Hà Nội nghiên cứu cấm xe máy từ vành đai 3 vào nội đô sau năm 2025

GD&TĐ - Hà Nội có thể sẽ dừng hoạt động xe máy các quận trong phạm vi từ đường vành đai 3 và đường Trường Sa, Hoàng Sa, Quốc lộ 5 trở vào trung tâm từ sau năm 2025.

Người dân leo lên vỉa hè đường Lê Văn Lương đi ngược chiều. Ảnh: Ngọc Thành.
Người dân leo lên vỉa hè đường Lê Văn Lương đi ngược chiều. Ảnh: Ngọc Thành.

UBND thành phố Hà Nội vừa có báo cáo về kết quả thực hiện Nghị quyết số 04 ngày 4/7/2017 của HĐND thành phố về việc thông qua Đề án tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường giai đoạn 2017 - 2020 tầm nhìn 2030.

Đề án phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030, thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai thực hiện đo kiểm khí thải mô tô, xe máy cũ đang lưu hành trên địa bàn làm cơ sở nghiên cứu, đề xuất các giải pháp cải thiện chất lượng không khí.

Liên quan đề án này, ngày 15/6, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã có thông báo về kết luận, trong đó giao các cơ quan liên quan hoàn thiện đề án này trên cơ sở bám sát nội dung đã được phê duyệt tại Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND.

Các cơ quan tiến hành nghiên cứu theo hướng sau năm 2025 sẽ dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận trong phạm vi từ đường vành đai 3 và đường Trường Sa, Hoàng Sa, Quốc lộ 5 trở vào trung tâm thành phố.

Ngoài ra, sau năm 2030, thành phố Hà Nội sẽ dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận trong phạm vi từ vành đai 4 đối với khu vực nam sông Hồng và vành đai 3 đối với khu vực bắc sông Hồng.

Cũng theo báo cáo, thành phố Hà Nội đã xử lý được 63 điểm ùn tắc giao thông, bình quân giải quyết 12 điểm/năm. Năm 2021, thành phố còn 31 điểm (đã xử lý 6 điểm, phát sinh 7 điểm). Các điểm ùn tắc giao thông phát sinh thêm chủ yếu tập trung ở các công trình đang thi công, sẽ được xử lý triệt để khi công trình hoàn thành. Bên cạnh đó, tỷ lệ đất dành cho giao thông tăng đều hàng năm…

Về mặt tồn tại, hạn chế, theo UBND thành phố Hà Nội, hiện tình trạng ùn tắc giao thông vẫn diễn biến phức tạp đặc biệt vào giờ cao điểm và các dịp lễ, Tết; chưa có lộ trình di dời các cơ quan Trung ương trong nội thành.

Bên cạnh đó, các tuyến vành đai 1-2-3 được đầu tư chưa hoàn chỉnh. Vành đai 4, vành đai 5 chưa được đầu tư. Các tuyến đường sắt đô thị đều chậm tiến độ so với kế hoạch. Tỷ lệ vận tải hành khách công cộng chưa đạt theo yêu cầu đề ra do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ