Cấm xe máy có hết ùn tắc?
UBND TP Hà Nội vừa phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế đô thị TP Hà Nội từ năm 2025, tầm nhìn 2030.
Hà Nội đặt ra 33 nhiệm vụ, dự án, đề án, chương trình ưu tiên thực hiện trong giai đoạn 2025 - 2030.
UBND TP Hà Nội giao Sở GTVT chủ trì, phối hợp cùng các đơn vị liên quan lập đề án phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030.
Việc hạn chế, cấm xe máy sẽ được áp dụng tại địa bàn 12 quận nội thành, gồm: Hoàng Mai, Long Biên, Thanh Xuân, Bắc Từ Liêm, Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Đông, Tây Hồ và Nam Từ Liêm.
Nội dung đề án đã nhận được sự quan tâm của dư luận. Đây không phải lần đầu người dân Hà Nội nghe đến đề án “cấm xe máy”, bởi trước đó, năm 2017, Hà Nội đã nêu đề xuất cấm xe máy ở 5 quận nội đô, bắt đầu thực hiện từ năm 2025, rút kinh nghiệm triển khai tiếp giai đoạn 2 từ năm 2026 - 2030.
Trả lời PV Báo GD&TĐ, ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội hoàn toàn ủng hộ việc hạn chế xe máy vào nội đô, nhưng phải lấy ý kiến nhân dân đảm bảo giải pháp và quyền lợi.
“Việc hạn chế xe máy vào nội đô là xuất phát từ lợi ích của người dân và xã hội, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển giao thông đô thị.
Nhưng hạn chế vào thời điểm nào, cấm vào lúc nào thì người dân phải được bàn thảo, phải có những hội thảo để có ý kiến của người dân.
Hạn chế, cấm xe máy thì người dân sẽ đi bằng phương tiện gì. Cơ quan Nhà nước không thể cứ ngồi đấy quyết định, để người dân phải theo rồi cuối cùng không giải quyết được việc gì...”, ông Bùi Danh Liên nói.
Theo ông Bùi Danh Liên, mục đích hạn chế, tiến tới cấm xe máy là tốt, nhưng người dân đi lại bằng phương tiện gì, cơ quan quản lý phải trả lời được.
“Chỉ còn 7 năm nữa là đến 2030, khi đó giao thông công cộng sẽ phát triển như thế nào, bức tranh này cần được vẽ ra rõ ràng. Nhưng với đà phát triển như hiện nay, việc hạn chế, cấm xe máy vào năm 2030 là ít mang tính khả thi...”, ông Bùi Danh Liên nói.
Theo ông Bùi Danh Liên, việc lấy ý kiến người dân để triển khai đề án hạn chế xe máy vào nội đô là quan trọng.
Đại diện cho người dân là MTTQ và các tổ chức đoàn thể xã hội cần có ý kiến. Từ đó có những đề xuất về giải pháp chống ùn tắc giao thông và đảm bảo nhu cầu đi lại cho người dân.
Theo ông Bùi Danh Liên, 2 đối tượng mà TP Hà Nội cần quan tâm đó là người đi làm bằng xe máy và người đang sinh sống tại Hà Nội đi xe máy. Bởi học sinh, sinh viên có thể tổ chức đưa đón, người dân đi lại có phương tiện xe buýt, giao thông công cộng.
Tuy nhiên, giải quyết toàn bộ người dân đi lại mà không đi xe máy là rất khó. Chưa kể, để đảm bảo đề án có tính khả thi, UBND TP Hà Nội đã đặt mục tiêu sau năm 2030 phương tiện công cộng sẽ đảm nhận khoảng 45 - 50% nhu cầu đi lại của người dân, năng lực vận tải có thể đáp ứng trên 80% số chuyến đi trong khu vực hạn chế xe máy; 80% người dân khu trung tâm tiếp cận được xe buýt trong phạm vi 500m.
"Bên cạnh thực tế về giao thông đô thị Thủ đô, một vấn đề khác cũng cần được quan tâm đó là việc khi hạn chế, cấm xe máy, lượng phương tiện ô tô cá nhân tăng đột biến thì sẽ như thế nào?", ông Bùi Danh Liên đặt câu hỏi.
Tính khả thi thấp
Khi được hỏi tới việc hạn chế, cấm xe máy vào nội đô năm 2030, chị Ng. T. Hoa (huyện Thanh Oai, Hà Nội) tỏ ra lo lắng vì cả gia đình hành nghề buôn bán rau củ quả ở chợ Long Biên.
“Ngày nắng, mưa đều chở nông sản về chợ đầu mối bán lại cho tiểu thương. Cung đường đi chợ qua nhiều quận nội thành, nếu hạn chế, cấm xe máy thì gia đình không biết lấy phương tiện gì đi chợ…”, chị Hoa nói.
Theo chị Hoa, xe ba gác đã cấm từ lâu trong khi ô tô tải nhỏ thì không đủ điều kiện để mua sắm, việc hạn chế hay cấm xe máy sẽ khó cho gia đình.
Thông tin với báo chí, chuyên gia giao thông đô thị, TS Nguyễn Xuân Thủy nhận định, việc hạn chế, cấm xe máy hoạt động ở nội đô vào năm 2030 là thiếu khả thi. Bởi hiện nay, hạ tầng giao thông còn yếu kém, đường sá còn hẹp, việc cấm xe máy hoạt động sẽ gây khó khăn cho người dân trong việc đi lại.
Lưu lượng phương tiện ô tô chiếm phần lớn diện tích giao thông ở nội đô Hà Nội. |
TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, việc hạn chế hay cấm xe máy là việc đối xử không công bằng, thiếu tính nhân văn. Bởi, sử dụng xe máy phần lớn vẫn là người lao động, thậm chí họ còn khó khăn, đó là chưa kể xe máy phù hợp với các “ngõ nhỏ, phố nhỏ” đặc trưng của giao thông Hà Nội.
Hơn nữa, khi hạn chế, cấm xe máy người dân sẽ lại chuyển sang đi ô tô, trong khi xe máy chiếm mặt đường chỉ bằng một phần ô tô. Bởi khi toàn bộ người dân chuyển sang đi ô tô sẽ gây ùn tắc hơn gấp 5 - 10 lần so với hiện nay.
Hoàn toàn ủng hộ hạn chế xe máy vào nội đô, ông Nguyễn Công Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho rằng, cần phải phát triển mạng lưới giao thông công cộng một cách hợp lý hơn.
Hà Nội phải chuẩn bị tốt loại hình vận tải hành khách công cộng, phải đa tầng, tuyến. Trước mắt là các dự án giao thông công cộng phải được triển khai thi công khẩn trương, nhanh hơn. Đơn cử, tuyến metro Nhổn - Ga Hà Nội cần đẩy nhanh tiến độ đưa vào sử dụng.
Ông Nguyễn Công Hùng bày tỏ, Hà Nội phải nâng cấp xe buýt, có thể mở thêm xe buýt tuyến ngách, sử dụng xe buýt nhỏ vào phố nhỏ, ngách để cho người dân tiếp cận được các loại hình vận tải này. Bởi hiện nay, người dân đi xe buýt phải đi bộ từ các ngõ, hẻm ra điểm dừng đỗ xe còn rất xa.
Theo các chuyên gia giao thông, cùng với việc phát triển giao thông công cộng, Hà Nội cũng cần sớm đẩy nhanh tốc độ xây dựng các tuyến đường bộ trọng điểm kết nối cả trong nội thành và ngoại thành như: Đường Vành đai 2 trên cao, đường 70..., sớm triển khai xây dựng tuyến đường Vành đai 4 để giảm tải lưu lượng phương tiện cho khu vực nội thành.