Nữ tiến sĩ đam mê bất tận với... căn bệnh dị ứng

GD&TĐ - TS Trịnh Hoàng Kim Tú (sinh năm 1988) – Trung tâm Y Sinh học Phân tử, Trường Đại học Y Dược TPHCM có 23 công trình nghiên cứu khoa học (NCKH) về lĩnh vực dị ứng - miễn dịch. Mới đây, chị nhận giải Nhất, giải thưởng “Tài năng trẻ Đại học Y Dược TPHCM” với công trình nghiên cứu được đăng tải trên các tạp chí quốc tế, bằng sáng chế…

TS Trịnh Hoàng Kim Tú cùng các đồng nghiệp thực hiện đề tài nghiên cứu tại phòng thí nghiệm. Ảnh: NVCC.
TS Trịnh Hoàng Kim Tú cùng các đồng nghiệp thực hiện đề tài nghiên cứu tại phòng thí nghiệm. Ảnh: NVCC.

8 tuổi nuôi “mộng” bác sĩ 

TS Kim Tú, cựu học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TPHCM  nuôi “mộng” trở thành bác sĩ từ năm 8 tuổi, chỉ với suy nghĩ đơn giản là sẽ chữa được bệnh cho bố mẹ. Nghĩ là làm, chị nỗ lực học tập để trở thành sinh viên ĐH y. 

Quá trình theo học ĐH, nhận thấy việc học y không chỉ khám lâm sàng, mà còn có mảng NCKH, chị đã mạnh dạn tham gia phụ cho một số đề tài nghiên cứu sinh của các thầy cô ở trường rồi bén duyên với hướng đi này. Tốt nghiệp bác sĩ đa khoa tại Đại học Y Dược TPHCM, đi làm một thời gian, Kim Tú vẫn muốn trải nghiệm và tham gia vào làm nghiên cứu chuyên sâu.

Được sự định hướng của thầy cô, anh chị đi trước, đặc biệt là PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan, TS.BS Phạm Lê Duy, năm 2014, Kim Tú tiếp tục theo học chương trình kết hợp Thạc sĩ – Nghiên cứu sinh, chuyên ngành Khoa học Y khoa (Medial Science), tại khoa Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng dưới sự hướng dẫn của GS Hae-Sim Park, Bệnh viện Đại học Ajou, Hàn Quốc.

Được làm việc với GS Park - chuyên gia về Dị ứng - Miễn dịch nổi tiếng của Hàn Quốc, châu Á và thế giới - Kim Tú học không chỉ kiến thức mới, mà còn về phong cách làm việc tận tụy, nghiêm túc, và cả cách thiết lập mô hình kết hợp khám bệnh lâm sàng - phòng thí nghiệm cơ bản - trung tâm thử nghiệm lâm sàng.

Chị cho biết: “Ban đầu, mình chưa biết nhiều về y sinh và về kỹ thuật nghiên cứu cơ bản nên thí nghiệm thất bại nhiều lần. Để vượt qua, mình tự động viên bản thân và tham gia nhiều hơn vào các cộng đồng nghiên cứu sinh/postdoc nhằm chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm…”.

Không ngừng nỗ lực vượt khó, năm 2018, Kim Tú tốt nghiệp Tiến sĩ Y khoa. Chị tiếp tục nghiên cứu sau tiến sĩ tại khoa của GS Park trước khi trở về nước vào năm 2020 và công tác tại Trung tâm Y Sinh học phân tử, với nhiệm vụ được phân công là Trưởng nhóm “Dị ứng - Miễn dịch”.

Hy vọng cho bệnh nhân dị ứng 

Tài năng trẻ Trường ĐH Y Dược TPHCM - TS Trịnh Hoàng Kim Tú. Ảnh: NVCC
Tài năng trẻ Trường ĐH Y Dược TPHCM - TS Trịnh Hoàng Kim Tú. Ảnh: NVCC

Theo TS Kim Tú, trước đây bệnh nhân dị ứng thường sử dụng thuốc kháng dị ứng và tiếp tục dùng thuốc nếu tái phát triệu chứng. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu sâu xem bệnh nhân đó dị ứng với cái gì, có các biện pháp phòng ngừa tối ưu hơn.

Do vậy, xu hướng thế giới đã đi đến nghiên cứu chuyên sâu về các loại dị nguyên gây dị ứng, ở cấp độ phân tử và tế bào (DNA, RNA, protein…).

Nhờ đó, phương pháp điều trị mới ra đời, như giải mẫn cảm, thuốc sinh học, đặc hiệu hơn. Làm sao để bác sĩ Việt Nam có thể cập nhật ứng dụng các phương pháp ấy để hỗ trợ bệnh nhân trong điều trị, nâng cao chất lượng sống  người bệnh là điều mà chị và đồng nghiệp luôn trăn trở, tìm giải pháp.

Nghiên cứu ứng dụng y sinh – lâm sàng cho ngành Dị ứng - Miễn dịch là hướng đi mà chị theo đuổi để đạt mục tiêu đó.

Nhóm nghiên cứu chuyên sâu Dị ứng - Miễn dịch của Trường ĐH Y Dược TPHCM do chị phụ trách kết hợp giữa nghiên cứu cơ bản (nghiên cứu viên - giảng viên) và bác sĩ lâm sàng chuyên khoa Dị ứng - Miễn dịch.

Làm việc chung, nhóm có thể nắm bắt được nhu cầu thực tế của bệnh nhân, cũng như thực hiện các nghiên cứu cơ bản để phục vụ cho chuyên ngành, hiểu sâu hơn về bệnh, hoặc có thể ứng dụng cho cộng đồng. 

Sắp tới nhóm nghiên cứu của chị tập trung vào người dị ứng hải sản, sốc phản vệ, viêm da cơ địa. Mục tiêu chính là tìm hiểu khác biệt cũng như tương đồng giữa bệnh nhân Việt Nam với bệnh nhân thế giới, phương pháp, kỹ thuật có thể áp dụng cho bệnh nhân Việt Nam với giá thành hợp lý. Sau này, nếu có đủ nhân lực, nhóm sẽ nghiên cứu thêm các bệnh lý dị ứng khác, miễn dịch chuyên sâu hơn như dị ứng thuốc, giải mẫn cảm, suy giảm miễn dịch…. 

“Thử thách quan trọng nhất với mình là thực hiện một nghiên cứu “chuẩn mực”, để kết quả có thể bám sát với thực tế. Khó khăn thay đổi theo từng thời kỳ, tùy thuộc vào trình độ, vai trò của bạn trong một đề tài. Nghiên cứu là một công việc mang tính chất “đồng đội”, một dự án sẽ cần rất nhiều người tham gia, đồng tâm hiệp lực để cho ra kết quả tốt nhất”, TS Kim Tú chia sẻ. 

Cũng theo TS Kim Tú, với sự hỗ trợ của lãnh đạo nhà trường và Ban giám đốc trung tâm, nhóm đã nhận được một số nguồn kinh phí đầu tư cho dự án từ Bộ KH&CN, Tổ chức Hô hấp – Hen - Dị ứng Miễn dịch Nhi khoa châu Á - Thái Bình Dương… Hy vọng sau một thời gian nữa, nhóm sẽ có thể chia sẻ những kết quả đầu tiên.

TS Trịnh Hoàng Kim Tú là một cán bộ trẻ, có năng lực và đã có một thời gian dài học tập, nghiên cứu tại nước ngoài. Sau khi hoàn thành chương trình tiến sĩ, bạn về nước để tiếp tục nghiên cứu và có nhiều công trình khoa học, góp phần vào sự phát triển chung của nhà trường. Trở thành tiến sĩ là một cột mốc quan trọng trong sự nghiệp nghiên cứu nhưng để trở thành một nhà khoa học lớn, các bạn trẻ cần phải cố gắng nhiều hơn và đặc biệt là phải có lòng yêu nước. Chỉ có lòng yêu nước thật sự mới có thể thôi thúc các bạn trẻ vượt qua mọi khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất, môi trường làm việc vì tại Việt Nam có rất nhiều khác biệt so với nước ngoài - PGS.TS Trần Diệp Tuấn (Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược TPHCM).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Xóa định kiến

GD&TĐ - Xóa bỏ định kiến về giới tính trong lựa chọn ngành, trường học, nghề nghiệp là vấn đề đặt ra nhiều năm nay và đã có những chuyển biến tích cực.