Đại học chia sẻ: Từ giấc mơ đến hiện thực

GD&TĐ - Tại sao chúng ta có thể chia sẻ xe cộ, phương tiện, phòng ở mà không thể chia sẻ các khóa học? Tại sao sinh viên trường này không thể học ở trường khác theo cách chất lượng hơn, rẻ hơn?

Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM và Trường ĐH Kiên Giang ký kết thỏa thuận đào tạo đại học chia sẻ (tháng 8/2020). Ảnh: Công Chương - NTCC
Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM và Trường ĐH Kiên Giang ký kết thỏa thuận đào tạo đại học chia sẻ (tháng 8/2020). Ảnh: Công Chương - NTCC

Từ giấc mơ “Uber hóa giáo dục”, đến nay, nhiều cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam đã mạnh dạn theo đuổi mô hình đại học chia sẻ.

Những chuyển động tích cực

Ở khu vực phía Nam, ý tưởng hình thành đại học chia sẻ khởi động từ Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM (HCMUTE). Năm 2018, HCMUTE bắt đầu triển khai ý tưởng giáo dục đại học chia sẻ với việc ký kết công nhận tín chỉ và chia sẻ nguồn lực với Trường Đại học Kinh tế TPHCM, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Trong khi đó, khu vực phía Bắc, tháng 1/2019, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2018 và triển khai kế hoạch nhiệm vụ năm 2019, ĐHQG Hà Nội đã đề cập đến định hướng kiến tạo mô hình đại học chia sẻ.

Việc Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 999/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ vào năm 2019 đã “bật đèn xanh” cho các cơ sở giáo dục có thêm động lực hướng tới chia sẻ nhiều hơn. Tháng 8/2020, HCMUTE lần thứ hai hiện thực hóa đại học chia sẻ với việc ký kết cùng Trường ĐH Kiên Giang (KGU) biên bản hợp tác về công tác phối hợp tuyển sinh, đào tạo trình độ đại học chính quy chương trình chuyển tiếp 2 giai đoạn (gọi tắt là chương trình 2+2) tại HCMUTE.

Cũng trong năm 2020, Sở GD&ĐT TPHCM mạnh dạn phối hợp với Hội đồng hiệu trưởng các trường đại học xây dựng Đề án tổng thể “Đào tạo nhân lực trình độ quốc tế giai đoạn 2020 - 2035 và Đại học chia sẻ”, trong đó gồm xây dựng mô hình đại học có khả năng kết nối và chia sẻ các nguồn lực giữa các trường đại học, đẩy mạnh phát triển nguồn học liệu mở…

Mô hình đại học chia sẻ sau đó được Đại hội Đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 quyết nghị giao ĐHQG TPHCM xây dựng và triển khai thí điểm để làm cơ sở phát triển trong thời gian tới. Trường ĐH Công nghệ thông tin được ĐHQG TPHCM giao triển khai thí điểm. PGS.TS Vũ Đức Lung - Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Công nghệ thông tin - ĐHQG TPHCM - cho biết, đề án đang trong giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi và đã trình qua hội đồng thẩm định, phê duyệt.

“Theo Nghị quyết của thành phố sẽ triển khai đề án đại học chia sẻ từ nay tới năm 2035. Sau khi đề án được vận hành, các môn học trong học liệu số sẽ không cần nhiều giảng viên mà chỉ cần một số trợ giảng vì bài giảng, bài tập, hướng dẫn đã có sẵn. Chúng tôi dự kiến sẽ mở rộng phạm vi chia sẻ trên toàn quốc” - PGS.TS Vũ Đức Lung cho biết.

Ở khu vực miền Trung, trong dịp Lễ kỷ niệm 65 năm xây dựng và phát triển, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Huế (ĐH Huế) cũng khẳng định nhà trường đang nỗ lực định vị thương hiệu bằng mô hình đại học số, chia sẻ.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, nguyên Hiệu trưởng HCMUTE - một trong những người đề xuất mô hình đại học chia sẻ, cho rằng, giáo dục đại học chia sẻ hay “Uber hóa giáo dục đại học” là xu thế cần thiết trong giai đoạn tự chủ và đáp ứng của thời đại số. Trong bối cảnh tự chủ đại học, các trường đều phải tăng học phí làm cuộc sống của đa số sinh viên rất khó khăn. Sự ra đời của đại học chia sẻ sẽ giúp giảm chi phí đào tạo, tiến tới giảm học phí.

“Sự ra đời của đại học chia sẻ là tất yếu để các trường tăng tính cạnh tranh trong bối cảnh tự chủ theo Luật Giáo dục Đại học sửa đổi; phù hợp với bối cảnh cuộc cách mạng số đang tạo ra những công nghệ mới trong dạy học, cho phép sinh viên học bất cứ nơi đâu, bất cứ khi nào. Công nghệ thông tin cũng cho phép các trường chuyển đổi và công nhận tín chỉ mà các em tích lũy dễ dàng...”, PGS.TS Đỗ Văn Dũng nhận định.

Hiệu trưởng 3 Trường ĐH Bách khoa ký kết hợp tác về việc tổ chức các khóa học trao đổi sinh viên. Ảnh: Công Chương - NTCC

Hiệu trưởng 3 Trường ĐH Bách khoa ký kết hợp tác về việc tổ chức các khóa học trao đổi sinh viên. Ảnh: Công Chương - NTCC

Thành quả bước đầu đáng khích lệ

Không chỉ là ý tưởng, chủ trương, những chuyển động đại học chia sẻ đã và đang dần triển khai trên thực tế. Nhiều trường đại học đã thực hiện việc công nhận tín chỉ với trường đối tác ở quốc gia khác. Hệ thống dữ liệu khoa học trực tuyến được khai thác chung... Đơn cử, tại Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TPHCM sinh viên theo học ngành Ngôn ngữ Trung Quốc, Nhật Bản học, Việt Nam học... được công nhận tín chỉ ở các trường đại học đối tác ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc...

Hai Trường ĐH KHXH&NV ở TPHCM và Hà Nội cũng thiết kế các chương trình mà sinh viên có thể đăng ký theo học ở trường còn lại và được công nhận tín chỉ; giảng viên 2 trường cũng có thể được mời trao đổi.

Đặc biệt, thời gian qua một số “liên minh giáo dục” đã hình thành, cùng nhau chia sẻ nguồn lực. Khối 7 trường đại học kỹ thuật gồm ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng, ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TPHCM, ĐH Giao thông Vận tải, ĐH Mỏ - Địa chất, ĐH Thủy lợi, ĐH Xây dựng đã ký hợp tác toàn diện về hoạt động tuyển sinh, đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục.

Theo đó, các trường nhất trí chia sẻ thông tin nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, cùng hợp tác khai thác phòng thí nghiệm ngành/chuyên ngành giữa các trường, xây dựng chương trình trao đổi cán bộ nghiên cứu; Xây dựng và triển khai chương trình nghiên cứu liên ngành, liên trường, thực hiện công bố khoa học chung đặc biệt trong các lĩnh vực: AI, kỹ thuật số, vật liệu mới, an ninh năng lượng, kinh tế tuần hoàn. Người học được khai thác tài nguyên số của 7 trường.

Gần đây, tại Hội nghị quốc tế IEEE về lĩnh vực điện tử và truyền thông (IEEE ICCE – International Conference on Communications and Electronics) diễn ra tại Nha Trang (Khánh Hòa), hiệu trưởng 3 trường đại học: Bách khoa – ĐHQG TPHCM, Bách khoa Hà Nội và Bách khoa - ĐH Đà Nẵng đã ký kết hợp tác về việc tổ chức các khóa học trao đổi sinh viên (ngắn hạn và dài hạn).

PGS.TS Đoàn Quang Vinh - Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng - cho hay, sau khi ký kết, các khoa của 3 trường sẽ ngồi lại bàn về những môn công nhận tín chỉ của nhau, cùng rà soát lại chương trình đào tạo. Đến tháng 12/2022, 3 trường công bố danh sách các môn học công nhận tín chỉ của nhau. Từ đó, sinh viên có thể đăng ký các môn học chung trong hệ thống. Sang năm, các trường sẽ tổ chức trường hè, sinh viên của ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Bách khoa TPHCM sẽ về học ở Đà Nẵng để có trải nghiệm chung...

“Một trong những giá trị của việc ký kết này mang lại là sinh viên có môi trường học tập linh động hơn, không gian học tập được mở rộng hơn thay vì đóng khung trong một trường. Đồng thời, sinh viên có thể lựa chọn môn học và GV của 1 trong 3 trường để có kiến thức tốt nhất cho định hướng nghề nghiệp. Tiếp theo, 3 trường cũng định hướng xây dựng kho học liệu chung, bài giảng chung theo hướng chuyển đổi số. Như vậy, sinh viên sẽ có cơ hội học chung các thầy cô tốt nhất của 3 trường”, PGS.TS Đoàn Quang Vinh cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.