Khó nhọc nghề lột vỏ dừa

GD&TĐ - Bến Tre, nơi được coi là xứ dừa với diện tích trồng dừa lớn nhất cả nước, hiện có hàng trăm các cơ sở thu mua, sơ chế và xuất khẩu, buôn bán dừa với hàng nghìn nhân công làm các công việc liên quan. Đây cũng là nguồn thu nhập chính bao đời của người dân vùng bán đảo này. Kéo theo đó là hàng nghìn người làm công việc sơ chế, tạo ra các sản phẩm từ dừa.

Người phụ nữ lột vỏ dừa
Người phụ nữ lột vỏ dừa

Mưu sinh từ dừa

Là vùng chuyên canh dừa nổi tiếng và lâu đời, hiện tỉnh Bến Tre có hàng trăm nghìn héc-ta đất trồng dừa. Các sản phẩm từ cây dừa (chủ yếu là trái dừa) hiện nay đã được xuất khẩu theo đường tiểu ngạch như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan… Xuất khẩu dừa không chỉ mang lại nguồn lợi kinh tế bền vững mà còn tạo ra một nghề “ăn theo” rất phát triển, đó là nghề lột vỏ dừa.

Công việc lột vỏ dừa vất vả, nhọc nhằn bởi lớp vỏ ngoài nhiều xơ, rắn chắc nhất là dừa khô, già nhưng lực lượng tham gia vào công việc lột vỏ dừa đa phần là phụ nữ.

Tại một vựa dừa ở xã An Thạnh (huyện Mỏ Cày Nam, Bến Tre) nằm gần ngã ba sông Thơm, bên cạnh “núi dừa” với hàng chục ngàn trái xếp chồng lên nhau cao như quả núi, hàng chục công nhân, phần nhiều là nữ đang lặng lẽ với công việc lột vỏ dừa.

Từng trái dừa được người lao động đặt trên đầu con dạo nhọn hoắt rồi ấn mạnh xuống, tước từng lớp vỏ ra rồi dùng dao gọt những phần còn dính một cách thuần thục. Có lẽ, họ phải làm công việc này rất rất lâu mới có sự thành thục ấy.

Bà Phạm Thị Hoàn, 44 tuổi, quê xã An Thạnh bảo, bà làm công việc sơ chế dừa ở đây đã hơn mười năm. Mỗi ngày, trung bình một người có thể sơ chế được khoảng 450 tới 500 trái dừa.

“Công việc thì không có gì khó, chỉ làm sao để tước hết vỏ trái dừa, cho chúng nhẹ đi, nhỏ đi để tiết kiệm chi phí vận chuyển xuất khẩu. Ở đây, các vựa thu mua dừa nguyên liệu về xong thì thuê chúng tôi lột vỏ. Mỗi chục (12 trái) sau khi sơ chế được trả công 30.000 đồng. Nếu dịp cuối năm hay những chuyến hàng gấp, cần hoàn thành trong thời gian ngắn hơn thì chủ vựa tăng thêm chút đỉnh tiền công.

Trước kia, xơ dừa sau khi lột thường được nghiền ra làm phân bón nhưng hiện nay, người ta lấy xơ đó làm sợi để đan công nghiệp. Nói chung tiền xơ cũng đủ để trả tiền công sơ chế dừa”, bà Hoàn chia sẻ.

Cũng theo bà, tại vựa dừa này, ngoài bà thì cô con dâu lớn và cô con gái út cũng theo đuổi công việc này. “Tuy nặng nhọc nhưng làm nhiều cũng quen nên thấy bình thường. Quan trọng là công việc ở đây quanh năm, tiền công được trả đầy đủ nên chẳng cần đi xa kiếm việc”, bà Hoàn kể.

 

Nhiều công nhân cho biết, dù công việc lột trái dừa vất vả, nặng nhọc nhưng so với lên thành phố làm thuê, làm phụ hồ thì cũng “đỡ” hơn.

“Mỗi ngày chăm chỉ cũng kiếm được từ 150 nghìn đồng mà không mất tiền thuê nhà trọ, tiền ăn. Nhiều người nhà gần, trưa vẫn về ăn cơm nên cuối tháng dôi dư được một vài triệu đồng. Những cây dừa ở vườn nhà đến thời thu hoạch kiếm thêm vài triệu nữa nên cuộc sống tạm ổn. Lên thành phố làm ăn, lương chục triệu mà cuối năm cũng chẳng dôi dư được đồng nào”, một công nhân lột vỏ dừa khác cho biết.

Anh này còn bảo, trước khi về quê làm lột dừa, anh từng lên Bình Chánh (TPHCM) làm công nhân mấy năm nhưng chẳng đâu vào đâu. Giờ về quê, hai vợ chồng đều làm ở đây, có tháng dư tới năm triệu đồng.

Tai nạn như cơm bữa

Có thể nói công việc sơ chế trái dừa cũng không quá phức tạp, chỉ cần có sức khỏe và chăm chỉ làm việc là được. Tuy nhiên, việc lột vỏ dừa lại tiềm ẩn nhiều tai nạn, có thể gây đứt tay, ngón tay... Theo anh Nguyễn Văn Xuân (ở xã Thành Thới B, huyện Mỏ Cày Nam, Bến Tre) thì anh làm công việc này đã được hơn mười năm.

Anh Xuân bảo, tại vựa này có khoảng hơn 20 công nhân làm nghề lột vỏ dừa, hầu hết đều là người dân trong vùng. Mỗi công nhân có một chiếc dao sắc cắm cố định xuống đất và cầm trái dừa tì vào mũi dao để lột vỏ. Nếu sơ sẩy một chút, mũi dao có thể đâm vào tay hay ngón tay.

“Người làm nghề lột dừa, không ai là không bị vài lần bị dao đâm chảy máu, trầy xước da. Có nhiều tai nạn hy hữu hơn khiến nạn nhân phải đi bệnh viện. Như cách đây mấy năm ở dưới Bình Khánh Tây, người em họ tôi khi đang lột dừa thì cây dao bị cong mất lực, cả người nó bị tuột theo khiến mũi dao đâm chéo vào bả vai. May mà đưa đi cấp cứu kịp, khâu hơn chục mũi.

Nằm hơn tuần thì về nhà nhưng tay phải giờ cũng bị ảnh hưởng, chuyển qua bên khu se sợi dừa rồi. Ở đây, mỗi ngày có hàng trăm ngàn trái dừa được lột vỏ nhưng chưa ai chế tạo được cái máy móc nào để lột cả. Bao năm vẫn phải qua bàn tay con người”, người đàn ông xứ dừa kể thêm.

Những vựa buôn bán dừa ở Bến Tre.

Những vựa buôn bán dừa ở Bến Tre.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.