Tuân thủ tuyệt đối quy trình chuyên môn
GS.TS Nguyễn Thanh Long - quyền Bộ trưởng Bộ Y tế từng nhận định, Covid-19 là thách thức lớn với toàn thế giới. Vì vậy, việc sản xuất vắc-xin là ưu tiên của các quốc gia, với hy vọng có thể ngăn chặn, khống chế, kiểm soát dịch bệnh và đưa cuộc sống trở về bình thường.
Theo GS Long, việc nghiên cứu sản xuất và làm chủ nguồn cung cấp vắc-xin phòng Covid-19 trong nước là vô cùng quan trọng. Hiện có 4 nhà sản xuất, cơ quan nghiên cứu trong nước đang tập trung chế tạo vắc-xin Covid-19.
“Chúng ta kỳ vọng có thể tự chủ được vắc-xin. Vấn đề là cần thúc đẩy nhanh quá trình nghiên cứu để có vắc-xin cho người Việt Nam. Đồng thời có cơ chế đặc biệt để có thể tiếp cận nguồn vắc-xin trên thế giới nhanh nhất”, quyền Bộ trưởng cho biết.
Về vấn đề cấp phép và thử nghiệm lâm sàng, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị rút ngắn toàn bộ quy trình hành chính. Tuy nhiên, cần tuân thủ tuyệt đối quy trình về chuyên môn, khoa học. Từ đó, đạt được mục tiêu sớm có vắc-xin, nhưng vẫn bảo đảm chất lượng, hiệu quả.
Người Nga do dự tiêm vắc-xin Sputnik V
Theo kết quả từ một cuộc khảo sát mới tại Nga, phần lớn người dân nước này không muốn tiêm vắc xin ngừa Covid-19 Sputnik V. Cuộc khảo sát được thực hiện bởi WCIOM - một công ty thăm dò ý kiến của Nga, cho thấy chỉ 42% dân số nước này sẵn sàng tiêm vắc-xin “cây nhà lá vườn”. Trong khi đó, có tới 52% người không đồng ý.
Vào ngày 11/8, Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo, nước này đã chế tạo thành công vắc-xin Covid-19 đầu tiên trên thế giới. Được phát triển bởi Viện Nghiên cứu Dịch tễ học và Vi sinh vật học Gamaleya của Moscow, vắc-xin sẽ được cung cấp tới công chúng từ tháng 1/2021. Tuy nhiên, giáo viên và nhân viên y tế sẽ được tiêm vắc xin trước. Quá trình tạo ra vắc-xin Sputnik V đã làm dấy lên nhiều ý kiến trái chiều. Không ít người cho rằng, tốc độ phát triển vắc-xin cho thấy, Sputnik V chưa thực sự an toàn.
Valery Fedorov - người đứng đầu WCIOM, cho biết: “Đây là một trường hợp thú vị để hiểu được thực trạng của xã hội ngày nay. Mặc dù muốn bảo đảm rằng sẽ không bị nhiễm bệnh, nhưng hầu hết người dân không có kế hoạch tiêm phòng. Tại sao? Họ sợ và không tin vào sản phẩm”.
Theo ông Kirill Dmitriev - người đứng đầu Quỹ đầu tư trực tiếp của Nga, vắc-xin ngừa Covid-19 tại nước này đã thu hút nhiều sự quan tâm từ các quốc gia khác. Trước đó, ông Dmitriev tiết lộ, đã có 20 quốc gia từ châu Mỹ Latinh, Trung Đông và châu Á đặt mua Sputnik V.
Không thể bỏ qua bước nghiên cứu quan trọng PGS.TS Huỳnh Trần - người từng tốt nghiệp Tiến sĩ Y khoa tại Trường Đại học New York (Mỹ), cho biết, Sputnik V là loại vắc-xin do hãng viện nghiên cứu Gamaleya dùng virus trung gian, là virus yếu họ Adenovirus, không thể nhân bản. Từ đó, tạo ra S protein tương tự như virus SARS-CoV-2. Đây cũng là cách phát triển virus của hãng dược Johnson & Johnson (Mỹ) và Trường Đại học Oxford, (Anh Quốc).
“Khi tiêm vắc-xin này vào cơ thể, tế bào bạch cầu sẽ tấn công và tiêu diệt virus chủ Adenovirus (trong đó có chứa một mảng gene của S protein). Sau đó, tế bào bạch cầu sẽ sản sinh ra các S protein mới, kháng thể và tế bào bạch cầu sẽ “nhớ mặt” các S-protein này. Khi virus SARS-CoV-2 thật xuất hiện, các kháng thể và bạch cầu sẽ vô hiệu hóa virus”, PGS Huỳnh lý giải.
Chia sẻ về tỉ lệ thành công của giai đoạn 3 và 2, chuyên gia cho biết, thông thường, vắc-xin được phát triển qua 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 và 2 là thử nghiệm an toàn trên người, với số ít ứng viên khoẻ mạnh. Trong khi đó, giai đoạn 3 là thời điểm quan trọng nhất, khi thử nghiệm tính hiệu quả qua nhóm đối chứng lâm sàng trên hàng nghìn người, bao gồm người lớn tuổi và phụ nữ có thai, trẻ em. Ở giai đoạn này, tỉ lệ thành công từ giai đoạn 3 đến khi thực sự chấp thuận khoảng 33% cho vắc-xin bệnh truyền nhiễm.
“Một nghiên cứu từ FDA năm 2017 cho thấy, 5 vắc-xin thử nghiệm giai đoạn 3 có kết quả hoàn toàn trái với giai đoạn 2, nghĩa là không hiệu quả. Cụ thể, thử nghiệm giai đoạn 3 của vắc-xin HVTN 702 cho bệnh HIV đã phải bỏ vì không có kết quả. Một nghiên cứu vắc-xin HIV khác - HVTN 502, cũng thất bại ở giai đoạn 3. Kết quả là, nhiều người nhiễm HIV khi tiêm thử nghiệm vắc-xin”, PGS Huỳnh lấy dẫn chứng.
Do đó, chuyên gia này khẳng định, khi không có kết quả thử nghiệm giai đoạn 3 thì chưa nên vội kết luận. Trong tháng này, Nga tuyên bố sẽ cho thử nghiệm giai đoạn 3 của Sputnik V, song song với việc được chấp thuận dùng và bán cho 20 quốc gia. Điều này đồng nghĩa rằng, Bộ Y tế Nga cấp giấy chứng nhận vắc-xin trong lúc bắt đầu thử nghiệm giai đoạn 3.
“Thế giới ai cũng mong muốn có vắc-xin Covid-19 sớm, nhưng chúng ta không thể bỏ qua các bước nghiên cứu quan trọng, nhất là sự an toàn khi thử nghiệm trên người. Trong lúc đại dịch ngày càng có thêm ảnh hưởng chính trị, một điều quan trọng chúng ta không nên bỏ qua là tính hiệu quả và an toàn của vắc-xin Covid-19. Đây là điểm bắt buộc đầu tiên phải có trong y khoa”, PGS Huỳnh nhấn mạnh.