Đại học chia sẻ: Chuyển động trên thế giới

GD&TĐ - Những hình thái của mô hình “Đại học chia sẻ” xuất hiện rõ nhất sau sự ra đời của Quy trình Bologna (1999), khi các bộ trưởng của 19 quốc gia châu Âu gặp nhau để ký một thỏa thuận quan trọng.

Quy trình Bologna được cho là làm tăng tính hấp dẫn của các trường đại học. Ảnh minh họa từ Internet
Quy trình Bologna được cho là làm tăng tính hấp dẫn của các trường đại học. Ảnh minh họa từ Internet

Mục tiêu chính của quy trình Bologna là tạo ra một Khu vực Giáo dục đại học châu Âu và thúc đẩy hệ thống giáo dục châu Âu trên toàn thế giới để tăng lợi thế cạnh tranh quốc tế.

Chất xúc tác

Dưới ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nền kinh tế thế giới đang dịch chuyển nhanh theo hướng các dịch vụ dùng chung để tối ưu hóa việc sử dụng nguồn lực, đặc biệt là tài sản trong đó có tài sản hữu hình và vô hình. Dễ thấy là xu hướng dùng chung xe như Uber, Grab, Lyft hay chia sẻ nhà ở văn phòng làm việc Airbnb...

Đặc biệt, kể từ khi cuốn sách về sự gia tăng của tiêu dùng cộng tác được công bố bởi Botsman và Rogers vào năm 2010, “kinh tế chia sẻ - sharing economy” trở thành một khái niệm được sử dụng phổ biến trên các phương tiện truyền thông xã hội.

Ngoài ra, tác động của sự phát triển khoa học kỹ thuật và đặc biệt kỹ thuật số đã tạo những lợi thế cho việc chia sẻ trong giáo dục như bùng nổ các khóa học MOOCs (Massive Open Online Courses) từ năm 2012 khi mà các platform lớn như Coursera, edX, Udacity hay FutureLearn được giới thiệu. Các trường đại học trên thế giới xây dựng khóa học MOOCs để mở rộng tiếp cận cho nhiều người học bằng việc cung cấp miễn phi hoặc có thu phí, đây cũng là một hình thức chia sẻ dựa trên các nền tảng số.

Mô hình đại học chia sẻ xuất hiện khá lâu trên thế giới dưới những hình thức khác nhau như chia sẻ tri thức, nguồn học liệu, dữ liệu hay chia sẻ khu học xá, cơ sở vật chất… giữa các trường với nhau.

Những hình thái của mô hình “Đại học chia sẻ” rõ nhất là từ lúc có sự ra đời của Quy trình Bologna (1999), khi các bộ trưởng của 19 quốc gia châu Âu gặp nhau để ký một thỏa thuận quan trọng. Mục tiêu chính của quy trình Bologna là tạo ra một Khu vực Giáo dục đại học châu Âu và thúc đẩy hệ thống giáo dục châu Âu trên toàn thế giới để tăng lợi thế cạnh tranh quốc tế.

Khu vực Giáo dục đại học châu Âu (the European Higher Education Area - EHEA) ngày nay lớn hơn nhiều, bao gồm 48 quốc gia châu Âu cộng với Ủy ban châu Âu và nhiều thành viên và đối tác tham vấn, đại diện cho cơ quan công quyền, cơ sở giáo dục đại học, hiệp hội, cơ quan đảm bảo chất lượng, tổ chức quốc tế và các bên liên quan khác.

Mục tiêu việc thành lập Khu vực giáo dục chung này để các cơ sở giáo dục đại học hợp tác công nhận văn bằng và thông qua công cụ dùng chung, chẳng hạn như Hệ thống tích lũy và chuyển đổi tín chỉ châu Âu (the European Credits Transfer and Accumulation System - ECTS) và các Tiêu chuẩn và hướng dẫn về đảm bảo chất lượng trong Khu vực Giáo dục đại học châu Âu (ESG); thúc đẩy trao đổi giảng viên, nhà nghiên cứu, trao đổi sinh viên, chia sẻ các vấn đề chung về quản trị, giảng dạy và học tập, thúc đẩy việc học tập suốt đời và khía cạnh khác của giáo dục đại học.

Mặc dù, trước đó từ đầu thế kỷ 19 đã có nhiều mô hình hợp tác chia sẻ nguồn lực giữa các đại học với nhau ở châu Âu và ở Mỹ dựa trên lợi ích chung, tuy nhiên quy mô chưa lớn, thường chỉ tập trung ở một số trường. Đến năm 2008, sự ra đời của Khung tham chiếu trình độ đào tạo của châu Âu (the European Qualifications Framework) tạo nền tảng thúc đẩy việc công nhận trình độ và đối sánh trình độ đào tạo các cấp bậc giữa đại học châu Âu. Đây cũng là công cụ giúp trường đại học chia sẻ nguồn lực thông qua công nhận trình độ đào tạo lẫn nhau.

Ở khu vực Đông Nam Á, có thể nhận thấy sự xuất hiện của Khung tham chiếu trình độ ASEAN (The ASEAN Qualifications Reference Framework) đã được Bộ trưởng Kinh tế ASEAN, Bộ trưởng Giáo dục ASEAN và Bộ trưởng Lao động ASEAN thông qua vào năm 2014. Đây cũng là một công cụ thúc đẩy cho việc công nhận văn bằng và trình độ đào tạo cũng như đối sánh trình độ đào tạo giữa các trường đại học trong khu vực.

Một năm sau đó (1995), Mạng lưới các trường đại học hàng đầu của khu vực Đông Nam Á (ASEAN University Network - AUN) được thành lập bởi sáng kiến của Hội đồng Bộ trưởng Giáo dục các nước ASEAN, với các thành viên ban đầu do Bộ trưởng Giáo dục các nước đề cử. AUN giúp thúc đẩy chương trình trao đổi dành cho giới trẻ, hợp tác học thuật, các tiêu chuẩn, cơ chế, hệ thống và chính sách hợp tác giáo dục đại học, môn học và phát triển chương trình, diễn đàn về chính sách khu vực và toàn cầu. Đây cũng là những bước phát triển tạo nền tảng cho việc chia sẻ giữa các trường đại học trong ASEAN.

Mô hình ĐH chia sẻ được cho là có “xúc tác” từ cách mạng công nghiệp lần thứ tư và nền “kinh tế chia sẻ”. Ảnh minh họa từ Internet

Mô hình ĐH chia sẻ được cho là có “xúc tác” từ cách mạng công nghiệp lần thứ tư và nền “kinh tế chia sẻ”. Ảnh minh họa từ Internet

Hiệu quả mô hình đại học chia sẻ

Việc các trường công nhận tín chỉ, học phần (môn học) của nhau mà không cần học lại sẽ giúp sinh viên tiết kiệm học phí và các chi phí khác. Đồng thời, hạn chế việc di chuyển, tiết kiệm thời gian, mở rộng khả năng tiếp cận đại học cho nhiều sinh viên hơn và tạo công bằng trong giáo dục. Đặc biệt, những sinh viên có điều kiện kinh tế khó khăn hoặc ở các tỉnh, thành khác nhau không cần di chuyển xa để đi học mà vẫn có thể hoàn thành chương trình. Điều này góp phần tạo nên sự đa dạng các trải nghiệm học tập, tăng hiệu quả học tập, thúc đẩy học tập suốt đời.

Bên cạnh đó, các trường có thể chia sẻ cơ sở vật chất, nguồn học liệu, thư viện, trao đổi giảng viên, nhà nghiên cứu tạo những giao lưu học thuật và nghiên cứu; trao đổi sinh viên để đa dạng nguồn cũng như hỗ trợ tăng trải nghiệm cho sinh viên, đặc biệt những trải nghiệm quốc tế nếu các trường có những ký kết chia sẻ với đại học ở nước ngoài…

Đồng thời thông qua đó có những đối sánh về nhiều vấn đề của giáo dục đại học để có thể cải tiến và nâng cao chất lượng. Điều này cũng được nêu trong Mục tiêu số 4 - Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc: Bảo đảm nền giáo dục có chất lượng, công bằng, toàn diện và thúc đẩy các cơ hội học tập suốt đời cho mọi người.

Hội nghị Giáo dục Đại học Thế giới 2022 của UNESCO - Hội nghị định hình tương lai của giáo dục đại học diễn ra từ 18 - 20/5/2022 tại Barcelona, Tây Ban Nha đã một lần nữa nhấn mạnh vai trò quan trọng của giáo dục đại học trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc và đồng thời kêu gọi chuyển đổi số trong giáo dục đại học và hợp tác trong giáo dục đại học hơn là cạnh tranh…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.