này.

Xây dựng “Trường học hạnh phúc” đối với thầy, cô và học sinh Trường THPT Nga Sơn được bắt đầu từ những điều giản dị.
Xây dựng “Trường học hạnh phúc” đối với thầy, cô và học sinh Trường THPT Nga Sơn được bắt đầu từ những điều giản dị.

Người khơi nguồn và tiếp lửa đến cán bộ giáo viên và học sinh toàn trường chính là cô Mai Thị Hạnh, Hiệu trưởng nhà trường.

Với suy nghĩ: “Có mang đến niềm vui, hạnh phúc cho cán bộ giáo viên, học sinh thì mới nhận lại được tình cảm và sự gắn bó đối với nhà trường”, từ suy nghĩ ấy, cô Hạnh cùng Ban giám hiệu nhà trường đã không ngừng nỗ lực.

Hàng năm, nhà trường vẫn thường xuyên tổ chức thăm hỏi cán bộ giáo viên, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, ốm đau, bệnh tật. Công tác khen thưởng cũng kịp thời, đúng người đúng việc để giáo viên và học sinh nỗ lực hơn trong việc dạy và học.

“Hạnh phúc đối với trường chính là bắt đầu từ những điều nhỏ nhất. Từ việc tạo nên môi trường học tập xanh – sạch – đẹp; xây dựng góc học tập yêu thương đến rèn luyện cho các em những thói quen tốt…

Đối với học sinh, các em được giáo dục bằng tình yêu thương thay vì quát mắng. Vì vậy, ở trường, học trò đều xưng con mỗi khi trò chuyện, giao tiếp với thầy, cô”, cô Hạnh nói.

Bên cạnh chú trọng công tác chuyên môn, BGH Trường THPT Nga Sơn cũng thường xuyên quan tâm đến đời sống tinh thần của cán bộ giáo viên, học sinh thông qua các hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao…

Nhiều câu lạc bộ đã làm nên thương hiệu của trường, như: Cầu lông, bóng chuyền hơi, ghi ta… Những hoạt động này vừa tạo sự gắn kết vừa giải tỏa căng thẳng, đồng thời khơi dậy ngọn lửa đam mê cho thầy và trò nhà trường.

Gắn bó với trường từ những ngày đầu mới được thành lập, cô Nguyễn Thị Hồng (quê ở tỉnh Ninh Bình) vô cùng xúc động trước những tình cảm ấm áp mà BGH nhà trường, đồng nghiệp dành cho mình.

“Về trường công tác đã nhiều năm, nhưng thật sự tôi chưa thấy nơi nào mà lại dạt dào tình yêu thương như ngôi Trường THPT Nga Sơn. Được sự quan tâm của BGH nhà trường, giáo viên công tác xa nhà như chúng tôi có được cuộc sống ổn định để yên tâm công tác”, cô Hồng chia sẻ.

Ngôi nhà thứ hai

Tiết học Toán của thầy giáo Lê Mạnh Hùng, Trường THPT Hàm Rồng không chỉ còn là bảng xanh và phấn trắng.

Tiết học Toán của thầy giáo Lê Mạnh Hùng, Trường THPT Hàm Rồng không chỉ còn là bảng xanh và phấn trắng.

Đối với Trường THPT Hàm Rồng (TP Thanh Hóa), mô hình “Trường học hạnh phúc” đã được nhà trường định hướng từ nhiều năm trước. Để từ đó hướng tới môi trường học tập và làm việc tốt nhất. Ở môi trường ấy, thầy và trò đều cảm thấy thoải mái, xem trường thực sự là ngôi nhà thứ hai của mình.

Từ định hướng này, BGH nhà trường đã nỗ lực cố gắng tạo nên môi trường học tập xanh – sạch – đẹp. Những câu khẩu hiệu khích lệ được bày trí ở những vị trí trung tâm nhằm động viên thầy, cô và HS nỗ lực vươn lên trong việc dạy và học.

Nhiều câu khẩu hiệu đã tạo nên thương hiệu rất riêng của trường, như: “Tuổi trẻ Trường THPT Hàm Rồng: Tâm trong, trí sáng, hoài bão lớn”, hay “THPT Hàm Rồng – nơi khởi nguồn những ước mơ”…

Cô giáo Lê Thị Thủy - Trường THPT Hàm Rồng (người đứng giữa) và những học trò của mình cảm thấy hạnh phúc mỗi khi được đến trường.

Cô giáo Lê Thị Thủy - Trường THPT Hàm Rồng (người đứng giữa) và những học trò của mình cảm thấy hạnh phúc mỗi khi được đến trường.

Về chế độ, chính sách đối với đội ngũ giáo viên, thầy Thiều Ánh Dương – Hiệu trưởng Trường THPT Hàm Rồng, cho biết: “Nhà trường luôn đánh giá đúng năng lực, phẩm chất của GV. Trên cơ sở đó giúp phân công bố trí công việc hiệu quả, phát huy được sở trường”.

Nhiều tấm gương thầy, cô giáo là điển hình cho phong trào dạy học như cô Lưu Thị Thanh Tú  Tiếng Anh), Lê Thị Lan Hương (môn Hóa), thầy Lê Mạnh Hùng (môn Toán)…

Ngoài công tác chuyên môn, các hoạt động đoàn thể cũng được chú trọng nhằm tạo sân chơi cho cán bộ giáo viên và học sinh nhà trường. Hiện, trường có khoảng 10 CLB sở thích như: CLB hội họa, múa, thể dục thể thao, ghi ta…

Suốt 14 năm gắn bó với Trường THPT Hàm Rồng, cô  Lê Thị Thủy (môn Toán) cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi ngôi trường đang ngày càng tiến sát với các tiêu chí của “Trường học hạnh phúc”.

Báo tường sinh động của thầy và trò Trường THPT Nga Sơn (Thanh Hóa).
Báo tường sinh động của thầy và trò Trường THPT Nga Sơn (Thanh Hóa).

“Không chỉ đảm bảo các chế độ, chính sách, BGH nhà trường còn quan tâm đến đời sống của cán bộ, giáo viên. Hàng năm, cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về, GV chúng tôi lại xúc động khi được nhận những chiếc bánh chưng xanh ấm áp từ phía lãnh đạo nhà trường”, cô Thủy chia sẻ.

Đào Văn Quân (lớp 11B12) cũng bộc bạch: “Đối với chúng em, được đến trường đã là niềm hạnh phúc rồi. Ở trường chúng em được gặp gỡ thầy, cô và bạn bè, được tiếp thu những kiến thức mới và nâng cao các kỹ năng xã hội của mình”.

Bà Bùi Thị Thanh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa, cho rằng: Trường học hạnh phúc là ngôi trường thân thiện, đem đến sự hài lòng, thỏa mãn, đáp ứng tốt nhu cầu, quyền được học tập, giáo dục, rèn luyện một cách toàn diện về thể chất, tinh thần và trí tuệ của người học. “Khi con người có hạnh phúc, cảm xúc được thăng hoa, sẽ tạo động lực tinh thần để người học không ngừng nỗ lực vươn lên chiếm lĩnh những đỉnh cao tri thức nhân loại. Từ đó, họ có thể khẳng định mình và có những cống hiến lớn lao cho xã hội”, bà Thanh chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: INT.

Truyện ngắn: Duyên muộn

GD&TĐ - Năm nay Túc đã ở hàng “băm”. Anh có “thâm niên” hơn 20 năm bươn chải nơi xứ người với nghề bán vé số dạo.

Ảnh: Quốc Bình.

Củ cải khô

GD&TĐ - Sau bao nhiêu cái đợi thì mẹ mới rinh 20 kg củ cải về để thỏa niềm mong ngóng của mấy bố con.