Sở Giao thông - Vận tải TP Hồ Chí Minh vừa đề xuất chi hơn 550 tỷ đồng thực hiện Đề án Thí điểm kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy đang lưu hành trên địa bàn thành phố, với mục tiêu cải thiện chất lượng môi trường không khí, góp phần hạn chế phương tiện cá nhân. Đề án có thêm “điểm chung” nữa là vấp phải sự phản ứng, hoài nghi của dư luận về hiệu quả.
Cần nhắc lại rằng, cách đây không lâu, các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng đã từng đề xuất thực hiện thu phí phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông vào khu vực trung tâm thành phố với mục đích giảm ùn tắc giao thông, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường... Vậy nhưng cho dù mới ở dạng đề án nhưng những chủ trương này đều vấp phải sự phản ứng của dư luận...
Với Đề án này, Sở Giao thông - Vận tải TP Hồ Chí Minh cho biết sẽ chia làm các giai đoạn: Năm 2021 bắt đầu tuyên truyền về chính sách; giai đoạn 2022 - 2023 thực hiện kiểm tra khí thải toàn bộ xe đang lưu hành để xây dựng cơ sở dữ liệu, đồng thời thu phí 50.000 đồng/xe/năm đối với các xe máy sử dụng từ 5 năm trở lên... Nêu quan điểm về Đề án này, Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh Nguyễn Lê Ninh cho rằng, do chưa đánh giá tác động xã hội nên ông không đồng tình.
Theo ông Ninh, kiểm soát khí thải là yêu cầu không mới nhưng các giải pháp đưa ra chỉ mới giải quyết “phần nổi” của vấn đề. Ông Ninh lý giải thêm rằng, ở đây cơ quan quản lý chỉ hoàn thành trách nhiệm quản lý, không “để ý” đến đời sống người dân và các quy định đưa ra có hợp lý không bởi để có phương án hợp lý nhất thì phải xét nhiều nguyên nhân, nhiều yếu tố, điều tra xã hội học… giảm thiểu tối đa áp lực kinh tế với đời sống người dân, nhất là người lao động, kiếm sống hàng ngày bằng phương tiện cá nhân.
Một điểm nữa khiến dư luận chưa thể an tâm là phải làm rõ xe máy có phải là tác nhân chính gây ô nhiễm môi trường không? Khi thực hiện thu phí thì liệu chất lượng môi trường sẽ được cải thiện như thế nào? Có định lượng rõ ràng được không hay chỉ dựa trên cảm tính?
Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giải pháp căn cơ là phải kiểm soát được “gốc” của vấn đề là khi các phương tiện sản xuất ra phải đủ các tiêu chuẩn về khí thải. Về lâu dài là phát triển hệ thống giao thông công cộng hiện đại, hạn chế xe cá nhân, có phương án thu hồi, xử lý xe cũ...
Không thể người dân phải chịu hết loại phí này đến phí khác. Quy định thu phí nếu cứ thả lỏng để nhiều ngành “kiếm cớ” thu sẽ tạo nên sự chồng chéo. Trong xăng dầu đã có phí môi trường, đã có thuế đường bộ giờ thêm phí khí thải thì cuối cùng chỉ người lao động là khổ - ông Ninh nhấn mạnh.
Để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường chắc chắn phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp chứ không thể chỉ đơn lẻ một, hai giải pháp mang tính tình thế, khó đoán định hiệu quả.