Sau khi Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 999/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ vào năm 2019, thêm nhiều cơ sở giáo dục đã chủ động hướng tới mô hình này.
Nổi bật là chia sẻ giữa các trường đại học trong cùng hệ thống Đại học Quốc gia (ĐHQG) TPHCM, ĐHQG Hà Nội. Từ năm 2021, ĐHQG TPHCM triển khai hệ thống học liệu số cung cấp nền tảng dạy và học trực tuyến cho giảng viên và sinh viên. ĐHQG Hà Nội triển khai Thư viện số tài liệu nội sinh phục vụ người đọc trực tuyến lưu trữ và quản trị khoảng 50 nghìn đối tượng số. Nhiều trường thành viên thuộc hai ĐHQG đã chấp nhận tín chỉ đào tạo của nhau, tạo thuận lợi cho sinh viên học song bằng.
Không chỉ các trường trong hệ thống hai ĐHQG, nhiều cơ sở giáo dục thời gian qua cũng chủ động hợp tác và chia sẻ nguồn lực, trao đổi giảng viên, sinh viên thông qua các thỏa thuận hợp tác song phương hay theo nhóm trường như Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM - Trường ĐH Kiên Giang, Trường ĐH Tài chính Marketing - Trường ĐH Kinh tế Luật, khối 7 trường đại học kỹ thuật, khối 10 trường kinh tế...
Đáng chú ý, “Đề án Đại học chia sẻ” được ĐHQG TPHCM (thực hiện theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM nhiệm kỳ 2020 - 2025) giao cho Trường ĐH Công nghệ Thông tin chủ trì thực hiện đã mạnh dạn đặt ra lộ trình giai đoạn 1 triển khai thử nghiệm trong 4 trường thuộc ĐHQG TPHCM, hình thành Trung tâm vận hành đại học chia sẻ, giai đoạn 2 nhân rộng lên 8 trường…
Chuyển động tích cực của mô hình đại học chia sẻ được đánh giá mang lại nhiều lợi ích cho nhà trường và người học, đặc biệt phù hợp trong bối cảnh công nghệ số. Chi phí cho tài liệu học tập và giảng dạy theo đó sẽ giảm. Thông qua việc tận dụng các học liệu dùng chung, đại học chia sẻ có thể cung cấp các tài liệu chất lượng cao và ít gây gánh nặng tài chính cho sinh viên lẫn nhà trường. Sinh viên có thể chọn lựa học những học phần/giảng viên mình yêu thích ở các trường đại học khác, có thêm nhiều kiến thức, trải nghiệm.
Tuy khởi động khá tích cực nhưng cho đến nay mô hình đại học chia sẻ chưa phát triển rộng rãi và mang lại hiệu quả như kỳ vọng. Khó khăn lớn nhất đối với mô hình này là cơ chế quản trị của các trường đại học và hành lang pháp lý cho việc áp dụng. Hiện nay, cơ chế quản trị của các trường, nhất là trường đại học ngoài hệ thống ĐHQG còn nhiều điểm khác nhau, nhất là tài chính nên gây ra những khó khăn khi tiến hành chia sẻ cơ sở vật chất, nhân lực.
Ngoài Quyết định 999/QĐ-TTg ngày 12/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ thì đến nay chưa có thêm các văn bản quy phạm để hướng dẫn, do vậy còn nhiều khoảng trống chính sách trong quản lý kinh tế chia sẻ nói chung và đại học chia sẻ nói riêng.
Hiện vẫn chưa có quy định cụ thể cho việc quản lý nguồn lực và tài sản công; giảng viên trong các cơ sở giáo dục đại học công lập chịu sự điều chỉnh của Luật Viên chức và văn bản hướng dẫn có liên quan nên hạn chế về chia sẻ nhân lực, nguồn lực giữa các trường khi áp dụng đại học chia sẻ.
Kinh tế chia sẻ là xu hướng tất yếu. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cùng xu hướng số hóa, tự chủ đại học tại Việt Nam là điều kiện thuận lợi để hình thành hệ thống đại học chia sẻ. Vấn đề quan trọng hiện nay là cần tháo gỡ những rào cản về mặt pháp lý.
Cùng với xây dựng hệ thống tích lũy và công nhận tín chỉ giữa các trường đại học, xây dựng nền tảng hạ tầng để các đơn vị có thể chia sẻ khóa học, tài liệu, cần thiết phải xây dựng chính sách, cơ chế, quy định phù hợp khuyến khích đại học chia sẻ. Có như vậy mô hình này mới có thể hoạt động hiệu quả, tạo điều kiện cho người học và giảm chi phí, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong cuộc đua nâng cao chất lượng đào tạo, mang lại lợi ích cho toàn xã hội.