Đổi mới, sáng tạo trong dạy học
Là một trong những giáo viên giỏi và vinh dự được nhận giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” năm 2019, cô Nguyễn Thị Thanh Hoa – giáo viên Trường Tiểu học Việt Nam - Cu Ba (Ba Đình, Hà Nội) cho rằng: Muốn đem lại hạnh phúc cho học sinh cần giảm áp lực, tạo hứng thú cho các em trong học tập. Đặc biệt, giáo viên cần tôn trọng, lắng nghe và chia sẻ với trò.
Để hướng tới đích “Trường học hạnh phúc - Thầy cô hạnh phúc - Học sinh hạnh phúc”, cô Hoa đã bắt đầu bằng những “giờ học hạnh phúc”. Theo đó, cô Hoa đã học hỏi để nâng cao trình độ và khả năng ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học; sử dụng các phần mềm tin học để soạn bài giảng.
Những clip ngắn, đoạn phim hoạt hình với nhân vật quen thuộc đúng ý đồ của bài học được cô xây dựng. Cùng với đó, cô tổ chức cho học sinh sưu tầm thông tin, tham gia lồng tiếng các nhân vật yêu thích. Bằng cách làm này, các tiết học luôn trở nên vui vẻ, hạnh phúc, học sinh luôn háo hức chờ đón tiết học.
Ngoài ra, cô Hoa kết hợp với các phương pháp, kỹ thuật dạy học mới, giúp học sinh có những tiết học thú vị, hiệu quả, nắm bắt và ghi nhớ nhanh kiến thức tại lớp. Cụ thể, cô sử dụng hiệu ứng trên phần mềm đồ họa và cài đặt vào PowerPoint khiến các môn học Địa lý, Lịch sử trở nên rõ ràng, dễ quan sát, dễ hiểu.
Tư liệu của các môn học được chọn lọc, cắt ghép và lồng tiếng thuyết minh rõ ràng, ngắn gọn dưới hình thức là một chuyến du lịch và hỏi đáp của các nhân vật hoạt hình. Học sinh vừa đọc sách giáo khoa, vừa xem clip và nghe thuyết minh nên nắm bắt thông tin rất nhanh.
Đối với hoạt động nhóm, cô yêu cầu học sinh ghi lại kết quả thảo luận bằng nhiều hình thức khác nhau như: Sơ đồ tư duy, hình vẽ, tranh ảnh, viết ý, kết hợp với phần hỏi đáp, bổ sung giữa các nhóm học nên các em rất hào hứng và thỏa sức sáng tạo.
Bên cạnh những “giờ học hạnh phúc”, cô Hoa luôn giáo dục học sinh về ý nghĩa của việc học, từ đó các em có động lực tích cực trong học tập. Cô đưa ra các hình thức thi đua trong lớp, giúp học sinh hào hứng trong mỗi giờ lên lớp.
Xây dựng Trường học hạnh phúc bắt đầu từ những giờ học hạnh phúc. Ảnh: Sỹ Điền |
Chuyển hóa những cảm xúc tiêu cực
Từng tham gia Chương trình “Thầy cô chúng ta đã thay đổi”, cô Hà Thu Hiền - giáo viên môn Toán, Trường THPT Ngô Thì Nhậm (Thanh Trì, Hà Nội) chia sẻ: Ông cha ta có câu: “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”.
Đó là phương châm giáo dục theo truyền thống trong nhiều gia đình ở Việt Nam trước đây và cách giáo dục này được một bộ phận các thầy cô giáo áp dụng trong lớp học của mình. Dẫu biết rằng, các thầy cô đều xuất phát từ tâm nguyện muốn học trò của mình trở thành những con người tích cực.
Nhưng trong thời đại ngày nay, cách giáo dục truyền thống đó không mang lại hiệu quả cao, thậm chí đôi khi còn dẫn đến những hậu quả đáng tiếc như nhiều vụ việc xảy ra trong thời gian vừa qua.
Cô Hiền đã biết cách chuyển hóa cảm xúc tiêu cực và học cách thay đổi bản thân, cho dù đó là hành trình chưa bao giờ dễ dàng. Nhưng cô tin, từ những thay đổi nho nhỏ ban đầu, cô sẽ có đủ dũng cảm và kiên trì để tiếp tục hành trình này. Cô sẽ tiến gần hơn ước mơ của mình đó là, ước mơ tạo ra được những tiết học Toán hạnh phúc, mà ở đó tất cả học sinh đều thấy vui vẻ, yêu thích mỗi khi học môn Toán.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Ân – Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam chia sẻ: Lớp học hạnh phúc khi giáo viên có được cảm giác hạnh phúc. Học sinh hạnh phúc là đích đến của Lớp học hạnh phúc.
Vì thế trong quá trình giảng dạy và giáo dục học sinh, giáo viên bắt buộc phải duy trì được cảm xúc tích cực, biết cách chuyển hóa những cảm xúc tiêu cực; đồng thời giáo viên phải có các kỹ năng cần thiết để thúc đẩy quá trình hợp tác tốt đẹp giữa người dạy và người học.
Bên cạnh đó, giáo viên phải biết sử dụng công cụ giáo dục. Đó là các biện pháp kỷ luật tích cực. “Tuy nhiên, kỷ luật phải được hiểu là quá trình tạo dựng môi trường lớp học thân thiện và hạn chế sử dụng kỷ luật như một động từ để trách phạt hoặc giải quyết hành động tức thì” – ông Nguyễn Ngọc Ân nhấn mạnh.