Giảm thiểu ô nhiễm không khí
Liên quan đến dự thảo trên, thông tin với báo chí bà Trịnh Thị Hằng Nga, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ GTVT) cho biết, Luật Giao thông đường bộ 2008 chỉ quy định việc kiểm soát khí thải đối với ô tô, chưa quy định đối với xe máy. Tuy nhiên, xe mô tô, xe máy lại là phương tiện phát thải nhiều khí thải vào môi trường nhất, nên dự thảo Luật mới bổ sung quy định này.
"Trên cơ sở quy định của Luật sẽ xây dựng lộ trình kiểm định khí thải đối với mô tô để triển khai đồng bộ trên cả nước...", bà Nga thông tin.
Trước đó, Bộ GTVT lấy ý kiến các ban, ngành liên quan về dự thảo Đề án kiểm soát khí thải mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ. Theo đó, xe máy có niên hạn từ 5 năm trở lên sẽ phải kiểm tra định kỳ và cấp tem kiểm định mới được lưu hành. Mức phí kiểm định dự kiến 100 - 150 nghìn đồng cho mỗi xe.
Lý giải về việc cần thiết phải kiểm định khí thải phương tiện giao thông hạn chế ô nhiễm không khí, ông Nguyễn Hữu Tiến, Phó Vụ trưởng Vụ Môi trường (Bộ GTVT) cho biết, nguyên nhân gây ô nhiễm không khí chủ yếu từ 3 nguồn, bao gồm hoạt động giao thông, hoạt động công nghiệp, hoạt động xây dựng.
Theo ông Tiến, ô nhiễm từ giao thông là lớn nhất bởi cả nước hiện có khoảng 60 triệu mô tô, xe máy dẫn đến khí độc hại ra môi trường rất lớn. Rất nhiều xe máy không bảo dưỡng định kỳ là một trong những nguyên nhân làm tăng lượng khí phát thải ngày càng lớn.
Trước đó, năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án kiểm soát khí thải xe máy do Bộ GTVT trình. Theo đề án này, mục tiêu tới năm 2015 kiểm định đạt tiêu chuẩn khí thải 80 - 90% xe máy ở Hà Nội, TPHCM và mở rộng cho 60% xe máy tại các thành phố loại 1, 2. Tuy nhiên, do chưa có quy định trong Luật nên khó triển khai. Đến năm 2016, Chính phủ tiếp tục yêu cầu rà soát và Bộ GTVT đã kiến nghị cần có hành lang pháp lý quy định trong Luật.
Hạn chế phương tiện cá nhân
Được biết, đầu năm 2019, Sở GTVT Hà Nội đã đề nghị sớm thực hiện lộ trình cấm xe máy theo Đề án kiểm soát phương tiện cá nhân trong nội đô đến năm 2030. Đề án này đã được HĐND TP Hà Nội thông qua tại Kỳ họp thứ 11, năm 2017.
Hà Nội có khoảng 6 triệu ô tô, xe máy và khoảng 2 triệu phương tiện vãng lai. Số phương tiện này đang gây áp lực lớn đến giao thông, môi trường và cần phải được kiểm soát. Một trong những cách giải bài toán này là thúc đẩy sự phát triển của giao thông công cộng.
Hiện khu vực trung tâm của Hà Nội không thiếu phương tiện giao thông công cộng. Một số tuyến phố đã đủ điều kiện về hạ tầng, tuy nhiên, người dân vẫn có thói quen đi xe máy. Do đó, song hành với đầu tư cho vận tải hành khách công cộng cũng cần có biện pháp hạn chế xe máy để người dân chuyển sang phương tiện công cộng.
Ông Nguyễn Văn Thiêm - Giám đốc điều hành, quản lý một trung tâm bảo hành, bảo dưỡng xe máy lớn ở trên địa bàn quận Cầu Giấy (Hà Nội) cũng bày tỏ, để sửa chữa những xe máy bị khói đen hay xả nhiều khói chỉ mất khoảng 200 - 500 nghìn đồng.
"Khoản tiền bảo dưỡng xe máy thường không quá cao. Nhiều người dân khi phát hiện xe xả khói hoặc liên quan đến máy móc đã mang đi sửa chữa, bảo hành. Chỉ một số ít người khi xe đã hỏng quá nặng mới mang đi sửa chữa. Nên bảo dưỡng xe định kỳ đối với xe máy. Nếu xe mới chỉ cần bảo dưỡng thay dầu nhớt định kỳ là an toàn...", ông Thiêm nói.
Theo Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia Khuất Việt Hùng, hầu hết mô tô, xe máy đều có đăng ký nên sẽ biết được niên hạn của xe. "Chúng ta có thể quy định lộ trình, ví dụ sẽ kiểm tra khí thải trước đối với nhóm có niên hạn trên 15 năm. Quá trình tuần tra kiểm soát, lực lượng CSGT dễ dàng phát hiện nếu xe đó không dán tem có thể xử lý ngay. Cơ sở vật chất sẽ không gặp nhiều khó khăn, chỉ riêng Honda có khoảng hơn 500 đại lý cũng đồng thời làm công việc bảo dưỡng. Cho nên có thể quy chuẩn hóa đối với các đại lý này để có thể dán tem kiểm soát khí thải...", ông Khuất Việt Hùng thông tin.
Về thời gian kiểm tra, theo ông Hùng, quy trình kiểm tra khí thải cũng thực hiện nhanh, chỉ mất khoảng 10 phút. Khi đưa vào Luật cũng cần xây dựng ngay Nghị định để có quy trình phù hợp và tuyên truyền mạnh mẽ để người dân biết thực hiện.
PGS.TS Bùi Thị An – nguyên đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Tài nguyên, môi trường và phát triển cộng đồng chia sẻ, dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), xe mô tô, xe gắn máy khi tham gia giao thông phải được kiểm tra định kỳ về khí thải là cần thiết, phù hợp với xu thế của phát triển xã hội.
"Việc kiểm tra định kỳ khí thải xe máy sẽ kiểm soát tốt xe chính chủ, bảo đảm xe vận hành an toàn và hạn chế cháy nổ xe máy. Đồng thời, việc kiểm tra khí thải xe máy sẽ loại xe cũ nát, hạn chế phương tiện cá nhân hướng đến sử dụng phương tiện công cộng, kéo giảm TNGT và tắc đường…", PGS.TS Bùi Thị An chia sẻ.