Khó “về đích” đào tạo nghề cho lao động nông thôn

GD&TĐ - Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn nhiều vướng mắc dẫn đến không ít địa phương chưa thể “về đích”.

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn gặp nhiều khó khăn để “về đích”. Ảnh minh họa
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn gặp nhiều khó khăn để “về đích”. Ảnh minh họa

Nhiều địa phương không hoàn thành mục tiêu

Theo thống kê, khu vực nông thôn chiếm khoảng 2/3 dân số và là lực lượng lao động chính ở nước ta. Lao động nông thôn chủ yếu làm việc trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp. Hằng năm, lao động nông thôn cung cấp nguồn lương thực, thực phẩm cho cả nước. Tuy nhiên, trình độ của lao động nông thôn còn thấp chưa đáp ứng được yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn mà nước ta đã đề ra. Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là giải pháp và nhiệm vụ quan trọng cần làm ngay lúc này.

Thừa Thiên - Huế là một trong những tỉnh thành có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Đầu năm, tỉnh này đặt mục tiêu đào tạo nghề cho 2.500 lao động nông thôn. Tuy nhiên, dù ở thời điểm hết tháng 11/2021 thì tỉnh vẫn chưa thể hoàn thành được mục tiêu.

Đại diện Phòng Dạy nghề, Sở LĐ,TB&XH tỉnh cho biết, nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của dịch bệnh và nguồn kinh phí chậm. Vì thế, phần lớn số lao động được đào tạo nằm trong chương trình đào tạo nghề sơ cấp, ngắn hạn 3 tháng. Các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn có nhưng không đáng kể, chủ yếu học lồng ghép với chương trình đào tạo nghề sơ cấp.

“Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn rất thiết thực nhưng càng về sau càng khó triển khai. Lý do chính là bởi quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn, kinh phí hạn chế”, đại diện Phòng Dạy nghề nói.

Theo báo cáo kiến nghị của Sở LĐ,TB&XH tỉnh này, nhiều điểm trong chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã không còn phù hợp. Ví dụ như đơn giá đào tạo thấp; chương trình học chưa phù hợp, một số chương trình đào tạo ngắn ngày không đảm bảo chất lượng dạy...

Tương tự tỉnh Thừa Thiên - Huế, tỉnh Thái Bình cũng gặp một số khó khăn trên. Trao đổi với PV Báo Dân Việt, ông Phạm Hồng Giang - Trưởng phòng Dạy nghề Sở LĐ,TB&XH tỉnh Thái Bình cho biết, khó khăn lớn nhất trong dạy nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn là thiếu kinh phí.

“Năm 2021, Sở LĐ,TB&XH cũng có văn bản đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở NN&PTNT phối hợp triển khai công tác đào tạo nghề. Tuy nhiên, công tác phối hợp gặp nhiều khó khăn. Bản thân nguồn kinh phí về cũng chậm”, ông Giang nói.

Không có kinh phí nên toàn tỉnh không đào tạo được lớp dạy nghề nào cho lao động nông thôn. Tỉnh chỉ đào tạo được một số lớp dạy nghề ngắn hạn, dạy nghề sơ cấp dưới 3 tháng. Một số huyện có ứng kinh phí trước để đào tạo nhưng không nhiều, kinh phí chỉ trên dưới 100 triệu nên hoạt động đào tạo nghề không đảm bảo mục tiêu. Các lớp dạy nghề ngắn hạn chủ yếu là đào tạo nghề lái xe.

Theo Bộ LĐ,TB&XH, bên cạnh hiệu quả, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong những năm qua còn tồn tại những bất cập, hạn chế. Đó là hiệu quả đào tạo nghề còn chưa bền vững, đặc biệt là ở những vùng khó khăn như Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ. Việc đào tạo mới tập trung chủ yếu vào đào tạo sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng. Đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng cho lao động nông thôn theo hình thức đặt hàng mới thực hiện thí điểm… 

Gắn đào tạo với chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Tháng 8/2021, Tổng cục GDNN đã tham mưu cho Bộ LĐ,TB&XH có văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ chuyên môn về đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2021. Nội dung này nằm trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021 - 2025 gửi các địa phương. Tuy có văn bản hướng dẫn cụ thể về công tác triển khai nhưng thực tế vấn đề phân bổ ngân sách, kinh phí đào tạo nghề vẫn gặp nhiều khó khăn.

Ông Đào Trọng Độ - Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên cho rằng, nhiều nguyên nhân khiến nhiều địa phương không thể hoàn thành mục tiêu chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Trong đó, nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của dịch bệnh và vấn đề thiếu hụt nguồn kinh phí hoặc kinh phí dạy nghề bị phân bổ chậm.

“Hiện nay, chúng tôi đang yêu cầu địa phương báo cáo về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Theo thống kê nhanh thì con số đào tạo nghề cho lao động nông thôn từ các địa phương là rất ít. Số lao động được đào tạo ngắn hạn dưới 3 tháng chỉ khoảng 1,3 triệu lao động”, ông Độ nói.

Để hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Tổng cục GDNN (Bộ LĐ,TB&XH) đã xây dựng “Chương trình đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2030”. Dự thảo đã hoàn thiện lấy ý kiến các bộ ngành, đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Dự kiến dự thảo sẽ được phê duyệt sớm ban hành trong tháng 12/2021.

Dự thảo đổi mới đào tạo nghề cho lao động nông thôn đặt mục tiêu đào tạo nghề theo từng giai đoạn cụ thể. Theo đó, giai đoạn 2021 - 2025, trung bình mỗi năm có khoảng từ 1 - 1,2 triệu lao động nông thôn được đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp, đào tạo lại, đào tạo chuyển đổi và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác. Trong đó, đào tạo phi nông nghiệp chiếm khoảng 70%, đào tạo nghề nông nghiệp chiếm khoảng 30%.

Giai đoạn 2026 - 2030 tăng quy mô đào tạo, trung bình một năm đào tạo cho khoảng 1,2 - 1,5 triệu lượt lao động nông thôn. Trong đó, đào tạo nghề phi nông nghiệp chiếm khoảng 75%, đào tạo nghề nông nghiệp cho khoảng 25%.

Để thực hiện mục tiêu này, dự thảo đưa ra nhiều điểm đổi mới đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Trọng tâm là nâng cao chất lượng đào tạo thông qua việc tổ chức liên kết với các doanh nghiệp xây dựng chương trình, giáo án, đào tạo, tạo việc làm. Đồng thời, thực hiện việc thí điểm đào tạo nghề trung cấp, cao đẳng cho lao động nông thôn.

Dự thảo đề án cũng nhấn mạnh mục tiêu của việc đổi mới là nhằm đa dạng hóa các hình thức đào tạo theo hướng mở, linh hoạt, liên thông, hiện đại. Điều này nhằm đáp ứng nhu cầu học nghề đa dạng và ngày một nâng cao của lao động nông thôn. Đồng thời gắn đào tạo với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, từng bước xây dựng giai cấp nông dân tiên tiến, hiện đại.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ