Khơi dậy tính sáng tạo và làm chủ kiến thức của học trò

GD&TĐ - Ngữ văn là một môn học đặc biệt, đòi hỏi người dạy và người học phải say mê, suy ngẫm, hào hứng. Dạy và học Ngữ văn là cả một nghệ thuật. Nó vốn không ưa lặp lại nhàm chán mà cần đến sáng tạo và linh hoạt.

Sân khấu hoá trong giờ học Ngữ Văn của cô Nga
Sân khấu hoá trong giờ học Ngữ Văn của cô Nga

Giáo viên - người truyền cảm hứng cho học trò

Đó là chia sẻ của cô Đặng Thị Thúy Nga – giáo viên Ngữ Văn, Trường THPT Hoàng Cầu (Đống Đa, Hà Nội). Cô Nga nhìn nhận, hiện nay tình yêu văn học trong học sinh giảm sút rất nhiều. Một phần, do Ngữ văn là bộ môn khó, dù các em yêu thích nhưng không phải em nào cũng tiếp thu và cảm nhận dễ dàng;

Vì vậy, giáo viên dạy bộ môn Ngữ văn cần đánh thức niềm đam mê văn chương, yêu thích văn học, khơi dậy ở các em tính sáng tạo và khả năng làm chủ kiến thức.

Theo cô Nga, để làm được điều này, người giáo viên cần trở thành người truyền cảm hứng cho học sinh. Theo đó, giáo viên cần khởi động vào bài học tích cực, sáng tạo, tràn đầy năng lượng. Việc dành ra 3-5 phút để tổ chức hoạt động khởi động hấp dẫn sẽ tạo hứng khởi, tiếp thêm năng lượng cho học sinh tham gia học tập hiệu quả trong suốt tiết học. Đây là một trong những nội dung giáo dục tích cực, cũng là định hướng trong việc đổi mới, sáng tạo trong hoạt động dạy học mà Bộ GD&ĐT đã và đang khuyến khích.

Ngoài ra, giáo viên có thể tạo ấn tượng tích cực, đầy say mê, nhiệt huyết bằng ngoại hình, giọng nói, ánh mắt, khiếu hài hước trong mắt học sinh. Theo kinh nghiệm của cô Nga, nếu muốn tạo động lực cho học sinh thì phải chứng minh được mình là người đáng để học sinh lắng nghe.

“Đừng nói nhiều quá và cũng đừng khăng khăng giữ ý kiến của mình. Giáo viên cần tạo ấn tượng là một người hiểu biết, thông minh và là người không ngại nói ra chính kiến của mình chứ không phải một người kiêu ngạo và chỉ biết đến bản thân” – cô Nga chia sẻ, đồng thời nhấn mạnh: Hãy say mê những gì chúng ta đang dạy.

Cô Đặng Thị Thúy Nga luôn có nhiều đổi mới, sáng tạo trong mỗi giờ lên lớp
Cô  Đặng Thị Thúy Nga luôn có nhiều đổi mới, sáng tạo trong mỗi giờ lên lớp

Cô Nga chia sẻ, đôi mắt mở to cùng nụ cười lớn và sự nhiệt tình chân thành của giáo viên chắc chắn sẽ tạo nên hiệu quả rất lớn đối với học sinh. Ngay cả khi các em không hứng thú với môn học của bạn thì chính cách cư xử của giáo viên cũng có thể làm học sinh thích thú. Bởi điều quan trọng nhất là vì giáo viên kiên trì thể hiện tình yêu của mình đối với vấn đề nào đó, học sinh sẽ sớm nhận ra bạn là người chân thành.

“Hãy là người đầy nhiệt huyết” – cô Nga nhắn gửi, đồng thời chia sẻ, sự nhiệt huyết có khả năng lây lan, và học sinh sẽ khó ngủ gật trong lớp nếu giáo viên là người tràn đầy nhiệt huyết và không đứng yên một chỗ. Hãy đảm bảo rằng, bạn có đủ năng lượng để khiến vấn đề bạn đang nói cũng như bản thân bạn trở nên hấp dẫn trong mắt học sinh.

Linh hoạt, sáng tạo trong giờ dạy

Ngoài ra, khiếu hài hước của giáo viên sẽ dễ dàng thu hút học sinh, làm cho tài liệu học trở nên sống động hơn và giúp các em kết nối với bạn tốt hơn. Vấn đề là, nếu giáo viên luôn nghiêm túc thì học sinh sẽ thấy khó để quan tâm và thực sự kết nối với bạn.

“Thầy cô giáo không cần phải làm một anh hề và lúc nào cũng đùa được nhưng nếu tạo một môi trường học vui vẻ cho học sinh, các em sẽ có động lực và thấy hứng thú hơn khi học” – cô Nga bật mí và cho rằng, giáo viên cũng cần cải thiện ngoại hình của mình. Giáo viên cần tạo ấn tượng tốt, vì vậy hãy đảm bảo rằng mình thật đẹp khi bước vào lớp. Hãy cố gắng ăn mặc đẹp hơn hay khác hơn một chút so với người bình thường.

Cô Nga trong một giờ lên lớp
Cô Nga trong một giờ lên lớp

Từ kinh nghiệm của bản thân, cô Nga cho rằng, giáo viên cần luôn ý thức mở rộng các thông tin mới về vấn đề của bài học bằng những bài tập khiến học sinh phải sáng tạo, biến các học sinh thành “chuyên gia” trong vấn đề của bài học.

Nếu muốn học sinh hứng thú với bài học của mình thì chúng ta cần mở rộng kiến thức ngoài chương trình học. Hãy giúp học sinh cập nhật những điều mới nhất trong bài học. Hãy tạo hứng thú cho học sinh chứ không chỉ là người cung cấp tài liệu cho học sinh. Có thể giao cho học sinh các dự án về bài học để các em là người tìm kiếm những điều mới lạ, thay đổi không khí trong lớp học.

“Ví dụ, học sinh có thể tổ chức diễn tiểu phẩm liên quan đến bài học hoặc có thể trình diễn một trò chơi mà các em thành thạo để minh họa cho bài học như: đệm đàn ghi ta, chơi khối rubic, hát múa, biểu diễn thời trang... Điểm mấu chốt của hoạt động này là, ý tưởng phải khác biệt, giáo viên cần thực hiện hoạt động này trong giờ học hoặc trong một giờ nào đó ở trường và cần đồng hành cùng cả lớp ở mỗi bước trong cả hoạt động này” – Cô Nga chia sẻ.

Cũng theo cô Nga, giáo viên cần bao quát lớp, để ý đến những học sinh cần được quan tâm. Nếu một học sinh đang gặp rắc rối nhưng nhận thấy mình được giáo viên quan tâm và chú ý thì sẽ tạo động lực cho em đó học tập chăm chỉ hơn. Nếu một học sinh nghĩ rằng, giáo viên chẳng quan tâm đến mức độ học hành chăm chỉ hay cảm xúc của mình thì em đó cũng sẽ cố gắng ít hơn.

“Hãy cân nhắc đến việc linh hoạt bỏ qua một số luật lệ nếu có học sinh đang thực sự gặp khó khăn. Điều này đòi hỏi giáo viên phải quan tâm nhưng sẽ tạo dựng được niềm tin vững chắc. Nếu một học sinh liên tục không nộp bài tập, đến lớp và nói với bạn rằng, em chưa hoàn thành bài tập thì giáo viên cần nhận ra học sinh đó có điều gì không ổn và giúp đỡ em đó” – cô Nga chia sẻ, đồng thời nhấn mạnh, cần phát huy tính tích cực, yêu cầu học sinh chia sẻ ý kiến của mình, khuyến khích các cuộc thảo luận sôi nổi trong lớp.

Cô Nga luôn biết tạo hứng thú cho học trò trong giờ học
Cô Nga luôn biết tạo hứng thú cho học trò trong giờ học

Theo cô Nga, học sinh sẽ ít có hứng thú nếu các em nghĩ rằng, cô giáo chỉ đang giảng bài và chẳng quan tâm đến suy nghĩ của mình. Nếu học sinh cảm thấy được thầy cô quan tâm thì các em sẽ tự tin hơn và có hứng thú muốn chia sẻ quan điểm.

Tuy nhiên, muốn học sinh có hứng thú và sẵn sàng học tập thì giáo viên cần tạo điều kiện cho các buổi thảo luận có giá trị diễn ra trong lớp học. Hãy trực tiếp đặt câu hỏi cho mỗi học sinh thay vì hỏi chung cả lớp và nhớ gọi tên từng học sinh.

“Thực tế là, không học sinh nào muốn bị gọi khi không biết câu trả lời, và nếu biết chuyện này có thể xảy ra thì các em sẽ chuẩn bị sẵn câu trả lời khi học và giúp các tập trung vào bài học hơn. Điều này không chỉ khiến học sinh tích cực đọc tài liệu và chuẩn bị trước khi đến lớp hơn, mà còn giúp học sinh thấy hứng thú khi đến lớp vì cảm thấy ý kiến của mình có giá trị” – cô Nga chia sẻ.

“Nếu bạn muốn tạo động lực cho học sinh thì những lời nhận xét của giáo viên phải đầy đủ, rõ ràng và có ý nghĩa. Nếu học sinh thấy được điểm mạnh và những điểm cần cải thiện của mình thì các em sẽ có nhiều động lực để học hơn so với việc chỉ nhận được một điểm số viết tay và một câu nhận xét không rõ ràng. Hãy dành thời gian để học sinh nhận thấy, thầy cô thực sự quan tâm đến thành công của mình và mong muốn giúp học sinh tiến bộ” - cô Đặng Thị Thúy Nga.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ